Phát triển Điện hạt nhân: Làm sao để người dân tin tưởng và hưởng ứng

LH.

(Tài chính) Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác dụng, lợi ích của điện hạt nhân, lấy được sự đồng thuận của người dân… là một việc làm quan trọng để mở đường cho kế hoạch xây dựng, phát triển mạng lưới điện hiện đại. Chúng ta không thể đi chậm, đi ngoài tiến trình phát triển của lịch sử và chậm thực hiện mục tiêu môi trường Việt Nam xanh, sạch.

Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - Một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân của Việt Nam. Nguồn: internet
Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - Một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân của Việt Nam. Nguồn: internet

Muốn người dân ủng hộ chủ trương phát triển điện hạt nhân của Chính phủ, chỉ có thể bằng cách chỉ ra những lợi ích to lớn từ nguồn điện này cũng như những biện pháp Chính phủ đã và đang tiến hành để ngăn chặn rủi ro, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sống ở nơi đặt lò điện hạt nhân.

Sự cần thiết phải sản xuất điện hạt nhân

Nhiều người dân phản ảnh, tại sao chúng ta không phát triển mạnh điện từ các nguồn sẵn có như nhiệt điện, thủy điện, phong điện, điện từ năng lượng mặt trời... Trong khi điện hạt nhân lại có tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chất phóng xạ, nhất là vừa qua, việc mất nguồn phóng xạ càng khiến dư luận lo ngại.

Thực tế, trong khi nhiều quốc gia đã kiên quyết đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân nhưng vẫn còn có quốc gia đang xem xét, cân nhắc, có nên lựa chọn năng lượng điện hạt nhân hay không. Làm sao giải tỏa được tâm lý lo ngại, khiến người dân hiểu và đồng tình với chủ trương của Chính phủ?

Tiềm năng sản xuất điện của Việt Nam: Việt Nam có những yếu tố để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên NLTT lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như trữ lượng khoáng sản; nguồn nước; thời gian và mức độ nắng, gió; vị trí địa lý có nguồn sản sinh NLTT…). Thêm nữa, nước ta có địa hình dài và hẹp, tài nguyên để phát triển NLTT phân bố không đồng đều: các mỏ than trữ lượng lớn hầu hết đều tập trung ở miền Bắc (vùng Quảng Ninh), nguồn thủy điện chủ yếu phân bố ở miền Bắc và miền Trung, nguồn khí đốt chủ yếu nằm ở thềm lục địa Đông và Tây Nam bộ. Sản lượng điện sản xuất của các nhà máy từ các nguồn này còn thấp, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu (và cũng mới đáp ứng được cho các vùng miền này là chính), trong khi mức tiêu thụ điện lại tập trung chủ yếu ở miền Nam (50% nhu cầu), ở miền Bắc (khoảng 40% nhu cầu), ở miền Trung chỉ trên 10% nhu cầu. Việc Nhà nước xây dựng đường dây tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam từ cụm các nhà máy thủy điện (Hòa Bình, Thác Bà); nhiệt điện (Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) vào Miền Trung và Miền Nam (khởi công xây dựng từ 5/4/1992 và chính thức hòa điện vào hệ thống ngày 27/5/1994) đã cải thiện được rất nhiều cho nhu cầu điện của cả nước hơn hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, do nền kinh tế phát triển mạnh, cung cầu điện hiện nay đã trở nên rất bức xúc, nếu không có bước đột phá về công nghệ thì hệ thống sản xuất điện, sản lượng điện chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế cũng nhưnhu cầu tiêu dùng điện sinh hoạt của người dân.

Nhìn nhận thực tế: Nhu cầu điện tăng nhanh chóng, hiện nay nhu cầu tăng trưởng năng lượng của ta vào khoảng 17%/năm nhưng thực tế chúng ta mới chỉ sản xuất được 13%-14%/năm, tức là mỗi năm thiếu khoảng 3%-4%. Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam đến năm 2020 vào khoảng 294 tỷ kWh, năm 2030 vào khoảng 562 tỷ kWh, trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh vào năm 2020 và 293 tỷ kWh vào năm 2030, do vậy, khả năng thiếu năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế là không tránh khỏi (theo varans.vn). Theo tính toán, nguồn lực để sản xuất năng lượng truyền thống cũng thiếu hút: nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, nhập khẩu nhiên liệu gặp nhiều khó khăn; thủy điện và phong điện có công suất nhỏ: thủy điện cũng đã được khai thác gần hết trữ lượng và khả năng xây dựng các nhà máy thủy điện có hạn, còn khai thác nguồn năng lượng từ gió cho thấy giá thành điện lên rất cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Thêm nữa, việc dùng lưới truyền tải điện dài từ nơi thừa cục bộ sang nơi thiếu phải chịu tổn hao điện và tốn phí, độ tin cậy thấp, chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, không ổn định, thường xuyên bị sụp đổ điện áp,...

