Nợ công nằm trong giới hạn an toàn và diễn biến ngày càng tích cực

PV.

Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên VnEconomy.vn mới đây. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có được kết quả này là nhờ chúng ta đã có sự thay đổi rất căn bản về phương pháp, cách thức quản lý nợ công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại báo cáo tổng kết ngành Tài chính năm 2017, Bộ Tài chính cho biết, tình hình nợ công đã được cải thiện rõ nét khi nợ công Việt Nam tính tới ngày 31/12/2017 ước khoảng 61,3% GDP, thấp hơn con số được ước tính trước đó.

Có chung nhận định tích cực về tình hình nợ công, trong Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết, tỷ lệ nợ công/GDP năm 2017 của nước ta ước ở mức 62,6%, thấp hơn so với mức 63,6% cuối năm 2016 do tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu lại ngân sách, nợ công của Chính phủ. Theo đó, dư nợ và áp lực trả lãi của Chính phủ có xu hướng giảm. Dư nợ Chính phủ so với GDP giảm xuống mức 51,8% (năm 2016: 52,6%).
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định rằng, áp lực trả lãi trong nước cũng giảm do: Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ tăng (từ 8,7 năm năm 2016 lên 13,5 năm năm 2017); Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu chính phủ giảm (từ 6,28% năm 2016 xuống 6,1% năm 2017). Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (bảo gồm cả trả nợ cho vay lại) so thu ngân sách nhà nước ước bằng 20,9%, vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. 
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng ngày 28/2/2018 trên VnEconomy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định đến thời điểm này, nợ công của nước ta nằm trong giới hạn an toàn và ngày càng tích cực. Trước đây, sức ép nợ công của chúng ta rất cao, có những thời điểm,  nợ công, nợ trực tiếp phải trả hàng năm vượt qua giới hạn cho phép, lên mức 26,2% so với số thu ngân sách trong khi theo quy định giới hạn không quá 25%.

Lý giải về kết quả ấn tượng này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trước hết do có sự thay đổi rất căn bản về phương pháp, cách thức quản lý nợ công. "Trước đây, chúng ta chưa bao giờ có kế hoạch tài chính trung hạn, gần như năm nào biết năm đó. Nhưng sau Đại hội 12 của Đảng, tình hình đã thay đổi hẳn", Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ. 

Cụ thể, trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương với việc bắt đầu có tầm nhìn dài hạn với lĩnh vực tài chính, ngân sách, với yêu cầu tối thiểu phải có kế hoạch tài chính 3 năm, 5 năm. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã thực hiện rất tốt nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại toàn bộ nợ công. Từ chỗ tỷ lệ nợ ngắn hạn, lãi suất cao, không được ưu đãi dồn ép, thì bây giờ đảo lại và chuyển thành chiếm tỷ trọng lớn là nợ trung và dài hạn. Ngoài ra, thời gian vừa qua, đáng lẽ phải phát hành trái phiếu quốc tế, song chúng ta đã tự giải quyết được thông qua cơ cấu các khoản nợ vay, mà không cần tính đến phương án phát hành vay nợ.

Năm 2018 được xác định là năm đỉnh của nợ công. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng "đây là điều đã nhìn thấy và được tính trong kế hoạch tài chính trung hạn, nhất là vấn đề vay ODA". 

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã quyết tâm thực hiện sửa Luật Quản lý nợ công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thống nhất đầu mối quản lý nợ công về một cơ quan là Bộ Tài chính trong điều phối ký kết việc vay nợ, còn các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp và do Chính phủ phân công, khắc phục tình trạng "một nhà 3 cửa vay" trước đây.

"Đây là quyết định rất cương quyết của Quốc hội và chắc chắn sẽ góp phần làm cho câu chuyện quản lý nợ công tốt hơn trong tương lai",  Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.