Phát triển công nghiệp để thoát bẫy thu nhập trung bình

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Diễn đàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam 2016 sáng ngày 21/4/2016 đặt ra một vấn đề bức thiết: Việt Nam chỉ có thể thoát bẫy thu nhập trung bình bằng chiến lược phát triển nền sản xuất và công nghiệp có khả năng tạo ra sản phẩm mới và dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức, sáng tạo thay vì dựa vào cơ chế bao cấp, tài nguyên thiên nhiên và lao động tay nghề thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tỉ lệ sản xuất công nghiệp còn thấp

Năm 2015, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan, theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á năm 2016 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng trong năm 2015 là yếu tố dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 7 năm vừa qua. Tuy vậy, Việt Nam cũng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định tự do thương mại với các khu vực, nền kinh tế lớn gần đây, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về những thách thức cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội. Doanh nghiệp chưa chuẩn bị để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, nhất là trong thị trường lao động và hàng hóa dịch vụ trong nước.

Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: “Trong tiến trình đó, cần xem xét 3 vấn đề: Xác định ngành sản xuất và công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; Xác định sản phẩm, chuỗi cung ứng và công việc có lợi thế cạnh tranh; Nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất và công nghiệp”

“Vấn đề hiện nay đặt ra cho các cơ quan đại diện và xúc tiến thương mại, đầu tư là cần xây dựng và tái cấu trúc mô hình cấp quốc gia tập hợp và xúc tiến cho các lực lượng doanh nghiệp, lấy xúc tiến sản xuất và công nghiệp làm nòng cốt và kích cầu cho nền kinh tế”, ông Khương nhấn mạnh

Động lực cho nền công nghiệp hóa

Ở các nước phát triển, công nghiệp hóa chất hỗ trợ các ngành công nghiệp khác với giá trị sản xuất lên tới 50% GDP. Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong những ngành công nghiệp sản xuất như dệt may, giày dép, điện tử… Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng nhanh và thúc đẩy tăng trưởng GDP cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Công nghiệp hóa chất có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội vì đây là thành phần thiết yếu tạo nên hàng tiêu dùng mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Cụ thể, hóa chất là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu tạo ra những sản phẩm hữu dụng và thiết yếu cho con người như thuốc men, đồ nhựa, đồ điện tử, vải vóc, hóa dầu, xăng dầu, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ngành sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hóa chất cũng hỗ trợ các ngành công nghiệp khác. Ví dụ như nước tinh khiết có vai trò quan trọng trọng ngành ngành công nghiệp bán dẫn, một lĩnh vực quan trọng trong ngành sản xuất. Do vậy, sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất và lĩnh vực sản xuất có vai trò rất quan trọng và là động lực cho kinh tế.

Ông Tomoyuki Sasama, Quản lý thị trường Việt Nam của Dow nhấn mạnh: “Dow cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ và ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển, tăng giá trị gia tăng nhằm tận dụng lợi ích từ TPP, AEC và các hiệp định thương mại tự do khác”.