Niềm tin về xu thế tiếp tục đổi mới

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương/thoibaonganhang.vn

Việt Nam vẫn đang tồn tại những nút thắt về thể chế đối với phát triển đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cách thức tăng trưởng đã thay đổi

Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng trong hai năm gần đây, nền kinh tế dưới sự quản lý và điều hành rất sáng tạo và khác biệt của Chính phủ đã đạt được kết quả tốt nhất về tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điều đặc biệt ấn tượng là cách thức tăng trưởng của nền kinh tế cũng đã bắt đầu thay đổi theo hướng bền vững hơn, chứ không làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô như trước đây. Và chính điều này đã củng cố thêm ổn định kinh tế vĩ mô.

Có tăng trưởng là có tăng thu thêm cho ngân sách. Có tăng trưởng là có thêm đầu tư, tạo thêm việc làm mới. Có tăng trưởng thì nợ công giảm và các chỉ số vĩ mô khác cũng cải thiện hơn. Có tăng trưởng là có thêm nguồn lực để giải quyết tốt hơn an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh…

Với những kết quả cải cách và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm qua, chúng ta có niềm tin mãnh liệt về một xu thế tiếp tục đổi mới, chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng với những thành tựu to lớn hơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tuy vậy, những gì chúng ta làm được chắc chắn còn xa so với yêu cầu cải cách thể chế và phát triển kinh tế của đất nước. GDP bình quân đầu người hiện mới chỉ đạt gần 2.400 USD và đây vẫn là một mức thấp. Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển.

Yêu cầu thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới đã và đang là “mệnh lệnh” đối với hệ thống chính trị nói chung và Chính phủ nói riêng. Để đạt được mục tiêu trên thì kinh nghiệm cho thấy, chúng ta phải có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất từ 8 - 10% và duy trì liên tục trong khoảng 15 - 20 năm.

Để làm được điều đó, vấn đề đặt ra hiện nay là phải chuyển đổi thành công sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và định hướng hướng XHCN cùng với chuyển đổi cơ cấu kinh tế; liên tục nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, của từng ngành và địa phương nói riêng… Đó là các yếu tố quyết định làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao liên tục trong thời gian dài, trở thành “con hổ” mới của châu Á, như Thủ tướng mong muốn.

Tuy nhiên, đó thực sự là một thách thức không nhỏ. Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trong đó, vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, còn những ý kiến khác nhau. Và vẫn đang tồn tại những nút thắt về thể chế đối với phát triển đất nước.

Cần cơ quan tham mưu phát triển

Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng một cơ quan chủ trì tham mưu cho Đảng và Chính phủ về cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và giải quyết các vấn đề phát triển trung và dài hạn của đất nước là hết sức cần thiết, không thể thiếu.

Các vấn đề đang được đặt ra là: Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đất nước, huy động, cân đối nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển và định hướng XHCN; Giải quyết các vấn đề cơ cấu, chuyển đổi và nâng cấp cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu ngành và vùng kinh tế; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Xử lý các nút thắt của quá trình phát triển; Cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thúc đẩy và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi và phát triển của nền kinh tế…

Bài học kinh nghiệm thành công của các “con hổ” châu Á cũng cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu về các vấn đề cải cách, phát triển trung và dài hạn (như MITI của Nhật Bản vào những năm 50 - 70 của thế kỷ trước; Ủy ban Kế hoạch kinh tế của Hàn Quốc 1961 – 1994; EDB ở Singapore; và gần đây nhất là Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc). Những cơ quan đó đã và đang đóng góp rất lớn vào thành công vượt trội của các nền kinh tế nói trên.

Nhìn sâu hơn vào các nền kinh tế Đông Á cho thấy, cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển có vai trò dẫn dắt và điều phối của Chính phủ kiến tạo, hành động vì phát triển lâu dài và bền vững, phục vụ lợi ích của người dân và DN. Vì vậy, cần có những quan điểm mới về vai trò của ngành kế hoạch và đầu tư nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động vì sự phát triển quốc gia và thịnh vượng của người dân, với một tầm nhìn, một cam kết chính trị phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.