Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam:

Những xúc tiến cần thiết

PV.

(Taichinh) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam là mục tiêu hướng tới từ nay đến năm 2030. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam là mục tiêu hướng tới từ nay đến năm 2030. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mục tiêu chung của Đề án

Phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án trên là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đến năm 2020, phấn đấu đưa hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Các bước xúc tiến để thực hiện mục tiêu Đề án đề ra

Phát triển thương hiệu vùng, địa phương, doanh nghiệp

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Đề án, sẽ thực hiện nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu gạo Việt Nam; phát triển thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương; phát triển thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm gạo...

Cụ thể, sẽ tổ chức hoạt động đồng bộ nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam đến doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua nhiều hoạt động; thúc đẩy các địa phương, tổ chức, DN xây dựng, phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương và thương hiệu DN, sản phẩm gạo đạt các tiêu chí thương hiệu gạo quốc gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia

Nhanh chóng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia trong xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng giống, công nghệ hỗ trợ, quản lý chất lượng, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gạo; xây dựng và phát triển các thương hiệu gạo vùng, địa phương cho các sản phẩm gạo đặc sản, giống địa phương, phù hợp với định hướng thương hiệu gạo quốc gia.

Các hỗ trợ khác

Để nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, ngoài các bước xúc tiến kể trên, việc quan trọng là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy hoạch đất đai, giống cây trồng, đào tào nhân lực và tăng cường nguồn vốn. Cụ thể:

- Thực hiện hiệu quả chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách bảo vệ đất trồng lúa, chính sách thu mua tạm trữ, chính sách tín dụng, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn ngân sách chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 40% tổng nguồn vốn tiếp đến là vốn tín dụng (khoảng 30%), vốn từ các DN và các tổ chức kinh tế khác (khoảng 20%) và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư (khoảng 10%).Thời gian tới, mở rộng huy động vốn từ các DN và các tổ chức kinh tế khác theo phương châm liên doanh, liên kết, tăng cường trách nhiệm bốn nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà đầu tư) theo hướng các nhà đều có lợi.

- Phát triển hình thức bảo hiểm nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất kinh doanh và chịu nhiều rủi ro. Người dân nông thôn thường có thu nhập thấp, khả năng chống đỡ với rủi ro trong sản xuất và đời sống thấp. Bảo hiểm nông nghiệp là một trong những giải pháp tài chính rất cần thiết để hỗ trợ tài chính cho người nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất, sinh sống, từ đó phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đặc biệt ở các ở các vùng sản xuất nông nghiệp phải hứng chịu nhiều rủi ro bão, lũ, dịch bệnh... như miền Trung và Nam Trung bô.

- Xây dựng sản phẩm mũi nhọn: Ưu tiên lựa chọn 3 giống đặc sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia bao gồm: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản... Tập trung nguồn vốn và nhân lực để tạo dựng thương hiệu gạo chất lượng, nổi tiếng trên thế giới.