Phân phối nguồn lực công bằng

Bà Pratibha Mehta, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

(Tài chính) Cải cách thể chế phải đảm bảo phân bổ nguồn lực công bằng, minh bạch và gắn trách nhiệm giải trình; đấu tranh chống tham nhũng và khuyến khích người dân tham gia giám sát. Đây là những thông lệ quốc tế tốt nhất, phổ biến nhất cần được vận dụng.

Phân phối nguồn lực công bằng
Cải cách thể chế phải đảm bảo phân bổ nguồn lực công bằng, minh bạch và gắn trách nhiệm giải trình; đấu tranh chống tham nhũng và khuyến khích người dân tham gia giám sát. Nguồn: internet

Giảm nghèo chững lại

Sau nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kèm theo đó là những tiến bộ lớn trong phát triển con người và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong những năm gần đây xu hướng tích cực ấy đã có dấu hiệu chững lại. Sự giảm sút tăng trưởng năng suất và sức cạnh tranh, kể cả trong khu vực nông nghiệp, nền tảng của kinh tế Việt Nam, đã xuất hiện.

Mặc dù điều này trầm trọng hơn do tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng sự suy giảm cũng xuất phát từ sự yếu kém và hạn chế về thể chế. Chúng ta có thể thấy đây là những dấu hiệu sớm của việc Việt Nam đang rơi vào bẫy “năng suất thấp” và “giá trị thấp”.

Diện mạo nghèo đói cũng đang thay đổi, nghèo đa chiều đã xuất hiện ở những vùng đô thị và đặc biệt trong những người lao động ở khu vực phi chính thức. Liên quan tới điều đó là chất lượng dịch vụ công và sự phân phối các nguồn lực cũng cần xem lại. Chúng ta cũng đã thấy sự gia tăng tỷ lệ người dân dễ rơi vào cảnh nghèo khó. Nhóm cận nghèo sinh sống chỉ ở mức ngay trên giới hạn nghèo.

Do vậy, chỉ cần một cú sốc thu nhập khoảng 5-10% cũng có thể đưa đến sự đảo ngược tiến bộ đã đạt trong giảm nghèo. Trong cuộc đối thoại toàn cầu do hệ thống phát triển Liên hiệp quốc phát động về chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015, người dân trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đã gửi những thông điệp rất quan trọng.

Người dân muốn sự bất bình đẳng được giải quyết; kêu gọi cải thiện quản trị nhà nước và các dịch vụ công cần được cung cấp tốt hơn, các nguồn lực phải được phân phối công bằng hơn. Một nhóm các mục tiêu phát triển mới đang được xây dựng và sau khi được các nước thành viên nhất trí, sẽ là kim chỉ nam cho hợp tác quốc tế và giúp các quốc gia xác định mục tiêu phát triển cụ thể, chẳng hạn như những mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội sắp tới của Việt Nam.

Trong giai đoạn phát triển ban đầu, khi có rất nhiều lĩnh vực cần cải cách và năng lực cải cách còn hạn chế, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn đi đến ngưỡng thu nhập cao nhanh chóng do tập trung vào một số ít cải cách thể chế chính, giúp giải quyết các vấn đề tắc nghẽn trong tăng trưởng. Cải cách thể chế như vậy có thể khuyến khích tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.

GS. Mustaq Khan, Trường Đại học London, Anh

Hành động cụ thể và khả thi

Tôi muốn chia sẻ một số ý tưởng cụ thể nhằm giúp cải cách thể chế phù hợp hơn, mục đích là đảm bảo phát triển con người một cách bền vững ở Việt Nam. Trước hết, cần phát triển và củng cố năng lực của các tổ chức có chức năng cải thiện năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, là vấn đề quan trọng để người nghèo có thể tiếp tục sống và làm việc ở vùng nông thôn.

Kinh nghiệm cải cách thể chế của Thái Lan và Malaysia trong phát triển nông nghiệp có giá trị cao, như ngành cao su thông qua cung cấp các dịch vụ khuyến nông và tạo thương hiệu tốt hơn, kết nối tốt hơn giữa sản xuất nguyên liệu thô và công nghiệp chế biến, có thể sẽ hữu ích cho Việt Nam.

Thứ hai, cần thiết phải phát triển các chính sách và thể chế nhằm nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng đạt giá trị cao hơn trong mọi lĩnh vực. Việc tạo ra môi trường và những thể chế khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước, nơi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm ưu thế rất quan trọng.

Mặc dù còn nhỏ về quy mô, song các doanh nghiệp khu vực tư nhân lại là một nguồn cung việc làm lớn, một khu vực khá năng động và là vườn ươm các doanh nhân, tạo chỗ đứng của Việt Nam trong các chuỗi giá trị quốc tế - là xu hướng đang chiếm ưu thế trong những mô hình thương mại toàn cầu mới.

Các quốc gia cần những người tài và có kỹ năng để tạo ra những sáng tạo - là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo. Đầu tư của Việt Nam (cả khu vực công và tư nhân) vào giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 10% GDP, nhưng đoạn đường để vươn tới mục tiêu trên vẫn còn rất dài.

Nếu muốn chấm dứt sự nghèo khó, giảm thất nghiệp và ngăn chặn bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng, cần tìm cách nâng cao hiệu quả đầu tư vào giáo dục, đào tạo và tìm ra các phương pháp dạy và học mới, hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn trên quy mô rộng.

Một hệ thống an sinh xã hội tiến bộ và hiện đại cũng nên là một phần thiết yếu trong danh mục cải cách thể chế. Hệ thống an sinh xã hội tiến bộ có thể giúp trừ tận gốc tình trạng nghèo khó cùng cực ở mọi phương diện. Hệ thống an sinh xã hội hiện đại cũng giúp tạo ra khả năng chống chịu với tai họa và giúp phục hồi sớm nhờ vào việc đảm bảo thu nhập và các hỗ trợ khác luôn sẵn có khi tai họa ập đến. Vì thế việc cải cách hệ thống hỗ trợ xã hội, bảo hiểm xã hội và y tế vào lúc này rất quan trọng, bao hàm cả việc rà soát lại cách bố trí tài chính, các cách thức quản trị và mô hình cung cấp dịch vụ.

GS. Kenichi Ohno cho rằng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cần được hỗ trợ bằng những chiến lược thực tế và kế hoạch cụ thể với cơ chế chịu trách nhiệm giải trình, tăng cường cơ chế khuyến khích và các thiết chế có năng lực nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình. Như vậy, để tạo dựng một chương trình nghị sự về cải cách thể chế thành công cần có những cuộc thảo luận ít “trừu tượng” và “lan man” hơn, tập trung vào xác định những hành động cụ thể và khả thi, có mục đích rõ ràng nhằm khuyến khích phát triển nhân lực một cách bền vững.