Những thương vụ tỷ đô góp phần cân bằng cán cân thương mại Việt Nam – Mỹ

Theo Anh Quyền/kinhtevadubao.vn

Thâm hụt thương mại liên tục gia tăng giữa Việt Nam – Mỹ trong thập kỷ qua có thể tạo ra “thách thức” mới trong quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, vấn đề này đang dần được cải thiện với nhiều hợp đồng mua hàng Mỹ giá trị cao đến từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Mỹ là trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017. Nguồn: Internet
Mỹ là trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017. Nguồn: Internet

Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua. Điểm đặc biệt của thị trường này là Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ với giá trị ngày càng lớn. Kể từ  khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và chính thức đạt 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Tính riêng  trong 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỷ USD sang thị trường Mỹ, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 9,2 tỷ USD. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỷ USD.

Xuất khẩu Mỹ tăng mạnh, mừng hay lo?

Trong bối cảnh tổng thống Donald Trump thay đổi hàng loạt các chính sách kinh tế với mục tiêu duy nhất là bảo hộ nền kinh tế Mỹ và chống toàn cầu hóa, vấn đề thâm hụt thương mại liên tục gia tăng giữa Việt Nam - Mỹ đã hơn một lần được giới chức Mỹ đề cập trong các cuộc hội đàm chính thức, và cho rằng điều này có thể tạo ra “thách thức” mới trong quan hệ thương mại song phương.

Trên thực tế, nhiều hàng rào thuế quan, kỹ thuật đã được phía Mỹ dựng lên nhằm giảm mức thâm hụt nói trên, đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ ngày càng khó khăn.

“Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với nhiều biện pháp chống bán phá giá, rồi cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp Việt, nhất là trong lĩnh vực thuỷ sản”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Còn theo thông tin từ ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương,  thì chỉ trong thời gian ngắn Mỹ đã khởi xướng hơn 100 vụ  kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó Việt Nam chiếm đến 25 vụ, từ các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu rất ít, như: túi dệt, đinh thép hay móc áo.

Trong bối cảnh này, các hợp đồng mua hàng hoá Mỹ có giá trị lớn từ phía doanh nghiệp Việt Nam được cho là có tác dụng tích cực, khi “xoa dịu” sự quan ngại của giới chức Mỹ và góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương.

Thâm hụt thương mại Việt Nam – Mỹ có thể giảm mạnh với thương vụ Bamboo Airways - Boeing

Cuối tháng 6 /2018, hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC đã ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng trị giá 5,6 tỷ USD. Trước đó, nhiều hợp đồng tỷ đô về năng lượng và hàng không được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump cuối năm 2017 tại Việt Nam. Những hợp đồng mua hàng lớn như vậy cho thấy, tuy Việt Nam đang xuất siêu vào Mỹ, nhưng phía Mỹ cũng đang thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ  thương mại với Việt Nam.

"Họ (Việt Nam) có đơn hàng lớn với Mỹ có giá trị hàng tỷ USD, và chúng tôi đánh giá cao điều này, vì nó đồng nghĩa sẽ có việc làm cho người Mỹ và thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam", Tổng thống Trump nói.

Theo ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, thì những hợp đồng mua bán lớn như mua bán máy bay rất có tác dụng.

 “Chúng cho thấy, Việt Nam và Mỹ đều cần nhau. Mỗi bên đều có những lợi thế riêng. Khi Việt Nam mua máy bay, thì chúng tôi có thể mua thêm hàng của Việt Nam, như các sản phẩm hải sản chẳng hạn”, ông Alexander Feldman nói.

Về phía Việt Nam, những thương vụ có giá trị hàng tỷ USD như thương vụ Bamboo Airways – Boeing sẽ có ảnh hưởng tích cực đến xuất khấu của Việt Nam vào Mỹ trong tương lai, như đánh giá của ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Khi chúng ta có hợp đồng lớn, như hợp đồng với Boeing chẳng hạn, thì đây là một trong những nội dung chúng ta có thể thương thuyết, đàm phán với chính quyền Mỹ trong việc áp dụng các biện pháp thuế quan với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ”.

Theo thống kê, năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là khoảng 32 tỷ USD. Nhưng chỉ với một hợp đồng mua bán máy bay như Bamboo Airways vừa ký với Boeing, tổng số thâm hụt thương mại này có thể giảm đi gần 20%.

Không chỉ góp phần cân bằng cán cân thương mại, việc ký kết các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ, tăng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam và của Việt Nam sang Mỹ, góp phần cải thiện đời sống cho rất nhiều người lao động ở hai nước. 

“Hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ hoàn toàn có tính bổ sung cho nhau, và càng tăng cường hợp tác, chúng ta càng có nhiều lợi ích”,  Washington Times  dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ hồi tháng 5/2017.