Pháp chế ngành Tài chính: “Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”

Phùng Tuấn

TCTC Online - Đó là một trong những nội dung quan trọng thu hút được sự quan tâm của những người làm công tác pháp chế tại Hội nghị triển khai công tác pháp chế Tài chính năm 2012 của Bộ Tài chính diễn ra hôm 24/2/2012 tại tỉnh Bắc Ninh. Nhiều chuyên gia đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ... cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và kiến nghị đối với Bộ Tài chính nhằm nâng cao hơn nữa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đưa công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp vào thực chất

Theo bà Ngô Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), năm 2012 là năm triển khai, thực hiện Đề án “Kiện toàn và tăng cường năng lực của các tổ chức pháp chế ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP” nhằm nâng cao năng lực các tổ chức pháp chế tài chính, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bố trí nhân lực, các điều kiện bảo đảm tổ chức triển khai đồng bộ công tác pháp chế, qua đó tạo sự chuyển biến căn bản trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế trong ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành Tài chính.

Trong bối cảnh đó, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp chế tài chính trong năm 2012 được vạch ra như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản QPPL; Rà soát, hệ thống hóa văn bản và công tác khác thì pháp chế ngành Tài chính cần phải đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Theo đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN cần xác định và tập trung vào những vấn đề DN thường xuyên gặp vướng mắc như kê khai thuế, hóa đơn, kê khai hải quan…

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và cung cấp thông tin về những luật thuế mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 như Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…; Duy trì và thực hiện có hiệu quả các hội nghị đối thoại với DN thường niên; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các lớp Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hội thảo, tọa đàm pháp luật về thuế, hải quan thuộc Chương trình 585 (Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN giai đoạn 2010-2014); Tăng cường hơn nữa hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN thông qua chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên các báo ngành, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và của các tổng cục...

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, các đơn vị thuộc Bộ phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đưa thành thường xuyên trong năm 2012 để đi vào thực chất hơn nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tạo điều kiện tuân thủ pháp luật cho các đối tượng thi hành, đặc biệt là từ các DN. Đồng tình với quan điểm này, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây là khâu quan trọng để cải thiện chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh (MEI) của Bộ Tài chính trong năm 2012 và các năm tới. Yêu cầu đối với công tác này là phải tạo ra một kênh thông tin thiết thực cho DN trong việc tiếp cận, nắm bắt quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính DN; đồng thời qua đó bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho DN, tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DN, góp phần tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp DN phòng chống rủi ro pháp lý, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với chức năng quản lý của mình, pháp chế ngành Tài chính, đặc biệt là pháp chế Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cần tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho người khai hải quan, người nộp thuế.

Chia sẻ thêm về công tác pháp chế ngành Hải quan nói chung và hỗ trợ pháp lý cho DN nói riêng, bà Phùng Thị Bích Hường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan) cho biết, nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho DN luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính điều này đã góp phần minh bạch hoá, công khai hoá các thông tin pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan, để mọi đối tượng tham gia trong quan hệ pháp luật hải quan dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật. Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, hiện đại hoá Ngành, tạo thuận lợi hoá thương mại trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng được các yêu cầu của Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chứng minh cho những nỗ lực hiệu quả của ngành Hải quan trong thời gian qua, bà Phùng Thị Bích Hường đã đưa ra rất nhiều thống kê ấn tượng. Chẳng hạn, về hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin tại trụ sở cơ quan Hải quan, trụ sở DN, riêng trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010, đã có hơn 38.900 trường hợp có vướng mắc, yêu cầu được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp, riêng năm 2011 đã có hơn 49.400 trường hợp được hỗ trợ. Cũng trong 3 năm thực hiện Quyết định 1915/QĐ-TCHQ (2008-2010) đã có hơn 48.300 trường hợp có vướng mắc được trực tiếp hỗ trợ qua điện thoại, riêng năm 2011 đã có hơn 59.900 trường hợp được hỗ trợ. Về hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin bằng văn bản, cũng trong thời gian này, đã có hơn 10.100 lượt văn bản của cộng đồng DN được các cục hải quan và hàng ngàn lượt văn bản được Tổng cục Hải quan trả lời, giải đáp, trong đó chỉ riêng năm 2011 đã có hơn 11.400 trường hợp được hỗ trợ. Không chỉ có vậy, ngành Hải quan đã tổ chức hơn 30 hội nghị, hội thảo tập huấn lớn với sự tham gia của hàng ngàn DN, riêng trong năm 2011 đã có hơn 70 hội nghị, hội thảo lớn được tổ chức. Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức được hơn 10 hội nghị đối thoại với cộng đồng DN trong nước, cộng đồng DN châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia… Đặc biệt, việc cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan Hải quan cũng đã phát huy hiệu quả và được cộng đồng DN đánh giá rất cao, chỉ riêng năm 2011 ngành Hải quan đã trả lời trên 2.800 câu hỏi với nhiều nội dung đa dạng, phức tạp liên quan đến nhiều mảng nghiệp vụ Hải quan...

