Phân bổ NSNN năm 2013: Hạn chế khởi công dự án mới

(Tài chính) Sáng 15/11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, với 90,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013.

Phân bổ NSNN năm 2013: Hạn chế khởi công dự án mới
Trên cơ sở cân đối tổng số thu - chi ngân sách trung ương và địa phương, Quốc hội giao Chính phủ triển khai giao nhiệm vụ thu, chi ngân NSNN và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thông báo đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan ở trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân NSNN năm 2013 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng đơn vị thụ hưởng NSNN trước ngày 31/12/2012; thực hiện công khai dự toán ngân sách theo quy định của Luật NSNN; báo cáo Quốc hội về tiến độ, kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách của các bộ, ngành, và các địa phương tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII. Rà soát lại nội dung, nhiệm vụ và các dự án thành phần, xây dựng phương án phân bổ cụ thể đối với Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và thực hiện phân bổ, giao dự toán trước ngày 31/12/2012.

Một số chỉ tiêu NSNN chính phân bổ trong năm 2013:
Tổng số thu cân đối ngân sách trung ương 519.836 tỷ đồng.
Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương 296.164 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương 681.836 tỷ đồng,
(bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có
 mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương).
Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan ở trung ương và địa phương phân bổ chi đầu tư phát triển bảo đảm tập trung ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản và các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013; hạn chế tối đa khởi công dự án mới, bố trí hoàn trả vốn ngân sách ứng trước, bảo đảm đủ vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các công trình, dự án đầu tư phải thực hiện đúng dự toán được giao, chỉ ứng trước vốn cho các công trình, dự án thực sự cấp bách. Sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương) để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013. HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do địa phương quản lý.

  Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ, Chính phủ cần xem xét lại việc hỗ trợ có mục tiêu (vốn đầu tư phát triển) ưu tiên cho khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc; khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, mức phân bổ cho các địa phương khu vực này năm 2013 giảm so với các năm trước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đến các khu vực này trong quá trình điều hành NSNN, chú trọng việc tiếp tục bổ sung hỗ trợ cho các địa phương trên từ nguồn vượt thu và các nguồn vốn hợp pháp khác.
 
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ phân bổ ở mức hợp lý ngân sách trung ương năm 2013 để bố trí vốn cho Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2016 (thuộc Chương trình 134). Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần khẩn trương thông qua Đề án và bố trí nguồn lực hợp lý (từ nguồn dự phòng NSNN, nguồn tăng thu NSTW) để thực hiện trong năm 2013.
 
Đối với một số lĩnh vực khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá về quy mô, hiệu quả các khoản vay của DN được Chính phủ bảo lãnh; trường hợp các DN, các tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ. Đồng thời, đề nghị thường xuyên báo cáo Quốc hội về vấn đề nợ công  theo đúng quy định tại Điều 44 của Luật Quản lý nợ công.

Phải kiểm soát chặt chẽ các khoản dự toán chi đầu tư phát triển giao cho các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ và không có bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay vốn nước ngoài của DN, nhất là của DNNN, bảo đảm khả năng trả nợ, sử dụng vốn hiệu quả, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.