Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam:

Phản ánh toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội

Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn

Lần đầu tiên, Việt Nam công bố Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, ý nghĩa lớn nhất của Bộ chỉ tiêu này là sẽ phản ánh toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội, qua đó giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá thực chất tình hình, từ đó có các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, với mục tiêu để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Góp phần bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”

PV: Thưa ông, việc lần đầu tiên công bố Bộ Chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Ông Nguyễn Bích Lâm.
Ông Nguyễn Bích Lâm.

Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, phải khẳng định rằng, Bộ chỉ tiêu này với 158 chỉ tiêu của 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể ở cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường sẽ phản ánh được tất cả nét đặc trưng của nền kinh tế - xã hội đất nước, ở tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh phát triển bền vững, với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nói cách khác, với việc công bố Bộ chỉ tiêu này, ý nghĩa lớn nhất là sẽ có được bức tranh kinh tế - xã hội đầy đủ nhất, giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá thực chất tình hình, từ đó có các giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, làm căn cứ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Cụ thể, việc bảo đảm mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” được thể hiện ra sao trong Bộ chỉ tiêu, thưa ông?

Điều này thể hiện ở các nhóm chỉ tiêu đặc thù, riêng lẻ như nhóm chỉ tiêu về giám nghèo, về xóa đói, về bình đẳng giới, về nhóm người yếu thế lần đầu tiên đã có bộ thông tin thống kê phục vụ cho các bộ, ngành, cùng với các chỉ tiêu về kinh tế. Qua đó, chúng ta sẽ đánh giá được thực trạng, từ đó có giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ưu tiên tập huấn nghiệp vụ, chia sẻ dữ liệu

Theo ông, chúng ta đang có những thuận lợi, khó khăn gì trong việc triển khai thực hiện Bộ chỉ tiêu này?

Chúng tôi nhận thức chúng ta đang có nhiều thuận lợi song cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, về thuận lợi, Việt Nam có hệ thống thống kê tập trung, đầu mối là Tổng cục Thống kê và các cơ quan thống kê của các bộ ngành, qua đó có sự thống nhất về phương pháp luận, sự phối hợp giữa các bên nhằm triển khai thực hiện.

Về khó khăn, trước tiên là nguồn nhân lực làm công tác thống kê ở các bộ, ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cung cấp thông tin cho ngành thống kê còn hạn chế. Ngoài ra, trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu, giảm chi phí của Nhà nước cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng hoạt động của ngành thống kê.

Vậy ngành thống kê sẽ giải quyết những khó khăn này ra sao?

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, chúng tôi nhận thức phải tự đổi mới, có đột phá để thực hiện nhiệm vụ được giao như đổi mới nghiên cứu, xem xét lại nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong thu thập thông tin. Riêng đối với nguồn nhân lực, hiện, chất lượng nhân lực thống kê ở các bộ, ngành chưa đồng đều. Do vậy, với vai trò là đơn vị chủ trì, điều phối, Tổng cục Thống kê sẽ có hướng dẫn tập huấn nghề nghiệp chuyên môn về phương thức thu thập số liệu cho nhân lực thống kê ở các bộ, ngành được giao nhiệm vụ triển khai Bộ chỉ tiêu này.

Việc triển khai thực hiện Bộ chỉ tiêu sẽ theo 2 lộ trình, lộ trình A thực hiện ngay trong năm nay, lộ trình B thực hiện từ năm 2025. Vậy đâu là những nhiệm vụ ưu tiên của ngành thống kê trong triển khai thực hiện?

Với vai trò điều phối, chúng tôi sẽ phối hợp với 22 bộ, ngành được giao nhiệm vụ biên soạn nhóm chỉ tiêu phát triển bền vững để giúp họ hiểu được nội dung của các chỉ tiêu. Tiếp đó là xác định được thông tin đầu vào, xác định nguồn thông tin thu thập để biên soạn bộ chỉ tiêu này, đặc biệt với các chỉ tiêu mới. Điều này thật sự cần thiết trong bối cảnh có rất nhiều nguồn thông tin, không phải chỉ dựa vào điều tra thống kê, hồ sơ hành chính, chế độ báo cáo thống kê mà còn cần nghiên cứu dữ liệu mở.

Nhiệm vụ ưu tiên tiếp theo là phải làm sao để các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ và tầng lớp dân cư hiểu chỉ tiêu phản ánh cái gì, hay nói cách khác là làm thế nào để các chỉ tiêu có sức sống, có tiếng nói riêng. Tôi nghĩ không ai phản ánh bức tranh kinh tế - xã hội tốt hơn những người làm công tác thống kê. Do vậy, việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho họ là điều rất quan trọng. Đồng thời, chia sẻ thông tin cho các bộ ngành. Nhiệm vụ ưu tiên nữa là phải duy trì cơ sở dữ liệu, thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành khi cần đánh giá, biên soạn các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Tùy thuộc các chỉ tiêu đó được biên soạn, phân tổ như thế nào mà có thể định kỳ từng năm hoặc 2 năm hoặc theo quý, chúng tôi sẽ công bố các chỉ tiêu này.

Xin cảm ơn ông!