Thấy rõ lợi ích: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc sản xuất điện hạt nhân sẽ giải quyết được tình trạng thiếu điện, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, đồng thời, không gây ra chất thải ô nhiễm môi trường (các dạng nhiên liệu hoá thạch truyền thống phát thải một khối lượng lớn khí gây ô nhiễm môi trường và khí gây hiệu ứng nhà kính, như khí SO2, CO2... Còn điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí có hiệu ứng nhà kính, không hề có khí CO2 và cũng không tạo ra khói bụi). Việt Nam lại có đầy đủ tiềm năng về điều kiện chính trị, kỹ thuật công nghệ, môi trường tự nhiên, con người và nguồn vốn thu hút được từ trong và ngoài nước. Theo tính toán, tổng chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở điều kiện Việt Nam thấp hơn nhiều so với một nhà máy điện đốt khí và một nhà máy điện đốt than, tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân có thể tới 60 năm, trong khi tuổi thọ của nhà máy điện đốt khí và một nhà máy điện đốt than chỉ vào khoảng 30-35 năm (theo nangluongvietnam.vn).

Đánh giá đúng nguyên nhân sự cố và giải pháp ứng phó

Vấn đề Chính phủ Việt Nam đặt lên hàng đầu, đó là việc bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Đây cũng chính là vấn đề người dân quan tâm nhất. Đương nhiên trước rất nhiều sự cố xảy ra như thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật bản và Chernobyl ở Nga, tai nạn xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Browns và Diablo Canyon tại Mỹ… khiến người dân không thể không có phản ứng lo ngại, thậm chí phản đối. Tuy nhiên, cần phải cho người dân thấy rõ, nguyên nhân các sự cố xảy ra từ trước đến nay đều không xuất phát từ lỗi thiết kế. Các sự cố đó đều do thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần) và lỗi do mất điện toàn diện gây ra. Việt Nam đã tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận (nơi có điều kiện địa chất, địa chấn và kiến tạo tốt, mật độ dân cư thấp, khu đất rộng, mức độ ảnh hưởng thấp) - theo review.siu.edu.vn.

Hơn nữa, để đảm bảo hạn chế sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã tiếp thu việc nghiên cứu và phân tích các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các sự cố của các nước đã phát triển điện hạt nhân lâu năm. Chẳng hạn như ở Mỹ. Gần đây, các nghiên cứu khoa học của Mỹ đã đưa ra các căn cứ có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, đó là: Tuổi thọ các lò phản ứng; Nguy cơ từ mức dâng nước sông và biển; Sơ xuất trong Quy trình vận hành; Sơ xuất trong Thiết kế cơ bản; thiếu Sự phản biện của người sản xuất… Từ các nghiên cứu này, chúng ta có thể xây dựng một hành lang pháp lý, đưa ra một kịch bản để nhanh chóng xử lý nếu xảy ra sự cố. Cụ thể: Lắp đặt thiết bị và đưa ra quy trình chống chọi lại các sự cố; Tính toán xác suất các sự cố; Đánh giá thời gian và mức độ các hệ quả; Biện pháp giảm thiểu các hệ quả; Bảo vệ công chúng khi có rò rỉ phóng xạ; Tập huấn và diễn tập cán bộ sẵn sàng cho các sự cố… Đặc biệt là định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy này (dự kiến, với tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỉ đồng, đến năm 2020 chương trình sẽ đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ - theo review.siu.edu.vn).

Có thể chứng minh cho người dân thấy, năng lượng hạt nhân vẫn là sự lựa chọn tối ưu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững, vừa giải quyết tích cực vấn đề môi trường. Vấn đề công nghệ và quản lý trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đã được cải tiến đến mức đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối. Nhà nước có trách nhiệm đối với an toàn của người dân. Người dân hoàn toàn có thể an tâm, tin tưởng và ủng hộ chủ trương đúng đắn của Nhà nước.
* Nguồn tham khảo: varans.vn; nangluongvietnam.vn; review.siu.edu.vn