Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu số một

Theo baodautu.vn

Trong bài phát biểu bế mạc phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII (ngày 12/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau khi điểm lại những thành quả, kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch Phát triểnkinh tế- xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém để giai đoạn tới khắc phục, hạn chế: “Đó là việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.

Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả; môi trườngđầu tưchậm được cải thiện; thủ tục hành chính còn phiền hà. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu; lãng phí, thất thoát còn lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao”.

Để phát huy thành tựu, kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế, đánh giá và xây dựng lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề.

Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới là phải phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

“Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia đồng thời với tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách”, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Hiển, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần tiếp tục chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, nâng cao hiệu quả đầu tư; bố trí nguồn lựctài chínhnhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. “Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia; điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư nhà nước gắn với phân cấp phù hợp giữa Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước”, ông Hiển nói.

Đối với thị trường tài chính, trong giai đoạn 2016 - 2020, theo ông Hiển, sẽ tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Chính phủ cần quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới; tăng hiệu quả hoạt động các loại hình bảo hiểm, triển khai rộng rãi bảo hiểm sản xuất nông nghiệp; tiếp tụctái cơ cấucác tổ chức tín dụng gắn với xử lý giảm nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống và áp dụng quản trịngân hàngtheo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.