Nóng bỏng cuộc chiến giành thị phần "miếng bánh" bán lẻ 180 tỷ USD

Theo Đặng Hoa/theleader.vn

Cuộc đua giành thị phần trong ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam đang trở nên ngày càng khốc liệt với sự tấn công ngày càng mạnh bởi các đại gia bán lẻ ngoại.

Thị trường bán lẻ Việt đang đặc biệt sôi động. Nguồn: internet
Thị trường bán lẻ Việt đang đặc biệt sôi động. Nguồn: internet

Sau hơn 10 năm gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam hiện đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn trên thế giới. Từ năm 2018, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng hơn, trong đó có mở cửa thị trường và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Lúc này, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với các đại gia bán lẻ ngoại sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Ngoại lấn sân

Đón đầu được xu thế hội nhập sâu, trong vài năm qua, hàng loạt các đại gia bán lẻ ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã không ngừng tìm cách lấn sân thị trường bán lẻ Việt Nam.

Nhật Bản là một trong số các quốc gia đầu tư mạnh tay vào Việt Nam với hàng loạt hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn, quy mô rộng khắp như Aeon Mall, Family mart, Ministop, Takashimaya, 7-Eleven và mới đây nhất là trạm xăng 100% vốn nước ngoài Idemitsu Kosan. Đây là các thương hiệu lớn đã làm mưa làm gió trên thị trường bán lẻ Việt trong thời gian qua và đang có tham vọng mở rộng kế hoạch đầu tư, mở rộng thị trường.

Cuối năm 2017, "ông lớn" Aeon Mall đã thông báo mở trung tâm thương mại thứ 5 của mình tại Hà Đông với quy mô 200 triệu USD dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Mục tiêu của tập đoàn này là sở hữu 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2020. 

Ra mắt hồi tháng 6/2017, đến nay thương hiệu 7-Eleven đã mở 11 cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh. Chiến lược của thương hiệu này là mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại gia ngoại cũng tấn công thị trường bán lẻ Việt thông qua các vụ mua bán và sát nhập (M&A).

Cụ thể, Aeon đã đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, với mục tiêu hướng đến là 100 điểm thương mại. Hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart. Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan đã mua lại Metro Cash và Carry Việt Nam với giá 655 triệu EUR; Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại Big C với giá 1,4 tỷ USD.

Ra mắt thêm ba cửa hàng Simply Mart tại TP. HCM, AuchanSuper-thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại TP.HCM và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc.

Nhờ vào sự cải thiện thu nhập khả dụng, các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, Mango, Topshop đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Đầu tháng 9 năm nay, Zara đã khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại TP. HCM. Không chỉ Zara, H&M cũng đang hoàn tất thủ tục tiến quân về Việt Nam vào đầu năm tới.

Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đẩy mạnh kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ với các kênh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh. Trong đó, Central Goup sau khi sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng đã mua lại mảng kinh doanh trực tuyến Zalora Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet để đẩy mạnh kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang.

Theo đánh giá của các chuyên gia bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.

Nội ứng phó thế nào?

Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam với các hệ thống kinh doanh tổng hợp đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt như Co.op Mart, Vinmart, Fivimart, SaigonCoop, SatraMart, Hapromart.

Vingroup đã có tới 63 siêu thị và 804 cửa hàng Vinmart trên khắp cả nước tính đến ngày 3/1/2018. Một thương hiệu bán lẻ khác của Vingroup là Vincom Retail hiện đang có tới 46 trung tâm thương mại với nhiều loại hình khác nhau tại 24 tỉnh thành. Dự kiến đến năm 2021, Vincom Retail sẽ vận hành khoảng 200 trung tâm thương mại.

Gia nhập thị trường bán lẻ Việt từ năm 2008 theo hình thức nhượng quyền kinh doanh, Circle K Việt Nam đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Hiện nay thương hiệu này có tới 259 cửa hàng tại bốn thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Vũng Tàu.

Bên cạnh các thương hiệu đã quen thuộc trên thị trường, một số nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế đa ngành cũng đang lên kế hoạch chia phần trong miếng bánh bán lẻ 180 tỷ USD.

Vừa qua, siêu thị đầu tiên trong chuỗi siêu thị Q-mart được một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính chạy thử nghiệm tại Hà Nội. Dự kiến trong vài tháng tới, thương hiệu này sẽ chính thức được ra mắt rộng rãi và mở rộng thị trường với chuỗi bán lẻ hiện đại quy mô lớn.

Trong lĩnh vực điện máy và điện thoại, Thế Giới Di Động hiện đang sở hữu thị phần online lớn hơn cả Lazada và Central Group, liên tục đứng đầu trong danh sách các nhà bán lẻ online từ 2011 đến nay.

FPT Shop cũng đang tích cực đẩy mạnh kênh thương mại điện tử của họ với tham vọng doanh thu tăng gấp đôi so với 2016, đạt 2.000 tỷ đồng và đẩy tỉ trọng bán hàng online lên tới 15%.

Hiện nay, ngành bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nếu như tổng mức bán lẻ năm 2010 chỉ mới đạt 88 tỷ USD thì năm 2016 đã đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của nhiều hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD.

Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14%, kéo theo sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế; đồng thời dịch vụ bán lẻ cũng là một trong top 6 các ngành nghề thu hút vốn đầu tư lớn nhất.

Tuy nhiên theo đánh giá của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ngành dịch vụ bán lẻ của Việt Nam đang phát triển chậm hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Nguyên do bởi ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm thấp, manh mún, bộc lộ nhiều điểm cố hữu về tài chính, nguồn nhân lực và quản trị.

Đầu tư khối ngoại vào thị trường bán lẻ năm tới sẽ còn phát triển mạnh. Để có thể cạnh tranh và tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt sẽ phải thay đổi cách truyền thông, makerting thông qua các phương tiện online để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, chuyên gia ngành bán lẻ và thương mại điện tử Lê Thiết Bảo nhìn nhận.