Những thách thức mới của ngành ngân hàng

Theo baodautu.vn

Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) đang thực hiện rà soát lại phương pháp tiếp cận đối với tài sản chịu rủi ro (RWA) phục vụ việc xem xét tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) - chỉ số quan trọng nhằm đánh giá “sức khỏe” của một ngân hàng.

Các ngân hàng cần tập trung cải thiện và tự nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Nguồn: internet
Các ngân hàng cần tập trung cải thiện và tự nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Nguồn: internet

Trong hai năm vừa qua, Hiệp ước Basel II (bản chính thức năm 2006) đã đưa ra hai phương pháp tiếp cận trong việc tính toán giá trị tài sản chịu rủi ro tín dụng. Đó là dựa trên các mô hình đo lường nội bộ (IRB) và phương pháp Tiêu chuẩn (SA). Theo phương pháp SA, các tài sản của ngân hàng được gán các trọng số rủi ro khác nhau dựa trên mức độ rủi ro tương ứng, có sử dụng xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng độc lập như S&P và Moody’s. Tại Việt Nam, Thông tư số 36 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ trọng số rủi ro áp dụng cho từng loại tài sản trong ngân hàng.

Tháng 12/2014, BCBS đã đề xuất rà soát lại phương pháp tiếp cận SA nhằm cải tiến phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn đối với rủi ro tín dụng. Mục đích của đề xuất này là nhằm giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức xếp hạng độc lập; tăng cường độ nhạy rủi ro; giảm thiểu sự khác biệt giữa các quốc gia đối với một số nhóm tài sản; tăng cường mối liên kết giữa phương pháp SA và phương pháp IRB và tăng cường khả năng so sánh giữa các ngân hàng về lượng vốn yêu cầu.

Những quy định mới này sử dụng một số thông tin cụ thể của khách hàng vay, như doanh thu và tỷ lệ đòn bẩy đối với các khách hàng vay là doanh nghiệp, để từ đó có thể xác định được trọng số rủi ro tương ứng. Quy định này thường được gọi là Basel IV, vì rất khác các quy định trong Basel II hay Basel III.

Việc thay đổi phương pháp tiếp cận SA mới đặt ra không ít thách thức cho tất cả các tổ chức tài chính. Việt Nam đang muốn áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quy định an toàn trong ngân hàng, nên việc áp dụng các quy định mới này có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ngân hàng trong nước.

Thứ nhất, các ngân hàng sẽ gặp phải thách thức lớn về dữ liệu, như việc thu thập dữ liệu của tất cả các khách hàng cũng như quản trị và duy trì cập nhật các dữ liệu này. Tính chính xác của dữ liệu cũng là một vấn đề được đặt ra cho các ngân hàng. Mức độ sẵn có của dữ liệu và yêu cầu đầu tư hệ thống công nghệ thông tin cũng được xem là một trong các yếu tố chính mà các ngân hàng cần xem xét khi triển khai.

Thứ hai, mức độ ảnh hưởng của các quy định mới này đến RWA và tỷ lệ CAR của ngân hàng hiện vẫn chưa được xác định. Nếu các quy định mới này làm tăng RWA, các ngân hàng sẽ phải nắm giữ nhiều vốn hơn hoặc phải giảm các hoạt động nội bảng và ngoại bảng. Điều này sẽ làm tăng chi phí và giảm nguồn vốn cần thiết cho việc tăng trưởng tín dụng.

Thứ ba, các ngân hàng sẽ phải đánh giá lại mức độ cân bằng giữa các hoạt động kinh doanh có rủi ro thấp hơn và các hoạt động kinh doanh có rủi ro cao hơn. Từ đó sẽ tập trung vào việc cải thiện công tác quản lý vốn, mà không tập trung vào yêu cầu vốn cần thiết nhằm hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh trong ngân hàng và liên kết với chiến lược phát triển, khẩu vị rủi ro và mô hình kinh doanh của ngân hàng.

Việc đưa ra phương pháp tiếp cận SA mới dù nhận được nhiều tán thành do các biện pháp của BCBS nhằm tăng cường độ nhạy rủi ro và giảm thiểu sự chênh lệch giữa phương pháp tiếp cận IRB và phương pháp tiếp cận SA của Basel II (năm 2006), nhưng cũng không thiếu sự quan ngại và không đồng thuận từ các tổ chức tín dụng và hiệp hội ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng và các cơ quan giám sát ngân hàng trên toàn cầu hiện đang rất cẩn trọng trong việc triển khai cho đến khi có những hướng dẫn chính thức từ BCBS đối với phương pháp tiếp cận SA mới này.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những bước tiến quan trọng trong quá trình củng cố và tạo sự ổn định trong ngành ngân hàng với những giải pháp mang tính định hướng. Ý tưởng áp dụng và triển khai phương pháp tiếp cận SA mới tại Việt Nam là phù hợp, tuy nhiên cần xem xét áp dụng cẩn trọng và các yêu cầu triển khai phải được thực hiện linh hoạt. Trên một phương diện tích cực khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang yêu cầu các ngân hàng tập trung cải thiện và tự nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chứ không chỉ tập trung quản lý rủi ro theo hướng ứng phó tuân thủ với các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Simon Topping, Phó tổng giám đốc KPMG phụ trách Bộ phận nghiên cứu chính sách, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, ông ất ấn tượng với những bước tiến rõ ràng của các ngân hàng thương mại trong việc tăng cường vị thế tài chính và năng lực quản trị rủi ro, cũng như phương pháp tiếp cận khôn ngoan và thực tế mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang áp dụng. "Chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều thử thách, tuy nhiên tôi cho rằng việc triển khai Basel tại Việt Nam đang đi đúng hướng".