Những tín hiệu vui đầu năm mới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trong dư âm kinh tế buồn của năm cũ và giữa cái lạnh giá của mùa đông, những tín hiệu vui đầu tiên của năm mới, giống như những nụ đào nở sớm, như những ánh lửa hồng ấm áp xua tan giá lạnh, sưởi ấm niềm tin vào một năm mới thắng lợi và may mắn.

 Những tín hiệu vui đầu năm mới
Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu. Nguồn: internet

Niềm vui với những "quả ngọt"

Nhìn lại năm 2013, tuy nhiều sóng gió, gian nan, nhưng nền kinh tế cũng có những kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn như về xuất khẩu, với kim ngạch tăng trưởng 15,4% tương đương với  132,17 tỷ USD; năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu.

Mừng hơn nữa, xét về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã tăng dần trong cơ cấu xuất khẩu. Năm 2013, nhóm công nghiệp chế biết ước đạt 93 tỷ USD, chiếm 70,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2012.

Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô xuất khẩu lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng. Công nghiệp chế biến tăng trưởng là điều rất đáng mừng, vì đây vốn là khâu yếu, là nguyên nhân gây thua thiệt trong xuất khẩu, do giá trị gia tăng của hàng hóa không cao.

Qua những con số thống kê xuất nhập khẩu cho thấy, khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu phục hồi. Kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5% (năm 2012 là 1,2%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6%. 

Một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu nằm trong Top đầu là Dệt may vừa công bố, năm 2013 cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu nguyên phụ liệu ra thế giới.

Nhiều năm qua, những phụ liệu của dệt may phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh và một số quốc gia khác, thì năm nay hoàn toàn được lấy từ nguồn sản xuất trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành Dệt may đã đạt trên 50%. Đây là bước tiến đáng mừng của ngành này khi bước sang năm mới, góp phần hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.

Nụ mầm 2014

Chắt lọc trong muôn vàn thông tin mấy tuần qua, nhiều con số thực và cả con số dự báo, đã đem lại hy vọng cho một năm 2014 sẽ có khởi sắc.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến, nếu Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức thực thi thì tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ của dệt may Việt Nam trong năm 2014 sẽ tăng lên 18-20%, đạt khoảng 10 tỷ USD, và sẽ đạt 20 tỷ USD trước năm 2020.

20.000 việc làm chờ người lao động sau Tết là con số mà Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong số đó, lao động phổ thông chiếm 35%, lao động trình độ sơ cấp và trung cấp chiếm 40%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 25%.

Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động gồm: Ngành dệt may - giày da, nhựa - bao bì, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng, chứng khoán, bất động sản... dự kiến sẽ tăng 30% so với tháng 1/2014.

Bên cạnh dự báo về nhu cầu thị trường lao động, còn có những con số cho thấy, doanh nghiệp đã tự tin hơn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước và quốc tế, khi quyết định những khoản đầu tư lớn.

Vào ngày 15/1/2014, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ký thỏa thuận cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vay 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016. Khoản vay này sẽ giúp Vinatex đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển thêm các nhà máy dệt may và đổi mới công nghệ, hướng tới việc Việt Nam gia nhập TPP.

Mới đây, ngày 17/1/2014, Ngân hàng Standard Chartered và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã ký kết hợp đồng tài trợ thương mại với tổng giá trị 70 triệu USD để tiếp tục phát triển mô hình cánh đồng lớn, trong mục tiêu mang lại nhiều giá trị hơn cho nông dân, nông nghiệp Việt Nam.

Những khoản đầu tư được mạnh dạn ký kết ngay những ngày đầu năm mới, vào những lĩnh vực đang là thế mạnh của Việt Nam, mang đến những tín hiệu tốt lành, một niềm tin lạc quan hơn vào sức hồi phục của nền kinh tế đất nước trong năm 2014.