Phát triển bền vững thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

Doãn Thị Mai Hương - Đại học Lao động – Xã hội

Trong những năm gần đây, thủy sản - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có chiều hướng tăng trưởng khá cao và ổn định. Kết quả đạt được là do Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm, ban hành nhiều chính sách, đề án, chiến lược… nhằm cơ cấu, phát triển ngành sản xuất, xuất khẩu thủy sản bền vững. Do đó, sau hơn 20 năm phát triển, ngành Thủy sản đã đạt được nhiều bước tiến trong nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chí bền vững quan trọng khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng quan tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thời gian gần đây

Trong 5 năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam đã nắm bắt được điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để đạt được kết quả ấn tượng, đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương, tạo ra nhiều doanh nghiệp (DN) mũi nhọn đối với nền kinh tế và làm thay đổi bộ mặt phát triển nhiều địa phương trong cả nước. Từ 2012 đến 2016, ngành Thủy sản có “bước phát triển vàng” với tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 46 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng giá trị xuất khẩu trong 11 năm trước đó.

Giai đoạn này, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu hàng thủy sản đến 50 thị trường trên thế giới. Những thị trường chính đem lại nguồn lợi lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Đức, Australia… Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng thủy sản Việt Nam và Trung Quốc là thị trường tiềm năng của nước ta.

Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, thời gian qua Chính phủ và các cơ quan chức năng có nhiều chính sách về khai thác, đánh bắt bền vững nguồn thủy sản biển, mở rộng quy mô nền sản xuất. Việt Nam cũng tập trung đối phó các vấn đề pháp lý, chính sách bảo hộ thương mại và tác động từ thị trường đến nền sản xuất – xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, ngành Thủy sản nước ta cũng gặp phải không ít khó khăn, trong đó, phải kể đến là tình trạng chênh lệch giữa quy mô, khối lượng sản xuất và giá trị xuất khẩu, đời sống của người lao động chưa được cải thiện và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Từ nay đến năm 2020, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 2,4-2,6 triệu tấn/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 11%/năm. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ nỗ lực, tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động tới sự phát triển bền vững của ngành Thủy sản xuất khẩu:

- Về tác động tích cực: Việt Nam có nhiều yếu tố thiên nhiên ban tặng như đường bờ biển dài, hệ thống sông, hồ đa dạng rất thuận lợi cho nuôi trồng các loại thủy sản. Biển của Việt Nam có nhiều dòng hải lưu nóng, lạnh khác nhau nên nguồn cá, hải sản khá phong phú. Ngư dân Việt Nam có truyền thống đi biển khai thác hải sản lâu đời, hình thành các làng nghề đánh cá xa bờ cũng như có đặc điểm tính cách phù hợp với phát triển ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quan tâm và tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, tạo lập hệ thống sản xuất – kinh doanh có chiến lược, bài bản. Nhờ đó, hải sản Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng trong khu vực và thế giới ưa chuộng.

- Về tác động tiêu cực: Ngành Thủy sản nước ta hiện nay đang phải đối mặt với yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, tác động nghiêm trọng tới quy hoạch, cơ cấu sản xuất và tập quán nuôi trồng thủy sản của người dân. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông, hồ, một số vùng biển khiến thủy sản chết hàng loạt.

Tình trạng tăng trưởng “nóng” của một số thị trường thủy sản cũng để lại nhiều hệ lụy, nhất là “tình trạng được mùa mất giá”. Ngoài ra, sự thay đổi tỷ giá, biến động thị trường cũng tác động mạnh đến DN và toàn ngành Thủy sản.

Ưu tiên phát triển bền vững xuất khẩu thủy sản

Những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tập trung xây dựng và ban hành nhiều chính sách, văn bản quy định nhằm phát triển xuất khẩu thủy sản bền vững. Cụ thể là Chính phủ đã tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột như: Nâng cao chất lượng tăng trưởng; Gắn việc sản xuất – xuất khẩu thủy sản với công tác bảo vệ môi trường (BVMT); Đồng thời, sản xuất - kinh doanh thủy sản phải góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nâng cao chất lượng tăng trưởng sản xuất - xuất khẩu thủy sản được coi là nội dung chính của nhiều chính sách mà Chính phủ và cơ quan chức năng ban hành thời gian qua. Các chính sách liên quan lĩnh vực này có tính hệ thống cao và ngày càng được hoàn thiện.

Với quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế cao như Việt Nam, Quốc hội đã sớm ban hành Luật Thủy sản (11/2003) quy định về hoạt động thủy sản, bao gồm các hoạt động khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thủy sản; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; dịch vụ trong hoạt động thủy sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong đó, ngành Thủy sản điều chỉnh sản xuất từ phát triển theo số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm tăng giá trị và lợi nhuận. Chính phủ cũng khuyến khích DN áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế khác để nâng cao giá trị hàng thủy sản xuất khẩu.

Cơ quan chức năng cũng đã nghiên cứu và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quy hoạch chỉ rõ bất cập trong tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm phần lớn giá trị xuất khẩu thủy sản, đề ra mục tiêu, định hướng và một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản bền vững; Đồng thời, ban hành một số chính sách phát triển mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có giá trị như cá tra, tôm…

Để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường lớn, Việt Nam cũng đề ra các chính sách khuyến khích sản xuất các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, BVMT. Các quy định này khá cụ thể, nhất là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điệu kiện an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu; Quy phạm thực hành VietGAP nhằm kiểm soát lĩnh vực an toàn thực phẩm, giảm tác động đến môi trường.

Ngoài ra, còn có nhiều chính sách hiệu quả khác về mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thủy sản, tăng cường xúc tiến thương mại; về quản lý, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thủy sản; chính sách tín dụng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh các chính sách nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, nền sản xuất thủy sản của Việt Nam cũng được đặt trong sự thống nhất, gắn kết với các chính sách, quy định về BVMT. Luật BVMT được Quốc hội thông qua năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển nền thủy sản bền vững.

Chính phủ ban hành Nghị định 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 nêu rõ, cấm sử dụng công cụ mang tính hủy diệt môi trường nước để khai thác; quy định khai thác, đánh bắt thủy sản trưởng thành nhằm tránh tận diệt nguồn thủy sản; cấm đánh bắt thủy sản quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng; quy định về việc giao các khoán các khu vực biển cho tư nhân khai thác phải đảm bảo yếu tố môi trường… nhằm tăng cường công tác BVMT trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành một số văn bản có những nội dung quy định rõ về việc hạn chế khai thác tài nguyên, bảo tồn nguồn lợi thủy sản như Thông tư 64/2010/TT-BNNPTNT ngày 04/11/2010; Thông tư 39/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2013; Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 1/3/2013.

Cơ quan chức năng cũng tích cực tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về BVMT trong hoạt động sản xuất – xuất khẩu thủy sản. Các quy định trên góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, BVMT, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Ngoài những nội dung trên, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: Một nền xuất khẩu thủy sản bền vững thì phải góp phần đảm bảo an sinh - xã hội. Do đó, Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách gắn hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản cùng với giải quyết các vấn đề xã hội ở cấp độ vi mô và vĩ mô.

Chính phủ đặc biệt quan tâm tới các đối tượng dễ bị tổn thương trước những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp như người nông dân, các trang trại, DN vừa và nhỏ. Nhiều trường hợp chịu thiệt hại nặng dẫn tới không thể tái sản xuất, lâm vào cảnh phá sản, nợ xấu.

Để hỗ trợ hiệu quả nhóm đối tượng này, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành GAP trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động; Nghị định 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 có các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

Bên cạnh các ưu đãi này, Chính phủ thông qua các thiết chế, chính sách để đảm bảo chia sẻ lợi ích hợp lý giữa những người tham gia quá trình sản xuất - xuất khẩu thủy sản; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người nông dân, DN, giới tiểu thương...

Thách thức với ngành Thủy sản và kiến nghị đặt ra

Trong tăng trưởng chất lượng xuất khẩu, thách thức lớn với ngành Thủy sản thời gian tới là các DN, hộ nuôi trồng thủy sản phá vỡ quy hoạch; không tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, môi trường. Quá trình sản xuất chưa chú trọng quy hoạch phát triển theo chiều sâu gắn với thị trường tiêu thụ.

Thực trạng này đã tồn tại từ lâu song chưa thể cải thiện nhanh trong thời gian tới. Các DN thủy sản chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất, chưa xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất nguyên liệu đầu vào với chế biến xuất khẩu; thị trường nguyên liệu thủy sản trong nước có nguy cơ bị thâu tóm bởi thương lái Trung Quốc.

Về thị trường, trong thời gian tới, chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, các biện pháp rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe hơn và chính sách, thủ tục nhập khẩu của nhiều nước cũng sẽ thường xuyên được điều chỉnh ở nhiều cấp độ trong khi việc cạnh tranh nguồn cung cũng khốc liệt.

Đối với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nguy cơ lượng hàng thủy sản bị trả về tăng cao, gây thiệt hại cho các DN và uy tín của ngành Thủy sản Việt Nam.

Với cơ cấu tỷ trọng xuất  khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trong thời gian tới còn thấp, DN sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu, đồng nghĩa là sẽ làm giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt.