Về lĩnh vực thuế, chia sẻ của những người làm công tác pháp chế từ Tp.Hồ Chí Minh – khu vực kinh tế năng động, tập trung các nghiệp vụ kinh tế đa dạng và phức tạp với nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục thuế Tp.Hồ Chí Minh, là địa phương có số lượng đối tượng nộp thuế lớn nhất cả nước và ngày càng phát sinh thêm nhiều đối tượng mới trong khi chính sách thuế thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, nên thực trạng này đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về công tác quản lý thuế trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh. Từ năm 2011, được sự chấp thuận của UBND Tp.Hồ Chí Minh, Cục Thuế đã triển khai thực hiện Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”. Đến nay, chương trình này đã kết thúc thành công ngoài mong đợi với hơn 4.000 câu hỏi và ý kiến đóng góp của người nộp thuế đã được ngành Thuế giải đáp, tiếp thu, chấn chỉnh và kiến nghị Tổng Cục Thuế nghiên cứu, bổ sung sửa đổi về chính sách thuế. Ngoài ra, Cục thuế cũng đã tiến hành trả lời các câu hỏi của người nộp thuế qua Hệ thống đối thoại DN – Chính quyền Thành phố (thông qua trang Thông tin điện tử www.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn) nhằm giải đáp các vướng mắc về các chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả phản ánh của người dân – DN đối với chính quyền. Thông qua hệ thống đối thoại này, Cục thuế đã giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc về chính sách thuế cho người nộp thuế nhanh, đơn giản, hiệu quả và làm giảm bớt khối lượng công việc ở các khâu khác.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cũng đã kết hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức định kỳ hàng quý buổi đối thoại trực tiếp với sự tham gia của hàng trăm DN. Tại buổi đối thoại, ngoài việc thông báo cho người nộp thuế các chính sách thuế mới và các nội dung về thuế cần lưu ý phát sinh trong quý, còn tập trung đối thoại trả lời trực tiếp các câu hỏi, trung bình mỗi buổi trả lời khoảng 100 câu hỏi của người nộp thuế. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND Tp.Hồ Chí Minh, Cục Thuế cũng phối hợp với ITPC tổ chức nhiều buổi đối thoại với Hiệp hội DN Thành phố, Hiệp hội DN châu Âu (Euro Cham), DN Hàn Quốc, DN Ấn Độ, Nhật Bản…

Còn nhiều việc phải làm

Nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo lần này đều nhận định, với chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và rất nhiều “mảng” liên quan đến DN, để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Vũ Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế (Bộ Tư pháp), trên cơ sở kế hoạch tổng thể giai đoạn 2010 – 2014 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN (Chương trình 585), trong năm 2012 và giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, tổ chức triển khai một số hoạt động sau: Thứ nhất, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho DN thông qua việc hỗ trợ thông tin trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan… để xây dựng, phát triển trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho DN của Bộ Tài chính. Thứ hai, chủ trì tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, bảo hiểm… nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các DN trong việc thực thi pháp luật và thu thập ý kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh. Thứ ba, hỗ trợ pháp lý cho DN trong một số lĩnh vực cụ thể như: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, bảo hiểm...

