Những thách thức trong phát huy tiềm năng kinh tế biển ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thủy

Việt Nam có lịch sử phát triển lâu dài gắn liền với biển. Biển chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, đáng chú ý là những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản và nguồn lực con người. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam cũng đang có không ít những tồn tại cần được khắc phục, hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiềm năng phát triển kinh tế biển

Nhiều nghiên cứu cho thấy, biển Việt Nam chứa đựng những tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, nổi bật là các lợi thế:

Vị trí chiến lược và là nhân tố địa lợi của sự phát triển: Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển trên Biển Đông. Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, vùng biển Việt Nam sẽ trở thành cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn: Trên vùng biển rộng hơn l triệu km2 của Việt Nam, có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Ngoài dầu và khí, dưới đáy biển nước ta còn có nhiều khoáng sản quý. Vùng ven biển nước ta cũng có nhiều loại khoáng sản có giá trị và tiềm năng phát triển kinh tế như: than, sắt, ti-tan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác. Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…

Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3 - 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm. Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển Việt Nam có hàng trăm bãi tắm, trong đó có những bãi tắm có chiều dài lên đến 15 - 18km đủ điều kiện thuận lợi khai thác phát triển du lịch biển. Hệ thống đảo và quần đảo phong phú, trải dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Theo thống kê, ven bờ nước ta có 2.773 đảo lớn, nhỏ các loại với tổng diện tích vào khoảng 1.700 km2... Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo lợi thế phát triển du lịch biển hơn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền.

Nguồn nhân lực dồi dào ven biển: Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển. Với số dân hơn 20 triệu người đang sinh sống, các vùng ven biển và đảo của Việt Nam đang có lực lượng lao động khoảng 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhận thức tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khai thác các tiềm năng, các lợi thế của biển để phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. So với thời kỳ trước, kinh tế biển của Việt Nam trong giai đoạn đổi mới vừa qua đã có bước chuyển biến đáng kể.

Cơ cấu ngành, nghề đang có sự thay đổi lớn, đã xuất hiện nhiều ngành, kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại. Việc khai thác nguồn lợi biển đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các lĩnh vực kinh tế biển còn kém phát triển ở nhiều mặt, việc quản lý và khai thác biển kém hiệu quả, gây lãng phí tiềm năng của biển…

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay là:

- Việc tổ chức đánh bắt xa bờ còn tồn tại nhiều vấn đề về điều tra nguồn lợi, xác định ngư trường, mùa vụ đối tượng đánh bắt, trang bị nghề khai thác, cỡ loại tàu thuyền đối với từng nghề. Các phương tiện đánh bắt cá, đặc biệt là đánh bắt xa bờ còn khá lạc hậu, tàu thuyền công suất thấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng, bến cá, chợ cá quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng được công tác hậu cần đánh bắt cá quy mô lớn.

- Vấn đề phát triển kinh tế xã hội vùng biển còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, chuyển đổi cơ cấu vùng ven biển còn chậm. Trình độ công nghệ trong khai thác, nuôi trồng, chế biến nhìn chung còn lạc hậu, dẫn đến năng suất thấp giá thành cao, khả năng cạnh tranh trong hội nhập còn nhiều khó khăn và thách thức. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế do ý thức chấp hàng luật pháp của dân chưa cao.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu sản xuất các loài giống thủy sản có giá trị kinh tế cao cũng như áp dụng những thành tựu khoa học thế giới vào sản xuất con giống, thức ăn và các giải pháp phòng trị bệnh còn yếu, nên hiệu quả sản xuất còn hạn chế.

- Hoạt động sản xuất vẫn còn mang tính tự cấp, tự túc, công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu, sản phẩm tạo ra chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và thủy vực phức tạp, hàng năm có nhiều mưa, bão, lũ gây ra nhiều tổn thất to lớn. Cuộc sống của người dân lao động trong nghề vẫn còn nhiều vất vả, bấp bênh, do đó không tạo được sự gắn kết với nghề.

- Khả năng dự đoán tình hình thời tiết còn thiếu tính chính xác và kịp thời, hơn nữa khả năng truyền thông, truyền tin liên lạc còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, công tác phòng vệ bảo đảm an toàn tính mạng của ngư dân đánh bắt xa bờ còn chưa hoàn thiện.

- Thị trường ngày càng khắt khe hơn với yêu cầu vệ sinh và chất lượng cùng với những quy định chặt chẽ về quản lý sẽ là bất lợi đối với Việt Nam. Nguồn lao động tuy đông nhưng trình độ văn hóa kỹ thuật chưa cao, lực lượng được đào tạo chiếm tỷ lệ nhỏ, hầu hết chỉ dựa vào kinh nghiệm, do đó khó theo kịp sự thay đổi của điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường.

- Hoạt động hỗ trợ vốn vay cho ngư dân còn hạn chế. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong việc đầu tư vào các phương tiện đánh bắt cá. Bên cạnh đó, tình trạng ép giá hay nói cách khác, giá cả thu mua chưa thực sự phù hợp theo mùa vụ của các doanh nghiệp cũng gây khó dễ cho ngư dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý. Công tác bảo hiểm tàu thuyền và bảo hiểm thân thể cho người dân đánh bắt còn nhiều hạn chế.

Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng mạnh ra biển để phát triển, để hội đủ ba thế mạnh: mạnh về kinh tế biển; mạnh về khoa học biển; và mạnh về thực lực quản lý tổng hợp biển. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam đi theo xu hướng trên.

Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

 Để thực hiện thắng lợi Chiến lược biển, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học – công nghệ biển; triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển; tiếp tục xây dựng đồng bộ khung khổ pháp lý về biển và hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển; phát triển nguồn nhân lực và phát triển một số tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển.        

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.nhandan.com.vn/tshs/phat-trien-kinh-te-bien;

2. http://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/nhung-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-bien-20151015162256855.htm;

3. Ciem, Phát triển kinh tế biển, Trung tâm Thông tin - tư liệu.