Nông sản Việt và bài toán hội nhập

Theo Thành Nam/daibieunhandan.vn

Sau hơn 10 năm gia nhập WTO, ngành Nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng của nước ta vượt qua nhiều sóng gió bởi thiên tai, sự biến động lên xuống thất thường của thị trường; các rào cản thương mại của các nước để vươn lên và không ngừng mở rộng ra thị trường thế giới. Thế nhưng giải pháp lâu dài cho nông sản vẫn là bài toán khó.

Giải pháp lâu dài cho nông sản vẫn luôn là bài toán khó.. Nguồn: Internet
Giải pháp lâu dài cho nông sản vẫn luôn là bài toán khó.. Nguồn: Internet

Vị thế mới

Năm 2017, ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức không thua kém các năm trước. Đáng chú ý, lĩnh vực xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe, cạnh tranh gay gắt. Theo chuyên gia Lê Vũ Thanh Tâm, Viện Kinh tế Tài chính, nông sản Việt Nam đang trên đà xâm nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính.

Nếu năm 2010, Việt Nam mới chỉ có 18 thị trường xuất khẩu, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD thì đến năm 2016 đã tăng lên 30 thị trường. Giai đoạn 2011 - 2016, giá trị hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu có tỷ lệ tăng bình quân 12,7% năm.

Ngay từ đầu năm 2017, nhiều chuyên gia, cơ quan hoạch định chính sách đã sớm tiên liệu được những vấn đề ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam trong năm. Đó là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại toàn cầu, đồng thời tập trung hơn vào phát triển thị trường trong nước; các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Bối cảnh này ảnh hưởng đến việc duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân nông thôn.

Điểm đáng chú ý, trong sản xuất, chuỗi cung ứng trong tiêu thụ nông sản ngày càng được quan tâm hơn. Đã từng bước hình thành, tổ chức sản xuất đa dạng như doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, trang trại, làng nghề, kinh tế hộ… Đời sống, thu nhập của nông dân ngày càng được nâng cao, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn giảm rõ nét. Ở nhiều nơi, đã xuất hiện một số chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp như rau an toàn, bò sữa, hợp tác xã sản xuất giống… góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng nông sản, ổn định sản xuất và thị trường.

Có thể thấy, việc tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất hơn, giảm chi phí đầu vào, từng bước hạn chế được tình trạng được mùa mất giá. Các hợp tác xã có thể chủ động về nguồn hàng nên ít bị động trong sản xuất, có nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã ngày càng ổn định được vùng nguyên liệu, ổn định được thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Để tháo gỡ bài toán mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu của ngành Nông nghiệp từ 36,3 tỷ USD năm 2017 lên cao hơn trong những năm tới, đặc biệt là đối với nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập và các FTA thế hệ mới, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật để từ đó doanh nghiệp nhận biết, nắm bắt cơ hội và thách thức song song với việc tiếp tục nghiên cứu đánh giá dự báo tác động của các FTA để cung cấp căn cứ cho quá trình đàm phán, phân tích những rủi ro, ảnh hưởng đối với ngành Nông nghiệp khi tham gia các FTA.

Ngoài ra, cải cách thể chế, bộ máy quản lý nhà nước và tăng cường năng lực hội nhập của bộ máy quản lý nhà nước, điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan đến thương mại nông sản Việt Nam đáp ứng đúng yêu cầu trong các FTA. Song song với nỗ lực từ Nhà nước, các ngành hàng của Việt Nam nói chung, đặc biệt là các ngành hàng nông sản nói riêng phải có giải pháp mới trong sản xuất và tiêu thụ.

Theo chuyên gia Lê Vũ Thanh Tâm, để nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đánh giá cụ thể sức cạnh tranh của từng loại nông sản chủ yếu để có biện pháp khắc phục những yếu kém, bảo đảm nông sản của nước ta chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn mạnh ra thị trường quốc tế.

Tổ chức lại mô hình sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, có tỷ suất hàng hóa cao gắn với nhu cầu thị trường khu vực và thế giới, gắn chặt sản xuất với thị trường, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, ngành hàng để tạo sức mạnh cung cấp cho thị trường những lô hàng nông sản lớn.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cần đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa sạch thông quan hình thành các liên kết chuỗi để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi liên kết này được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông  nghiệp với sự tham gia tích cực của 4 nhà: Nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự thì cho rằng, ngành Nông nghiệp cần xác định ba vấn đề mấu chốt được ví như “kiềng ba chân” cho tăng trưởng. Đó là tăng năng suất, chất lượng; vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển; cơ cấu lại thị trường cho từng ngành hàng nông sản chủ lực, vốn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại.

Điều chỉnh quy hoạch vùng thổ nhưỡng, chọn cây trồng thích hợp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi các nước có Hiệp định FTA mới. Các ngân hàng cung cấp vốn trung và dài hạn cho đầu tư chế biến, đầu tư công nghệ cao, phát triển các giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu