Phấn đấu 50% thị dân mua sắm không dùng tiền mặt

Theo thesaigontimes.vn

Phấn đấu đến năm 2020, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Đến năm 2020, có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 đô la Mỹ/người. Nguồn: Internet
Đến năm 2020, có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 đô la Mỹ/người. Nguồn: Internet


Bên cạnh đó, có 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020.

Đây là những mục tiêu chính trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 đô la Mỹ/người. Doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ đô la Mỹ, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Đến năm 2020, khoảng 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mong muốn hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.

Chính phủ cam kết xây dựng mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.