Nông nghiệp công nghệ cao - Chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp

PV.

Trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn. Bởi vậy, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao được coi là chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp, là lời giải cho bài toán về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặc biệt ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đánh giá: “Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần sự tham gia của cácdoanh nghiệpvà nông dân.

Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp”,

Đặc biệt là, những chủ trương, chính sách phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao đã được Chính phủ quan tâm. Mới đây, Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Đề án đã đưa ra các chính sách ưu đãi cao nhất, trong đó chú trọng nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo, sử dụng nhân lực công nghệ cao, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Ngoài chính sách ưu đãi chung, nhiều địa phương cũng ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính để mời gọi các nhàđầu tư. Đến nay, rất nhiều địa phương đã trở thành điểm đến của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo chính quyền địa phương đã góp phần tạo động lực cho chính sách này đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm qua, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh đã được khơi thông và phát triển mạnh mẽ, với sự vào cuộc của những tập đoàn lớn, những con “sếu đầu đàn”. Sự chuyển hướng mạnh mẽ trong môi trường đầu tư và tư duy, nhận thức của lãnh đạo địa phương đã khiến vốn đầu tư vào nông nghiệp tăng mạnh.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 là lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, kêu gọi sự tham gia của tất cả các thành phầnkinh tếvào quá trình tái cơ cấu, trong đó doanh nghiệp là nhân tố chính, tạo sức lan toả và liên kết với người dân, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Cần tháo gỡ khó khăn về chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, cả nước có 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 10 khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, hiện cả nước mới chỉ có 22 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong số hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp. Nguyên nhân là, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư công nghệ, trong khi đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.

Vì vậy, để tạo được sức lan tỏa, cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, cần có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn. Trong thời gian tới, để các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần tập trung những vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, phải có cơ chế ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, hạ tầng, tín dụng... Thậm chí, có thể ban hành những chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trong một thời gian nhất định.

Thứ hai, phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Đầu tư về khoa học - công nghệ cho nông nghiệp hiện rất thấp (năm 2015 khoảng 0.3% GDP; năm 2020 ước đạt 0,5% GDP).

Thứ ba, cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp đứng ra đào tạo trực tiếp thì phải có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, đồng thời có chính sách đi kèm để giải quyết lao động dư thừa.

Thứ tư, phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhãn mác sản phẩm phải ghi đầy đủ xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Một khi quy định về nhãn mác hàng hóa không còn nhập nhèm, sản phẩm công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp mới dám bỏ vốn đầu tư.