Phải tự trách mình

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012, mặc dù Việt Nam chịu nhiều tác động do khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng như khó khăn nội tại ở trong nước, nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có nhiều điểm sáng cả về nguồn vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và số vốn thực hiện cũng như sự gia tăng số lượng các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo… Tuy nhiên, trong năm 2012 cũng nổi lên không ít bất cập, thậm chí là diễn ra từ những năm trước trong hoạt động của doanh nghiệp FDI.

Phải tự trách mình
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet
Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2012 vẫn còn một số hạn chế và khó khăn. Đó là thu hút FDI có xu hướng suy giảm trong mấy năm gần đây; chất lượng dự án đầu tư chưa cao; tỷ lệ tạo việc làm mới chưa tương xứng với mức thu hút vốn; một số doanh nghiệp có hiện tượng gây ô nhiễm môi trường...

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một vấn đề thu hút sự quan tâm và bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua, đó là biểu hiện chuyển giá, trốn thuế của một số doanh nghiệp FDI có tên tuổi lớn như Coca Cola, Metro, Adidas… Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hiện tượng chuyển giá xảy ra đã khá lâu, kéo dài nhiều năm qua, nhưng hiện vẫn chưa giải thích được lý do của hành vi này.

Rõ ràng các cơ quan chức năng thời gian qua chưa thật sự quan tâm đến câu chuyện này, chỉ đến gần đây, khi các cơ quan truyền thông vào cuộc, phản ánh một cách rõ nét các biểu hiện chuyển giá, trốn thuế của một số doanh nghiệp FDI thì cơ quan thuế mới bắt đầu lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra… Và một Đề án chống chuyển giá, trốn thuế mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính Phủ. Thậm chí, do sự chậm trễ xử lý này, đến nay đã có đề xuất khá mạnh, thậm chí có phần cực đoan là liệu có thể rút giấy phép hoạt động của những doanh nghiệp liên tục báo lỗ?

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng, cần xem xét tình hình tài chính của doanh nghiệp FDI để xác định lỗ do khó khăn khách quan hay chủ quan. Nhưng lỗ do chủ quan của doanh nghiệp thì sẽ phải điều chỉnh, có hướng xử lý riêng.

Dư luận thời gian qua cũng hết sức sốt ruột về tính lan tỏa đầu tư và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước có thể trở thành những mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI. Thực tế, không ít phân tích của giới chuyên môn đã chỉ rõ, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận, không phải để giúp nước ta phát triển một ngành công nghiệp. Điều đáng bàn hơn là doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ trình độ để tiếp nhận công nghệ.

Một bất cập khác trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua đó là các địa phương được phân cấp, phân quyền trong cấp phép đầu tư dẫn đến hiện tượng cấp phép tràn lan, thiếu sự thẩm định kỹ càng về hiệu quả của dự án, hoặc vượt ra ngoài quy hoạch phát triển ngành…

Tại cuộc họp Báo cuối tuần qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai nhiệm vụ năm 2013, đã có một câu hỏi được đặt ra cho Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là Bộ có cảm thấy lúng túng khi để xảy ra nhiều bất cập trong thu hút và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp FDI hay không? Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận, khung pháp lý để quản lý vốn đầu tư nước ngoài chưa được hoàn thiện, trong khi, nhiều bộ, ngành cùng quản lý loại hình doanh nghiệp này. Những biểu hiện chuyển giá, trốn thuế hay gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp FDI, thậm chí có trường hợp vay nợ trong nước, làm ăn thua lỗ và bỏ trốn là đáng phê phán, lên án, cần điều tra xử lý nghiêm minh…

Nhưng mặt khác, cơ quan chức năng cần xem xét lại năng lực chuyên môn, rà soát lại quy trình quản lý, tìm ra những lỗ hổng, sơ hở trong các quy định pháp lý khiến các doanh nghiệp FDI có điều kiện lợi dụng, trục lợi bất chính, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước và đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào những sản phẩm của họ. Chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài vào để phát triển kinh tế đất nước, nhưng để xảy ra những hiện tượng tiêu cực như trong thời gian qua rõ ràng có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý.