Nông nghiệp, nông thôn: Vì sao chưa hấp dẫn FDI?

ThS. Lê Mai Trang, ThS. Hà Thị Cẩm Vân - Trường Đại học Thương mại

Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp, nhưng việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này còn rất hạn chế.

Nông nghiệp, nông thôn: Vì sao chưa hấp dẫn FDI?
Năm 2012, ngành nông nghiệp trở thành “cứu cánh” của nền kinh tế với mức đóng góp 22% GDP. Nguồn: Internet

Thu hút chưa tương xứng với tiềm năng

Trong giai đoạn 2006 - 2011, nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động khiến hoạt động sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao… song  ngành nông nghiệp vẫn đóng góp bình quân trên 17% GDP (dù năm 2010 và 2011 tỷ lệ này có giảm xuống còn 16,43% và 16,13%). Năm 2012, ngành nông nghiệp trở thành “cứu cánh” của nền kinh tế với mức đóng góp 22% GDP.

Có mức đóng góp như vậy, nhưng tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2000, giảm còn 7,5% vào năm 2005 và còn 6,45% vào năm 2008, 6,15% vào năm 2010 và chỉ ở mức 5,98% trong năm 2011 (Bảng 1). Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của toàn ngành và năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng, nhưng cũng chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu của khu vực nông nghiệp.

Trong khi đó, tình hình thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp cũng không mấy thuận lợi. Trong giai đoạn 2000 - 2011, đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Đây là mức quá thấp so với một nền kinh tế có diện tích đất đai, mặt nước… và lực lượng lao động tập trung lớn. Bên cạnh đó, nếu tính tổng số các dự án được cấp giấy phép còn hiệu lực tính hết năm 2011, thì toàn bộ khu vực nông nghiệp của Việt Nam còn 495 dự án với vốn đăng ký đầu tư ở mức 3.264,5 triệu USD. Mức vốn này chỉ chiếm 1,64% tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, năm 2012, tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, Việt Nam thu hút được 13,013 tỷ USD vốn FDI, thì chỉ có 87,8 triệu USD được "rót" vào nông nghiệp, tức là chỉ chiếm hơn 0,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2012 (Bảng 2). Tính luỹ kế đến hết năm 2012, Việt Nam đã thu hút được 213,651 tỷ USD vốn FDI đăng ký, trong đó vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 3,357 tỷ USD. Tức là chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Đánh giá về những con số này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh cho rằng, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng cũng như những đóng góp của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, không chỉ có FDI vào nông nghiệp giảm, mà doanh nghiệp trong nước cũng chưa "mặn mà" khi đầu tư vào nông nghiệp.

Bảng 1: Đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp giai đoạn 2001 – 2011

Năm

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng)

290.927

343.135

404.712

532.093

616.735

708.826

830.278

877.850

Tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp (%). Trong đó:

7,89

7,50

7,43

6,38

6,45

6,26

6,15

5,98

-Nông nghiệp và lâm sản

6,23

5,85

5,52

4,77

4,85

4,73

3,67

3,58

-Thủy sản

1,67

1,65

1,92

1,61

1,60

1,53

2,48

2,40

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Số dự án và dòng vốn FDI vào khu vực nông nghiệp đã ít, cơ cấu dự án và nguồn vốn này lại phân bổ mất cân đối trong các địa phương của cả nước. Phần lớn các dự án FDI trong khu vực nông nghiệp đều tập trung vào những địa phương có lợi thế về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu và điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi.

 Bên cạnh đó, chính sách thu hút nguồn vốn này hiện nay đã tạo ra môi trường cạnh tranh khá quyết liệt giữa các địa phương với nhau trong việc mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Có thể thấy rằng, những địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh… là tỉnh có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất so với các khu vực khác trong cả nước. Trong khi đó, những địa phương và khu vực khác lại thu hút FDI rất khó khăn.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

Thực trạng thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn cho thấy còn nhiều hạn chế và yếu kém trong việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp như đã nêu ở trên. Nguyên nhân của những bất cập này chủ yếu là:

Một là, do bất cập ở tầm chính sách vĩ mô. Các chính sách vĩ mô từ trước tới nay chủ yếu vẫn ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu hoặc tạo ra cơ hội lợi nhuận lớn cho các ngành phi sản xuất, như: tài chính, chứng khoán, bất động sản nên các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam cũng như các tập đoàn lớn của nước ngoài đều có mặt trong các ngành này. Có rất ít doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng tăm trên trường quốc tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích mang tính hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức hướng dẫn thủ tục, đến triển khai đầu tư chưa được làm tốt.

Hai là, kết cấu hạ tầng nông thôn còn rất nghèo nàn so với thành thị để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Điện cung cấp cho nông thôn mất thường xuyên và mới dùng để thắp sáng là chủ yếu, chưa phục vụ nhiều cho tưới tiêu, sản xuất. Nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt ở nông thôn vẫn còn thiếu, chưa nói đến hệ thống cung cấp nước cho sản xuất. Đặc biệt, mới chỉ có 43% diện tích cây rau màu và cây công nghiệp được tưới chủ động.

Ba là, khách quan thì đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mặc dù có thể đem lại hiệu quả cao, nhưng cũng gặp rủi ro lớn về thời tiết, thị trường đầu vào và đầu ra. Tỷ lệ bảo hộ thực tế đối với nông sản quá thấp (dưới 3%) so với hàng công nghiệp (có khi lên tới 200%). Hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hầu như chưa hoạt động, khiến nhà đầu tư ngần ngại khi đổ tiền vào lĩnh vực vốn nhạy cảm và nhiều rủi ro này.

Bốn là, đất đai của nước ta hiện nay rất manh mún và phần lớn do hộ nông dân giữ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài cần diện tích đất “sạch”, quy mô lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn. Nhiều địa phương hy sinh nông nghiệp để phát triển công nghiệp và đô thị, trong khi đó chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường. Vì vậy, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn nước bị ô nhiễm, làm giảm tính hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Năm là, ngành nông nghiệp thiếu đi một chiến lược phát triển tổng thể mang tính liên ngành, liên vùng. Trong khi đó, đây lại là căn cứ quan trọng để xúc tiến đầu tư.

Để nông nghiệp hấp dẫn FDI

Thứ nhấtcần có chính sách quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút các nguồn vốn FDI cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, cần thiết phải xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư ngay từ khâu mời gọi và xúc tiến đầu tư. Cơ cấu ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần được xem xét để đảm bảo sự phát triển chuyên môn hóa các ngành. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cho những khu vực khó khăn, như: Tây Bắc, Tây Nguyên và vùng núi miền Trung... Có như vậy, Chính phủ mới điều tiết được các nguồn vốn FDI vào các địa bàn, lĩnh vực mong muốn. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng có thể phát huy được thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn để có các phương án đầu tư hiệu quả.

Thứ hai, cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, trong đó cần quan tâm đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp trên địa bàn và nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, từng địa phương cần có những nghiên cứu đánh giá để nắm bắt các nhu cầu cụ thể của từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc... của các doanh nghiệp, trong đó quan tâm đúng mức tới nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, đổi mới về thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chính sách đất đai, phát triển kết cấu hạ tầng… Đối với chính sách về đất đai, cần nghiên cứu để thời gian thuê đất của các doanh nghiệp được kéo dài hơn, tiền thuê đất nên có những ưu đãi không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các doanh nghiệp FDI. Những địa bàn khó khăn về điều kiện kết cấu hạ tầng, thị trường cần có chính sách ưu đãi thoả đáng, như: khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên… Bên cạnh đó, những chính sách khác như: chính sách thuế, hỗ trợ xuất khẩu đối với những sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp FDI cũng cần được quan tâm.

Ngoài ra, cần có những biện pháp để giải quyết tốt vấn đề năng lượng tại khu vực nông thôn hiện nay. Có thể thấy rằng, hầu hết các khu vực nông ở Việt Nam đều trong tình trạng thiếu điện hoặc nguồn điện không ổn định. Bên cạnh đó, chi phí sử dụng điện tại các khu vực ở nông thôn vẫn đang phải chịu cao hơn so với khu vực thành thị. Với địa bàn nông thôn rộng lớn, chi phí đầu tư cho hạ tầng ngành điện tăng đã làm cho giá điện tăng. Đây cũng là vấn đề làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn mất lợi thế hơn trong việc thu hút các nguồn vốn FDI.

Thứ tư, cần có các chính sách và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro cho các sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng để các nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn, yên tâm đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn thiếu quy hoạch chi tiết cho các khu vực phát triển nông nghiệp của các địa phương. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp từ các địa phương trên cả nước phần lớn còn phát triển tự phát. Điều này gây lúng túng cho các nhà đầu tư khi muốn thực hiện các hoạt động đầu tư vào khu vực này. Do vậy, các cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm có quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch đối tượng trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề truyền thống... một cách có hệ thống và được công khai, minh bạch để làm cơ sở cho các nhà đầu tư lựa chọn thực hiện đầu tư được dễ dàng.

Thứ sáu, cần tăng cường công tác truyền thông để các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt đầy đủ các thông tin và những định hướng về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này sẽ góp phần khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước trong việc đảm bảo tính pháp lý về quyền lợi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực này.