Đồng tình với những giải pháp này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - người từng chủ trì và tham gia nhiều cuộc đối thoại với DN trong và ngoài nước cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà công tác pháp chế ngành Tài chính phải tiếp tục triển khai trong năm 2012 và những năm tiếp theo là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN thông qua công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Theo đó, công tác này phải được cụ thể hóa thông qua những hoạt động đối thoại, tuyên truyền pháp luật, trả lời vướng mắc, tổng kết, rà soát quá trình thi hành…

Trong khi đó, nhằm thực hiện tốt công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN, theo bà Phùng Thị Bích Hường, ngành Hải quan đã đưa ra 6 giải pháp trọng tâm. Một là, xác định công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu của quá trình cải cách hiện đại hoá hải quan nói riêng, cải cách hành chính nói chung. Đây chính là bước “chuyển mình” nhằm khắc phục tình trạng trước đây - chỉ khi DN cần cơ quan Hải quan mới hỗ trợ. Giờ đây, sự hỗ trợ phải được tạo ra chính sự chủ động từ phía cơ quan Hải quan bằng nhiều hình thức và biện pháp cụ thể, trong đó bao gồm cả vấn đề công khai, minh bạch, rõ ràng các quy định của pháp luật để các đối tượng thực hiện một cách thuận lợi. Hai là, sử dụng các biện pháp tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của các đối tượng áp dụng pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan để xác định tầm quan trọng, sự cần thiết, ý thức pháp luật của mỗi một chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật này. Đây là yêu cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi điều đó sẽ tạo sự chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật và lựa chọn cách xử sự đúng, phù hợp và pháp luật sẽ được thực thi một cách nghiêm chỉnh, bảo đảm sự kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện pháp luật ở cả công chức Hải quan, cơ quan Hải quan và DN làm thủ tục hải quan. Ba là, công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật Hải quan phải được thực hiện có hiệu quả trong toàn hệ thống từ cơ quan Tổng cục đến các Chi cục, trong đó, đặc biệt chú trọng việc thực hiện công tác này tại đơn vị cơ sở, bởi đơn vị cơ sở chính là nơi tiếp nhận nhiều nhất những yêu cầu từ phía DN, trực tiếp trao đổi, trả lời cho DN. Bốn là, phải đổi mới hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN. Chẳng hạn, đối với các DN nhỏ, xuất nhập những mặt hàng không ổn định thì thực hiện bằng hội nghị đối thoại; với hành khách xuất nhập cảnh thì hỗ trợ bằng thông tin dán sẵn, điện thoại hoặc hỗ trợ trực tiếp…). Năm là, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin. Sáu là, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đơn vị làm công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin và các đơn vị khác trong và ngoài Ngành để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Một lĩnh vực khác cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của DN là công tác pháp chế trong lĩnh vực chứng khoán. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2012, cơ quan này được phân công chủ trì xây dựng 20 văn bản QPPL gồm (Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư BTC, Thông tư liên bộ…), cho thấy khối lượng công việc mà cơ quan này đảm nhận là rất nặng nề. Tuy nhiên, điều khiến những người làm công tác pháp chế lĩnh vực chứng khoán băn khoăn là do thị trường chứng khoán luôn diễn biến phức tạp, khó lường, kèm theo rủi ro lớn, nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, do vậy đòi hỏi chính sách pháp luật phải điều chỉnh kịp thời với diễn biến thị trường. Trong khi đó, quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật nói chung hiện nay thường kéo dài, qua nhiều khâu, nên tính kịp thời của văn bản chưa được phát huy một cách tối ưu. Bên cạnh đó, giữa hệ thống văn bản về chứng khoán với Luật DN, bộ Luật Dân sự và các văn bản khác vẫn còn có một vài điểm thiếu tính thống nhất, chưa đầy đủ và chưa phù hợp dẫn đến nhiều quy định trong các văn bản QPPL về chứng khoán chưa được triển khai trong thực tế. Thực trạng này khiến những người làm công tác pháp chế gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lời các vấn đề, khúc mắc của DN. Đó là chưa kể một số thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, thời gian thẩm định kéo dài gây không ít khó khăn cho DN…

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để tạo hỗ trợ cho DN và nhà đầu tư, tới đây công tác xây dựng, soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và kịp thời. Theo đó, khi ban hành văn bản luật, cần ban hành kịp thời ngay nghị đinh quy định chi tiết và thông tư hướng dẫn để các quy định trong luật dễ thực hiện, dễ áp dụng, tránh tình trạng ban hành văn bản luật nhưng lại phải chờ nghị định quy định chi tiết, hay ban hành nghị định phải chờ thông tư hướng dẫn...