Cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự đổi mới và phát triển nhanh chóng của công nghệ số, chuỗi cung ứng có tính chất toàn cầu khi tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)... đã tạo ra các áp lực, các yếu tố thúc đẩy sự thay đổi, hoàn thiện cấu trúc thị trường và thể chế thị trường ở Việt Nam. Mặt khác, trong cấu trúc thị trường hiện nay thì thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền thuần túy chỉ tồn tại trên lý thuyết. Hơn nữa, một cấu trúc thị trường để Nhà nước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển thì trong cấu trúc đó không còn độc quyền kinh doanh và các hành vi biểu hiện của quyền lực thị trường. Ở môi trường cạnh tranh thì không có sự tồn tại của độc quyền kinh doanh. Một khi áp lực giữa sự thay đổi và cản trở sự thay đổi bị phá vỡ thì một cấu trúc thị trường mới, hoàn thiện hơn sẽ được hình thành, đó là một xu thế biện chứng và tất yếu!

Những trạng thái thay đổi cơ bản của cấu trúc thị trường Việt Nam

Từ trạng thái thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và thể chế…

Trước tiên phải nói đến sự đổi mới, thay đổi về nhận thức và thể chế của Việt Nam đối với các chủ thể kinh tế trong cấu trúc thị trường. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam (sau khi sửa đổi và có hiệu lực) đã hiến định và khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều được bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật (Điều 51).

Tinh thần cơ bản của Hiến pháp năm 2013 là không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chứ không phải DNNN là chủ đạo. Hiến pháp năm 2013 tôn trọng đa hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế về thu nhập hợp pháp (Điều 32) và (Điều 62) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Các chủ thể kinh tế, bao gồm cả DNNN và DN ngoài nhà nước đều được bình đẳng, cùng hoạt động theo cơ chế vận hành của thị trường trong cùng một hành lang pháp lý chung. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 tôn trọng đa hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế về thu nhập hợp pháp (Điều 32) và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Điều 62). Đó là cơ sở pháp lý cao nhất và là nguyên tắc nền tảng của bình đẳng, kinh doanh, cạnh tranh và sáng tạo…

Đến trạng thái giảm dần tỷ lệ loại hình DN có quyền lực thị trường

Loại hình DN có quyền lực thị trường thường gắn liền với DN độc quyền kinh doanh, DNNN. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thì loại hình DN này giảm dần qua các năm (từ 3,83% năm 2005, giảm dần xuống 1% năm 2011 và 2012) với nhiều lý do: Cổ phần hóa (CPH), thay đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, giải thể, phá sản… Trong khi đó, loại hình DN ngoài nhà nước hầu hết gắn liền với thị trường cạnh tranh lại chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm (từ 92,70% năm 2005 tăng dần đến trên 96% của các năm 2011 và 2012). Còn tỷ trọng DN vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm dần nhưng với tốc độ chậm hơn (từ 3,47% năm 2005 xuống 2,7% và 2,5% năm 2011 và 2012 (Hình 1).

Những thay đổi của cấu trúc thị trường Việt Nam: Nhìn từ kinh tế học hiện đại - Ảnh 1

Nếu xét theo loại hình DN trong 5 ngành cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh phát triển (sản xuất chế biến thực phẩm, sản phẩm da giầy, sản xuất xe có động cơ, logistics và du lịch) thì một đặc điểm chung dễ nhận thấy là giữa các ngành đó xu hướng giảm tỷ trọng của các DNNN, đồng thời là việc tăng tỷ trọng của các DN ngoài nhà nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một xu hướng chung của nền kinh tế và sự thay đổi, hoàn thiện cấu trúc thị trường Việt Nam.

Hai ngành có tỷ trọng DNNN cao nhất là sản xuất xe có động cơ: 8,5% (2006); 6,4% (2010) và logistics: 13,6% (2006); 5,6% (2010). Trong 3 ngành còn lại, tỷ trọng DNNN năm 2010 đều rất nhỏ: Sản xuất chế biến thực phẩm 2,8%; sản xuất da giầy 1,6% và du lịch 1,5%. Xét về số tuyệt đối năm 2010 thì DNNN nhiều nhất trong ngành logistics 631 DN; Du lịch 183 DN và sản xuất chế biến thực phẩm 131 DN. Còn sản xuất da giầy và sản xuất xe có động cơ mỗi ngành chỉ có không quá 20 DNNN. Trong khi đó, các DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và ngày càng tăng cả về số tương đối và tuyệt đối (từ 90% đến 97,5%)… Đó là sự thay đổi dần dần của chủ thể sở hữu kinh tế cho phù hợp với trạng thái phát triển mới của cấu trúc thị trường Việt Nam. Đồng thời, nhờ có sự cải tổ và kết quả thực hiện quyết liệt chính sách CPH và chuyển đổi các DNNN, mạnh dạn giải thể, ngừng hoạt động và cho phá sản những DN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không có khả năng trả nợ và thanh khoản của Chính phủ…

Theo thống kê của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2013 có 60.737 DN ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 11,9% so với năm 2012. Cụ thể, DN đã giải thể là 9.818, tăng 4,9%; DN đăng ký tạm ngừng hoạt động 10.803, tăng 35,7%; DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký lại 40.116, tăng 8,6% so với năm 2012.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2013 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sáng 15/1/2014, Thủ tướng đã nhắc nhở và yêu cầu trong năm 2014, PVN phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu với trọng tâm là CPH… Đó là sự chỉ đạo kiên quyết có tính chất chung của Chính phủ, không phải chỉ ở 3 công ty "con" và 21 công ty "cháu" của PVN đang thua lỗ mà còn yêu cầu các ngành, các tập đoàn và tổng công ty thua lỗ khác phải đẩy nhanh tiến độ CPH hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu DN như: Tập đoàn điện lực EVN, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Thép, ngành Hàng không và Đường sắt Việt Nam…

Những thay đổi của cấu trúc thị trường Việt Nam: Nhìn từ kinh tế học hiện đại - Ảnh 2

Trạng thái ngày càng mở rộng thị phần của các DN cạnh tranh trong cấu trúc thị trường

Tiêu chí chủ yếu để phân tích và đánh giá thị phần ở đây là doanh thu của ngành và DN (5 ngành lựa chọn - Bảng 1).

Tổng doanh thu của 5 ngành lựa chọn đều tăng trưởng mạnh. Ngành có tổng doanh thu cao nhất là sản xuất chế biến thực phẩm, tiếp đến là ngành logistics, sản xuất da giầy và sản xuất xe có động cơ. Cuối cùng là ngành Du lịch.

Nếu xét theo các loại hình DN thì thị phần của các DNNN trong 5 ngành đều có xu hướng giảm mạnh. Năm 2010, các DNNN chiếm tỷ trọng thị phần khá lớn trong 2 ngành Dịch vụ như: logistics (31,2%) và du lịch (18%), còn thị phần các DN sản xuất chỉ chiếm dưới 7%. Ngược lại, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đa số thị phần trong 2 ngành sản xuất da giầy (80,6%) và sản xuất xe động cơ (72,7%), sau đó, sản xuất chế biến thực phẩm (34,3%), du lịch (21,6%) và logistics (12,6%). Điều này cho thấy sự lớn mạnh của các DN ngoài nhà nước (đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân) và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế nhà nước trong 5 lĩnh vực này đang dần dần nhường lại sân chơi cho các thành phần kinh tế khác, đây cũng là xu thế tất yếu.

