Ổn định giá hàng hóa nhằm bảo đảm sức mua

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2013 của cả nước tăng 0,49% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 0,86%. Để giữ được kết quả này, nhà sản xuất và phân phối cần có giải pháp hạn chế tối đa mức tăng giá thành và giá cả hàng hoá nhằm bảo vệ sức mua của người tiêu dùng.

Ổn định giá hàng hóa nhằm bảo đảm sức mua
Thời gian qua, giá cả liên tục biến động nhưng các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn giá vẫn được giữ vững. Nguồn: internet
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, dù sức mua đã được cải thiện trong nhiều tháng nay, nhưng mức tăng vẫn chậm. Trong 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 12,58% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 2.158 tỷ đồng, là mức tăng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nếu trừ yếu tố tăng giá, mức tăng này chỉ khoảng 5,47% do tổng cầu yếu.

Mặc dù lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng, sản xuất kinh doanh đã có chuyển biến tích cực, tồn kho giảm nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên để có được kết quả này từ đầu năm đến nay, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình Bán hàng bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn hàng bình ổn được đánh giá là khá dồi dào. Dù thời gian qua, giá cả liên tục biến động nhưng các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn giá vẫn được giữ vững. TP. Hà Nội dành 318 tỷ đồng bình ổn giá 7 nhóm mặt hàng thiết yếu trong năm 2013.

Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết, để kiểm soát giá hàng hóa, Sở sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, kiểm soát vấn đề đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá.

Hiện nay một số doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã chấp hành tương đối nghiêm túc, tuy nhiên việc niêm yết giá và kê khai giá đối với các mặt hàng theo quy định thì cũng vẫn còn nhiều người chưa chấp hành. Cho nên để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như ổn định thị trường, Sở sẽ coi việc kiểm soát giá là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là dịp Tết sắp tới.

Trong quý IV/2013, theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố chu kỳ cho thấy đây là quý có mức tăng cao nhất trong năm, tuy nhiên sức cầu còn yếu nên sẽ hạn chế đáng kể đà tăng giá trong các tháng tới. Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận Tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas.

Dự báo lạm phát bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng 0,6 - 0,8% nếu không có điều chỉnh đột biến về giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Về lâu dài, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, các doanh nghiệp muốn khắc phục sự suy giảm của thị trường bắt buộc phải nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng và xu hướng tiêu dùng mới để đáp ứng kịp thời, và quan trọng hơn cả là cần sản xuất những sản phẩm dành cho tiêu dùng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Hơn ai hết, nhà sản xuất và phân phối cần có giải pháp hạn chế tối đa mức tăng giá thành và giá cả hàng hoá nhằm bảo vệ sức mua. Từ thực tế thị trường trong 10 tháng năm 2013, đòi hỏi chính sách điều hành trong thời gian tới cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước và củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

Đồng thời, để thúc đẩy tăng trưởng, một mặt cần có giải pháp chung duy trì tổng vốn đầu tư xã hội ở mức cần thiết (30 - 32% GDP), mặt khác cần tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất nền kinh tế.