Nợ đọng vốn xây dựng cơ bản của các địa phương: Phải chấm dứt trước năm 2015

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trước tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) của các địa phương dây dưa kéo dài từ nhiều năm nay, Chính phủ hiện đang ráo riết đốc thúc các bộ, ngành có liên quan phối hợp với các địa phương và yêu cầu thực hiện giải quyết dứt điểm đến hết năm 2015.

 Nợ đọng vốn xây dựng cơ bản của các địa phương: Phải chấm dứt trước năm 2015
Một số địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng xử lý nợ đọng XDCB. Nguồn: internet

Đầu tư kiểu “tiền trảm, hậu tấu”

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước công bố, tổng số nợ vốn đầu tư XDCB đối với khối lượng đã thực hiện tính đến ngày 31/12/2011 của 47.209 dự án là 91.273 tỷ đồng.

Đánh giá về số nợ này, đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình nợ vốn đầu tư XDCB tại các địa phương đang ở mức độ khá nghiêm trọng và diễn ra trên phạm vi rộng. Hiện tượng các doanh nghiệp nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau là phổ biến.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến phát sinh nợ vốn đầu tư XDCB tại các địa phương trong thời gian qua, đại diện Vụ Đầu tư cho rằng, do nhu cầu đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương là rất lớn, trong khi nguồn vốn có hạn, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Có một thực tế, tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của NSNN đã điễn ra và trên phạm vi rộng, nhưng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không đủ sức ngăn chặn kịp thời. Nhất là tình trạng bất cập trong phân cấp quản lý (địa phương quyết định đầu tư theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, nhưng nguồn vốn do ngân sách trung ương hỗ trợ theo khả năng cân đối) kéo dài nhiều năm..., đại diện Vụ Đầu tư khẳng định.

Tuy nhiên, những nguyên nhân trên mới chỉ là một phần nhỏ trong nợ đọng XDCB, mà chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của các địa phương trong xây dựng, phê duyệt kế hoạch phát triển, chưa gắn với nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch. Vì vậy, khi triển khai các dự án luôn trong tình trạng bị động, không đảm bảo nguồn để thực hiện.

Việc đầu tư theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu" diễn ra ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án chưa được phân bổ vốn đã triển khai xây dựng, làm vượt khối lượng so với kế hoạch được giao, mở rộng đầu tư vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; buông lỏng quản lý, chưa hoặc không kiểm tra, phát hiện, giám sát kịp thời...

Nhất là quan niệm của một số nhà thầu, các công trình quan trọng của địa phương sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) thì trước sau sẽ được thanh toán vốn, nên đã vay mượn để thi công. Nghịch lý này đã gây lên nợ đọng XDCB lớn ở nhiều địa phương.

Địa phương tự vay, tự trả

Để giải quyết tình trạng nợ XDCB của các địa phương, đại diện Vụ Đầu tư cho biết, nhiều giải pháp đã được Chính phủ ban hành thực hiện. Chỉ trong 9 tháng, từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn từ NSNN và TPCP.

Thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các văn bản gửi các địa phương triển khai thực hiện xử lý nợ XDCB và báo cáo kết quả về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.    

Từ khi có sự “đốc thúc” của Chính phủ, các địa phương cũng đã “rục rịch” triển khai xử lý nợ ngay trong kế hoạch năm 2013; cụ thể, đã bố trí vốn để thanh toán một phần nợ đọng XDCB, số dự án khởi công mới có xu hướng giảm so với các năm trước.

Qua kiểm tra tại một số địa phương và thực hiện công tác nhận xét phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm cho thấy, hầu hết các địa phương đều đã bố trí kế hoạch vốn năm 2012 và năm 2013; đồng thời xây dựng kế hoạch xử lý nợ đọng đến năm 2015.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của đại diện Vụ Đầu tư, một số địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng xử lý nợ đọng XDCB; chưa kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc phát sinh nợ đọng; chưa rà soát, thống kê, phân loại, xác định nguyên nhân nợ đọng; xây dựng kế hoạch xử lý nợ đọng.

Ngoài ra, mặc dù đã bố trí vốn để xử lý nợ trong kế hoạch năm 2013, nhưng tại một số địa phương mức vốn bố trí còn thấp, trong khi vẫn bố trí cho các dự án khởi công mới; số liệu nợ đọng XDCB chưa bảo đảm tính chính xác do chưa tổng hợp nợ ở cấp huyện, xã; chỉ tính nợ đối với dự án hoàn thành, đã quyết toán; chưa tính nợ đối với các dự án đang triển khai thực hiện…

“Số nợ XDCB của các địa phương hiện đã trả được 44%, còn lại 56% chưa xử lý, theo lộ trình các địa phương tiếp tục xử lý đến hết năm 2015, thì khả năng sẽ hoàn thành hết số nợ này, nếu các địa phương thực sự có trách nhiệm “vào cuộc”, đại diện Vụ Đầu tư nhấn mạnh.

Quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính trước tình trạng nợ XDCB của các địa phương đó là, các địa phương phải tự lo trả cho DN số nợ đọng XDCB, NSNN sẽ không trả nợ thay.