Nông nghiệp trước vận hội mới từ các FTA

Theo Thái Hoàng/thoibaonganhang.vn

Một loạt những FTA lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong năm 2019 đang mở ra những cánh cửa mới, vận hội mới cho nông sản Việt và ngành nông nghiệp Việt Nam…

Bước sang năm 2019, mục tiêu của ngành Nông nghiệp là đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,9 - 3,1%. Nguồn: internet
Bước sang năm 2019, mục tiêu của ngành Nông nghiệp là đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,9 - 3,1%. Nguồn: internet

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một năm gặt hái nhiều “trái ngọt” thành quả. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD trong năm 2018, đưa Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bước sang năm 2019, mục tiêu của ngành Nông nghiệp là đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,9 - 3,1%, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 42 - 43 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp, nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn từ các hiệp đinh thương mại đã ký kết.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, bước sang năm 2019, khi cả CPTPP và EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại những thuận lợi chưa từng có cho Việt Nam trên con đường hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất.

Đây là hai cơ hội vàng cho Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích thiết thực nhất cho doanh nghiệp và người dân, trong đó các ngành thủy sản, nông nghiệp… của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ hai hiệp định này.

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, tham gia Hiệp định CPTPP, những cơ hội có thể nhìn thấy ngay dựa trên dữ liệu thương mại là mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể.

Khi CPTPP có hiệu lực, về thủy sản, các mặt hàng thuộc ngành này sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản.

Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa - những mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico - sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Về mặt hàng gạo, với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Mexico cũng là thị trường mới. Hiện gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này ước khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. 

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), CPTPP sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru… Đây là lợi thế để giảm thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.

Còn ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 - 4% như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%); gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xoá bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm. Các mặt hàng xuất chủ lực khác của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản… có lợi thế khi cạnh tranh với ưu đãi về thuế quan.

Bên cạnh đó, các FTA mới cũng góp phần tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Nông, lâm sản Việt Nam có cơ hội tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội đang đến, ngành Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu từng ngành hàng và xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần phải đẩy mạnh việc xây dựng quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành giai đoạn tới là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái...”.