ODA không còn là "đũa thần"

Theo giaothongvantai.com.vn

(Tài chính) Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam bắt đầu manh nha tiếp cận với các tổ chức tài chính quốc tế thì ODA được xem như một luồng gió mới. Bởi thời điểm đó, nguồn lực trong nước còn rất hạn chế do đất nước vừa trải qua nhiều năm chiến tranh, cấm vận, vốn ngân sách ít ỏi thì nguồn vốn ODA mà các nhà tài trợ cung cấp thật sự đáng quý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bối cảnh đó, giao thông vận tải được giao trọng trách hết sức nặng nề khi “lĩnh ấn” tiên phong tiếp nhận những dòng vốn đầu tiên để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Dù còn khá lạ lẫm, mọi cơ chế, chính sách từ quy chuẩn, tiêu chuẩn đến đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ODA đều ở buổi sơ khai và khác xa những quy định trong nước, nhưng ngành Giao thông vận tải đã vận dụng rất linh hoạt và sử dụng hiệu quả ngay từ những ngày đầu nguồn vốn này vào Việt Nam. 

Thực tế, hơn hai chục năm qua, hiệu quả to lớn mà ODA mang lại cho hạ tầng giao thông là điều không phải bàn cãi. Minh chứng là hàng nghìn km quốc lộ huyết mạch được nâng cấp, hàng chục cây cầu tầm cỡ khu vực được xây dựng mới, hàng trăm cầu yếu được cải tạo, hàng chục km đường cao tốc được xây dựng… từ nguồn vốn này đem lại diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đã đến lúc Việt Nam cần phải đánh giá một cách tổng thể quá trình hơn hai mươi năm thu hút ODA để rút ra những bài học kinh nghiệm và vận dụng hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo. Bởi suy cho cùng, bản thân ODA không phải cây đũa thần để “hô biến” là có thể mang lại toàn màu hồng tươi sáng, nếu không sử dụng hợp lý sẽ đem đến những hệ lụy khó lường. 

Đầu tiên, đó là Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, các nhà tài trợ chắc chắn sẽ cắt dần viện trợ vốn, nếu không có sự chuẩn bị về cả nguồn lực và tâm lý, trong một vài năm tới sẽ rơi vào hụt hẫng, rất khó bù đắp. Hơn nữa, nếu quá dựa dẫm vào ODA từ bên ngoài, vô tình làm suy kiệt nguồn lực trong nước, tạo sức ép lớn về nợ công. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã và đang bắt đầu huy động được một lượng vốn khổng lồ từ xã hội hóa để đầu tư hạ tầng thì càng phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. 

Đó là chưa kể đến việc khi tài trợ vốn, bất kể nhà tài trợ nào, dù có hữu hảo đến mấy cũng đều xây dựng những hàng rào kỹ thuật, điều kiện ngặt nghèo để ràng buộc. Đơn cử như tại các dự án hạ tầng giao thông, World Bank, ADB và một số tổ chức tín dụng khác vẫn áp dụng quy định cứng nhắc cấm tất cả các nhà thầu có dính dáng đến vốn Nhà nước tham gia, dù doanh nghiệp đó có năng lực và kinh nghiệm đến đâu. 

Thực tế trong nhiều năm qua, với các dự án ODA, các Cienco giao thông vốn có năng lực và thương hiệu lớn vẫn phải đứng ngoài cuộc và thua ngay trên sân nhà.