Nông nghiệp chia cắt khó bảo đảm lãi cho nông dân

Theo daibieunhandan.vn

Nông dân đang khó khăn hơn khi dịch bệnh, thiên tai và vật tư nông nghiệp ở mức cao thì giá của nhiều nông sản chủ lực giảm sâu trong một thời gian dài. Hiện tượng này xảy ra được cho là do sản xuất nông nghiệp vẫn đang chia cắt, phải qua nhiều tầng nấc mới đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Nông nghiệp chia cắt khó bảo đảm lãi cho nông dân
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Lúa gạo là loại nông sản chủ lực chiếm nửa GDP trong nông nghiệp và có một nửa dân số nước ta đang tham gia sản xuất, nhưng hiện nay giá lúa đang ở trong tình trạng thê thảm nhất. Trong nửa đầu tháng 5, mức giá chào của nhiều doanh nghiệp đã xuống tới mức dưới 380 USD/tấn - thấp nhất thế giới. Hệ lụy là giá bán lúa của nông dân không đủ bù chi phí, chưa nói đến lãi 30% như mục tiêu Chính phủ đề ra khi tiến hành tạm trữ. 

Đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  cho biết, trong 13 năm qua, lợi nhuận thu được của nông dân trên 1kg lúa không thay đổi. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng và vật tư nông nghiệp đều tăng nhanh. Điều này có nghĩa là nông dân trồng lúa đang ngày càng nghèo đi. Kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng cho thấy, 5 năm gần đây thu nhập và đời sống của nông dân liên tục sụt giảm. Trong 3.000 hộ được điều tra, tích lũy trung bình hàng năm của hộ nông dân chỉ ở mức 5 - 8 triệu đồng và mất hết chỉ sau một cú sốc do thiên tai, dịch bệnh, giá thu mua giảm...; tỷ lệ tái nghèo tăng; 50% phải vay lãi ngoài để trang trải cuộc sống và sản xuất. Do đó, có ý kiến cho rằng cần sáng suốt quyết định có nên ôm mãi thành tích là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, trong khi thu nhập của người trồng lúa thuộc diện thấp nhất xã hội. 

Không chỉ lúa gạo, các loại nông sản khác như điều, cao su, dừa... cũng giảm giá mạnh, trong đó giảm giá nhiều nhất là cao su, với mức giảm 31%. Trong 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực hiện chỉ có hạt tiêu giữ giá. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chỉ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính rớt giá mà ngay các mặt hàng xuất khẩu hạng trung cũng thi nhau rớt giá. Vậy việc lúa gạo và nhiều nông sản chủ lực của nước ta giảm giá sâu trong thời gian dài do thị trường nhập khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... giảm nhu cầu tiêu dùng hay vì yếu tố nào khác? Đây có là nguyên nhân của việc giá thu mua nông sản trong nước giảm mạnh, khiến người trồng lao đao trong những tháng qua hay không?

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường tới giá nông sản. Bởi lẽ, với sức ép cạnh tranh hiện nay doanh nghiệp sẽ phải giảm giá để tăng thu hút với khách hàng nhập khẩu. Giá xuất khẩu giảm thì đương nhiên doanh nghiệp phải giảm giá thu mua từ người trồng. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cho rằng, khi chưa trả lời được rõ ràng và dứt khoát câu hỏi nông sản làm ra bán cho ai, thì những gì nông dân phải gánh chịu thời điểm này chính là hệ lụy.

Thưc tế, chủ trương liên kết 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được triển khai từ lâu, nhưng hiện chưa đạt được như mục tiêu ban đầu đưa ra. Nhà nước không cầm trịch cho 3 nhân tố còn lại là nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học. Theo nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Nhà nước chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, chỉ đạo khiến nền nông nghiệp nước ta bị đứt gãy. Sản xuất nông nghiệp hiện mới được quan tâm trong khâu canh tác, nuôi trồng, chưa quan tâm đến yếu tố thị trường. Vì khuyết tật này khiến giới thương lái mới là lực lượng quyết định nhất trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, cũng như thu lợi lớn nhất. Người nông dân không được gì, doanh nghiệp cũng không có nhiều lợi nhuận, còn Nhà nước thất thu ngân sách. 

Nhưng nền nông nghiệp nước ta chia cắt không chỉ bởi chưa kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ. Theo Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn, tính chia cắt của nông nghiệp nước ta còn ở khía cạnh không ai tin ai. Đơn cử như cá da trơn, mặc dù một mình một chợ nhưng chính doanh nghiệp trong nước tự hại nhau. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào hợp đồng, mà không có cách tổ chức cơ bản sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp thì sẽ khó có ngành hàng tử tế.

Mặt hàng gạo là điển hình của sự đứt gãy. Một doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư lớn và hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn, liên kết với nông dân để sản xuất lớn thì lại không có quota xuất khẩu gạo. Trong khi đó, những tổng công ty lương thực lớn của Nhà nước lại chỉ lo xuất khẩu mà không quan tâm đến vùng nguyên liệu. Và hệ quả là ngày hôm nay, hầu hết nông sản của Việt Nam đều đang được bán với giá rẻ nhất thế giới.