Nợ đọng xây dựng cơ bản: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ

ThS. Lê Thị Bích Lan - Đại học Tài nguyên và Môi trường

Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của ngành Xây dựng tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và khá nghiêm trọng. Nợ đọng xây dựng cơ bản không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà thầu. Qua nghiên cứu tình hình thực tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) là vấn đề nhức nhối và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xây dựng. Nợ đọng XDCB không chỉ diễn ra ở các dự án gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ mà còn hiện diện ở tất cả các dự án thuộc các nguồn vốn, ở các loại gói thầu như tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, vật tư...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng XDCB vốn ngân sách trung ương là 9.557,6 tỷ đồng. Con số này cho thấy, tình trạng nợ đọng XDCB của nước ta hiện nay là khá nghiêm trọng. Nguyên nhân gây nên nợ đọng XDCB có rất nhiều nhưng cơ bản do các yếu tố như: Phê duyệt quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách không đảm bảo; Quyết định đầu tư từ những dự án không nằm trong quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Điều chỉnh dựa án làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến không có kế hoạch bố trí vốn; Tình trạng thi công trước tìm vốn sau, dẫn đến nợ đọng XDCB cũng diễn ra khá phố biến..

Tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài dẫn đến nhiều dự án không hoàn thành đúng kế hoạch, chậm đưa vào khai thác, hiệu quả đầu tư kém. Nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản hay khó khăn về tài chính cũng bắt nguồn từ việc nợ đọng trong XDCB quá lớn. Tình hình này đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành Xây dựng.

Bởi nhu cầu vốn phục vụ thi công các công trình xây dựng là rất lớn, trong khi, nguồn vốn tại các DN lại hạn chế, nợ đọng vốn XDCB đối với các DN cao, nhiều trường hợp lên tới 200% vốn chủ sở hữu, thời gian nợ đọng kéo dài; Chi phí liên quan đến nợ đọng trong XDCB (như chi phí lãi vay, chi phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng, chi phí bảo hành công trình…) của nhiều dự án, công trình vượt cả lợi nhuận ban đầu ước tính của DN.

Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công nêu rõ: Không cho phép DN tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn. Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn.

Thế nhưng, nhiều dự án đầu tư hiện nay vẫn được cấp thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện khi chưa cân đối được nguồn vốn. Những quy định đó vẫn chưa có chế tài để kiểm soát, dẫn đến nhiều công trình, dự án kéo dài 5-10 năm không có vốn để thanh toán, mặc dù đã thi công xong, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà thầu…

Luật Xây dựng đã được ban hành từ năm 2014 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015, song các văn bản hướng dẫn dưới Luật lại chậm ban hành, thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng.

Hướng giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản hiệu quả

Nhiều năm qua, cùng với cơ chế điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp, địa phương và các chủ đầu đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về đầu tư XDCB, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, tuy nhiên, việc quản lý, xử lý nợ đọng XDCB đến nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tiến độ xử lý nợ đọng XDCB chậm, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; phê duyệt dự án đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải; thi công vượt kế hoạch vốn được giao, gây phát sinh nợ đọng XDCB mới.

Để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB, đòi hỏi nhiều biện pháp quyết liệt hơn từ phía các ngành, các cấp trung ương và địa phương, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định việc xử lý nợ đọng XDCB là một trong những nội dung quan trọng cần thiết phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, nhằm lập lại kỷ cương trong đầu tư XDCB. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư XDCB trong từng ngành, địa phương, đơn vị.

Thứ hai, chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền. Đối với các dự án khởi công mới, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư phần vốn ngân sách Trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định.

Thứ ba, nếu dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét quyết định dừng những dự án không đảm bảo hiệu quả đầu tư để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn. Trong phạm vi cân đối ngân sách của của cấp mình, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh dự án.

Thứ tư, các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao; Không yêu cầu DN ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng XDCB; Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu.

Thứ năm, không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới, khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.

Thứ sáu, các ngành, địa phương và chủ đầu tư phải xác định rõ trách nhiệm của đơn vị mình, gắn với tập thể, cá nhân trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB; cân đối, bố trí ngân sách các cấp, các nguồn hợp pháp để xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi vốn đã ứng theo quy định; đề ra các giải pháp, phương án và lộ trình thanh toán nợ đọng XDCB, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng XDCB trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.      

Tài liệu tham khảo:  

1. Luật Đầu tư công 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

2. Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

3. Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công.