Định hướng phát triển và hoàn thiện cấu trúc thị trường Việt Nam

Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như dưới tác động của các áp lực thay đổi của môi trường kinh tế trong và ngoài nước, cùng với sự quyết tâm thay đổi triệt để và đón đầu của Chính phủ Việt Nam, đã làm cho cấu trúc thị trường Việt Nam mà trọng tâm là các chủ thể kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch và thay đổi cả về lượng lẫn chất theo hướng cạnh tranh; bình đẳng, không phân biệt đối xử, mọi chủ thể và các thành phần kinh tế đều được tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh theo pháp luật. Các DN, các chủ thể kinh tế được tự chủ trong kinh doanh để tạo ra nhiều của cải và lợi ích cho xã hội và người tiêu dùng. Về phía nhà nước cũng có điều kiện để tập trung thực hiện tốt chức năng "Nhà nước pháp quyền", "Nhà nước phúc lợi" thay cho "Nhà nước kinh doanh"…

Ở cấu trúc thị trường hoàn thiện và phát triển, về bản chất và trên thực tế sau này chỉ còn tồn tại 2 thị trường: thị trường cạnh tranh và thị trường không cạnh tranh. Thực tế trong cấu trúc này, đã có nhiều nhà kinh doanh lựa chọn “cách chơi” rất thông minh và gặt hái được nhiều thành công.

Sự phát triển và hoàn thiện cấu trúc thị trường có thể được mô tả khái quát như sau:

(i) Thị trường cạnh tranh hoàn hảo

(ii) Thị trường cạnh tranh độc quyền

(iii) Thị trường độc quyền tập đoàn

(iv) Thị trường độc quyền thuần túy

Tuy nhiên, trong cấu trúc thị trường có thị trường cạnh tranh (gồm các chủ thể và DN cạnh tranh) và thị trường không cạnh tranh (gồm các chủ thể và DN an sinh xã hội, công ích và an ninh quốc phòng).

Như vậy ở cấu trúc thị trường hoàn thiện và phát triển, về bản chất và trên thực tế sau này chỉ còn tồn tại 2 thị trường: thị trường cạnh tranh và thị trường không cạnh tranh. Khi đó, các chủ thể kinh tế được tự do sáng tạo, tự do kinh doanh và cạnh tranh, tự do lựa chọn “cách chơi” cho phù hợp với “luật chơi” và pháp luật của nhà nước để có hiệu quả kinh doanh cao nhất. Thực tế trong cấu trúc này, đã có nhiều nhà kinh doanh lựa chọn “cách chơi” rất thông minh và gặt hái được nhiều thành công. Làm thế nào để tận dụng tối đa các cơ hội và tối thiểu hóa các rủi ro? Một người khôn ngoan thì không bao giờ bỏ trứng vào cùng một giỏ… Đó là tất cả những ưu thế của trạng thái mới, trạng thái phát triển và hoàn thiện của cấu trúc thị trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Anh Vũ (2014), DN muốn “khai tử” cũng khó – Báo Thanh niên số 16 – Thứ 5 (16/01/2014), tr6;

2. Báo cáo thường niên DN Việt Nam (2011 – 2012) – VCCI – NXB Thông tin và Truyền thông – Tr.46 và 179;

3. Niên giám thống kê (2012) – NXB Thống kê. Tr 201 và 247 – 250;

4. Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2014), Phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới – Báo Thanh niên số 17 - thứ 6 (17/01/2014), tr16;

5. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2014), “Đừng để xảy ra việc gì mang tai tiếng cho DNNN”. Báo Thanh niên số 16 – Thứ 5 (16/01/2014), tr7;

6. W.ChanKim –Renéc Manborgne (2012) – Chiến lược Đại dương xanh – NXB Lao động xã hội;

7. Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương (2010) – Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế.

Những thay đổi của cấu trúc thị trường Việt Nam: Nhìn từ kinh tế học hiện đại

TS. ĐỒNG THỊ HÀ - Đại học Kinh tế Quốc Dân, ThS. PHẠM VĂN NGHĨA- Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Tài chính) Với sự tác động mạnh mẽ và thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là sự điều hành năng động, hiệu quả của hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng. Mặt khác, đã làm thay đổi cơ bản cấu trúc và quan hệ thị trường Việt Nam theo hướng giảm dần quyền lực thị trường của độc quyền và xóa bỏ độc quyền kinh doanh, hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch giữa các chủ thể kinh tế…

Xem thêm

Video nổi bật