Phát triển bền vững thủy sản xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 1
 

Cơ hội về thu nhập và việc làm dựa vào xuất khẩu thủy sản chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng lao động trong sản xuất – xuất khẩu thủy sản chưa cao, thiếu kiến thức kinh doanh, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Dù vậy, có tín hiệu đáng mừng là lợi ích từ sản xuất - xuất khẩu sẽ được cải thiện, phân phối đồng đều hơn cho các bên tham gia trong thời gian tới, góp phần kéo gần khoảng cách giàu nghèo và giảm mâu thuẫn lợi ích giữa các bên.

Từ những thách thức trên, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển bền vững ngành Thủy sản theo hướng thiết thực, bám sát diễn biến thực tiễn.

Đồng thời, tập trung chủ yếu vào 3 trụ cột quan trọng là nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản; gắn tăng trưởng thủy sản với yêu cầu, nhiệm vụ BVMT; nuôi trồng thủy sản xuất khẩu phải góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người lao động.

Thứ nhất, triển khai các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cần được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, các DN và người nông dân rất cần định hướng trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản để tăng lợi nhuận nhưng giảm quy mô đầu tư.

Đây là vấn đề sống còn trong cạnh tranh thương mại với đối thủ kinh doanh khác. Chính phủ sớm ban hành các văn bản định hướng, tạo lập các chiến lược, kế hoạch cụ thể đối với từng vùng nhằm phát triển các mặt hàng thủy sản có giá trị. Cơ quan chức năng cần làm việc với các DN và hỗ trợ họ trong tìm kiếm thị trường nhập khẩu hàng thủy sản giá trị cao.

Mở rộng thị trường xuất khẩu, Chính phủ và cơ quan chức năng cần rà soát lại các thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp, giảm thời gian kiểm nghiệm, cấp chứng thư; đẩy mạnh áp dụng việc đăng ký điện tử thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, các chính sách cần đảm bảo không để thất thoát thuế, phí mà vẫn tạo thuận lợi cho DN.

Ngoài ra, để tăng cường chất lượng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, sớm đề ra chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý và chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích các DN phát huy sáng kiến, ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất. Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông sớm có chính sách nâng cao năng lực của các trung tâm khuyến ngư, phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai, đề cao yêu cầu, nhiệm vụ BVMT trong chính sách xuất khẩu thủy sản. Để có chính sách bám sát tình hình thực tế, trước hết cơ quan chức năng sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thăm dò các nguồn tài nguyên thủy sản ở các vùng biển của Việt Nam; Xây dựng bản đồ số hóa về phân bổ nguồn lợi hải sản tạo cơ sở để cơ quan chức năng dự báo, tham mưu các biện pháp phát triển ngành Thủy sản với nhiệm vụ BVMT.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất các đề án, dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng mô hình chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ không thân thiện với môi trường sang các ngành nghề khác có hiệu quả kinh tế cao. Bộ Công an và các bộ, ngành khác tham mưu Chính phủ ban hành chế tài “mạnh tay” hơn trong kiểm soát các loại thủy sản bị cấm xuất khẩu; thực hiện nghiêm quy định xử phạt theo Luật BVMT.

Thứ ba, tình hình phân phối lợi ích trong quá trình sản xuất và xuất khẩu thủy sản hiện nay còn nhiều bất cập, giá trị thu được từ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chưa đóng góp nhiều vào giải quyết vấn đề xã hội. Do đó, cơ quan chức năng sớm tạo lập các chính sách mới, hiệu quả để giải quyết tồn tại này.

Trong đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đề ra chính sách nhằm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý về chất lượng nguồn nhân lực ngành Thủy sản; hoàn thiện hơn nữa các điều luật về quyền lao động, cải thiện điều kiện lao động; đảm bảo phân phối hợp lý lợi ích giữa những người tham gia quá trình sản xuất – xuất khẩu thủy sản nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, xung đột xã hội.

Thứ tư, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu thủy sản bền vững, DN đóng vai trò rất quan trọng, là nguồn lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, Chính phủ tăng cường chỉ đạo, định hướng, kết nối và khai thông các vướng mắc trong hoạt động của DN, trong đó chú trọng các chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu; quy hoạch lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo phát triển đồng bộ. Các chính sách mới nên tập trung vào biện pháp nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường và sản xuất thủy sản xuất khẩu, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.      

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tình hình xuất khẩu thủy sản của VASEP;

2. Trần Thanh Long, “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và rào cản thương mại quốc tế”, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 98 năm 2014;

3. ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Báo cáo “Nghiên cứu chính sách, giải pháp nhằm phát triển bền vững xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam”, năm 2014, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương);

4. Đan Linh, “05 chiến lược nuôi thủy sản bền vững”, ngày 27/7/2016, www. thuysanvietnam.com;

5. Khai thác thuỷ sản bền vững, www.vietnam.panda.org.