Những vấn đề vĩ mô cần lưu ý trong năm 2013 (Phần 1)

Theo Vietstock

Đây sẽ là các vấn đề vĩ mô quan trọng cần chú ý trong năm 2013. Giải quyết thành công các vấn đề này sẽ là yếu tố then chốt để đưa nền kinh tế trở lại “đường đua”.

Những vấn đề vĩ mô cần lưu ý trong năm 2013 (Phần 1)
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm dần ngày càng thể hiện rõ nét, chủ yếu do các động lực tăng trưởng đã và đang trở nên suy yếu.

Dưới đây sẽ là các vấn đề vĩ mô quan trọng cần chú ý trong năm 2013. Giải quyết thành công các vấn đề này sẽ là yếu tố then chốt để đưa nền kinh tế trở lại “đường đua”.

1. Hệ thống ngân hàng: Vẫn chưa hết khó khăn vì những “nút thắt” quan trọng của hệ thống như nợ xấu, ngân hàng yếu kém…vẫn còn đó.

Xử lý nợ xấu - Con số nợ xấu thực sự là bao nhiêu: 252,000 hay 400,000 tỷ đồng? Có nhiều cách thức để lý giải cho những con số này, nhưng điều khó phủ nhận là tình hình kinh tế khó khăn khiến cho quy mô nợ xấu không ngừng gia tăng.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, thông tin mới nhất cho biết Đề án xử lý nợ xấu sẽ được trình Bộ Chính trị cho ý kiến và quyết định trong tháng 01/2013. Theo đó, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời có thể mua nợ dựa trên giá trị sổ sách của khoản vay.

Chưa thể nói nhiều về cách thức tiến hành của VAMC, nhưng rõ ràng việc thành lập ban kiểm soát độc lập để cập nhật, đánh giá và công khai kết quả với công chúng là yêu cầu hết sức cần thiết.

“Phản hồi” của xã hội thông qua nhiều cách thức và phương tiện khác nhau sẽ là cơ sở tốt để định hướng cho công cuộc xử lý nợ xấu.

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém - Lộ trình thanh tra, khoanh vùng và xây dựng phương án tái cơ cấu ở nhóm các ngân hàng yếu kém về cơ bản đã hoàn thành. Hiện chỉ còn một ngân hàng chờ thẩm định phương án tái cơ cấu.

Như vậy, các ngân hàng yếu kém chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của công cuộc tái cơ cấu. Kết quả đạt được khả quan sẽ tác động tốt đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng, và ngược lại.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa hé lộ khả năng nới room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhóm các ngân hàng yếu kém lên cao hơn mức 30% như hiện tại. Đây là một thông điệp tích cực khi NHNN đã “chủ động” mở rộng các nguồn lực tham gia vào lộ trình tái cơ cấu hệ thống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thông ngân hàng đang nỗ lực tái cơ cấu thì việc tham gia với một vai trò hạn chế không phải là điều mong đợi của nhà đầu tư ngoại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài hẳn đang chờ đợi các động thái tiếp theo của NHNN.

Chưa thể khẳng định các ngân hàng yếu kém sẽ không còn là nhân tố gây nhiễu trên thị trường ngân hàng; nhưng ít ra những ảnh hưởng này có thể được kiểm soát và hạn chế trong thời gian tới.

2. Thị trường bất động sản: Bất động sản tiếp tục đóng băng khiến cho dòng tiền đầu tư/đầu cơ rất lớn bị chôn chặt trong thị trường hàng hóa này. Dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản với hơn 1.2 triệu tỷ đồng hiện được cho là “khối u” lớn nhất cần được tháo gỡ trong Đề án xử lý nợ xấu.

Gói giải cứu đối với thị trường bất động sản trong năm 2013 như đề cập trong Nghị quyết 02/NQ-CP được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng khi các mục tiêu đồng thời hỗ trợ tương quan cung – cầu trên thị trường. Tuy vậy, các biện pháp này đều cần có thời gian để kích thích thị trường hồi phục trở lại.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

(1) Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê) nhà ở được gia hạn nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư – kinh doanh nhà ở.

Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như sắt, thép, xi măng, gạch, ngói được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế gia tăng đối với số thuế Gía trị gia tăng phải nộp tháng 1, 2, 3 năm 2013

(2) Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất mà số tiền phải nộp theo quy định tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010…

(3) Điều tiết nguồn cung: phân loại các dự án phát triển nhà được tiếp tục thực hiện, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua…

(4) Cho vay đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sáng dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp.

Hỗ trợ người dân có nhu cầu thuê, mua nhà

(1) Cho vay các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp…

(2) Năm 2013, NHNN sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, và tăng trưởng tín dụng năm 2013 ước vào khoảng 12%.

Kỳ vọng làn sóng vốn ngoại

Thông tin mới nhất cho thấy Chính phủ sẽ xem xét mở rộng đối tượng mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong bối cảnh nguồn vốn đang dần bị kiệt quệ thì đây hẳn là thông tin được mong đợi nhằm kích thích thị trường bất động sản hồi phục.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm 2012 đã có chuyển biến tích cực khi vươn lên đứng thứ 2, với tổng số vốn đầu tư mới và tăng thêm là 1.85 tỷ USD (chiếm 14.2%) và cao hơn cón số 845 triệu USD vào cuối năm 2011.