Niềm tin về một Chính phủ hành động

Theo Quỳnh Linh/thoibaongânhang.vn

Cái khó của Việt Nam là phải giải được bài toán kép: tăng trưởng cao nhưng bền vững

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Động lực yếu do thiếu tư duy thị trường

“2017 là năm thay đổi bản lề về động cơ tăng trưởng đó là đã có niềm tin về một Chính phủ hành động. Với một sự vật đang trì trệ thì khó nhất là bước đẩy ban đầu, nhưng Chính phủ đã lay chuyển nó để tạo được chuyển động ban đầu đó”, theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Nỗ lực hành động của Chính phủ trong vài năm qua đã khiến DN lấy lại lòng tin, thể hiện qua số DN thành lập mới cao kỷ lục, tinh thần khởi nghiệp lên cao. Cơ cấu tăng trưởng đã chuyển dịch từ các ngành khai thác tài nguyên sang các ngành chế biến chế tạo... Và quý III vừa qua đã có được mức tăng trưởng ấn tượng.

Nhưng nếu nhìn dài hạn thì thời gian qua, cứ trung bình khoảng 10 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam giảm 1 điểm phần trăm. Tăng trưởng đã liên tục suy giảm. Tuy ở quý III vừa qua đã đạt được mức tăng trưởng đột biến, nhưng động lực tăng trưởng vẫn rất yếu. Ông Thiên cho rằng, động cơ tăng trưởng yếu là do thiếu tư duy thị trường và giải pháp đột phá, tư duy “tháo gỡ” và “cơi nới” vẫn còn chi phối trong điều hành chính sách. Cùng với đó là tư duy chia đều, dàn hàng ngang lấn át cách tiếp cận theo chức năng, rồi là chiến lược “quả mít” thay vì phải tạo được các cực tăng trưởng…

Khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện 2 năm vừa qua đều là minh chứng rõ nét cho sự cải cách, những nỗ lực của Chính phủ về cải cách là rất lớn, nhưng bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói rằng: chúng ta vẫn trong tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Bà cho biết, qua tiếp xúc với DN, theo sát tình hình DN thì thấy cách làm chưa thực sự chuyển biến, tạo đột phá. Bởi hai năm qua Chính phủ mới tháo gỡ cơ chế thôi chứ chưa tạo ra thuận lợi hoá cho DN.

Các địa phương vẫn muốn neo giữ các cách thức quản lý như cũ, không muốn thay đổi hoặc chậm thay đổi. “Các rà soát để cải cách, đơn giản hóa vẫn chủ yếu ở khối DN nước ngoài hơn là khu vực DN Việt. Hàng loạt các giấy phép con đang nhằm vào DN nội là chính, các biểu hiện nhũng nhiễu của công quyền chủ yếu nhắm vào đối tượng DN nội. Năm 2017 được xác định là năm giảm chi phí cho DN, nhưng các chi phí đầu vào, chi phí vốn, hạ tầng, chi phí thuế.... lại đang tăng hoặc dự kiến tăng. Như vậy mục tiêu cơ bản về giảm chi phí cho DN là chưa làm được”, bà Lan khẳng định.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương  cho rằng: đánh giá của các tổ chức trên thế giới về kinh tế Việt Nam thời gian qua là khá sáng, song chúng ta không thể hài lòng.Tăng trưởng cần phải chuyển đổi từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang sáng tạo, dựa vào công nghệ. Chúng ta làm mọi cách để tăng trưởng nhưng chất lượng tăng trưởng còn yếu, tăng trưởng nhưng hiệu quả giảm và không tạo giá trị gia tăng. Hiện các địa phương chỉ chú trọng chỉ số GDP, chứ không tập trung vào chỉ số công nghệ, môi trường, sáng tạo thì không được xem trọng trong khi đây là mấu chốt khiến tăng trưởng cao.

Thị trường, thị trường và thị trường hơn

“Cái khó Việt Nam đang phải giải đó là bài toán kép làm sao vừa đạt tăng trưởng cao, vừa đảm bảo chất lượng", theo TS.Trần Du Lịch. Muốn làm được điều này, nước ta phải cải cách về thể chể gắn với nền hành chính công. Chúng ta không cần tìm cái mới mà vấn đề là tiếp tục làm hiệu quả 3 đột phá đã đề ra thể chế, bộ máy và kết cấu hạ tầng. Chúng ta cũng cần tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, gắn với đó phát triển kinh tế đô thị, lấy đó làm động lực trong thời gian tới”, ông Lịch nói.

Đại diện NHNN, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ hướng đến ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính  NHNN neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hợp lý, nhằm giảm rủi ro và bất định cho nền kinh tế. Đồng thời, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Từng bước phấn đấu giảm hơn nữa lãi suất khi có điều kiện thích hợp.

Khẳng định lại một trong những động lực tạo nên tăng trưởng đột phá của quý III đó là niềm tin về một Chính phủ hành động đang tăng lên. Tìm động lực tăng trưởng cho thời gian tới, ông Thiên khẳng định trước hết là niềm tin phải được nâng cao hơn nữa, đồng thời là phải tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, cần giải pháp căn bản và có tính mục đích rõ ràng. Chúng ta cần đưa ra một hệ thống thể chế, cơ chế khuyến khích trên nền tảng tự do cạnh tranh. Mấu chốt vấn đề là làm sao thoát khỏi những trói buộc, những điều kiện kinh doanh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn tốt của quốc tế để cải cách. Coi cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đề cao trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh thành phố. “Trọng tâm cải cách, như chúng tôi đã nói nhiều lần, là thị trường, thị trường và thị trường hơn”, ông nói.