Phát triển kế toán quản trị môi trường cho các doanh nghiệp Việt Nam


ảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phải thể hiện rõ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Để làm tốt yêu cầu này, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến kế toán quản trị môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều tồn tại, hạn chế ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết tham khảo kinh nghiệm áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường ở một số nước, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện kế toán quản trị môi trường đối với các doanh nghiệp.

Tổng quát về kế toán quản trị chi phí môi trường

Ủy ban Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNDSD) định nghĩa: “Kế toán quản trị môi trường là một sự hiểu biết tốt hơn và đúng đắn hơn về kế toán quản trị (KTQT). Mục đích tổng quát của sử dụng thông tin KTQT môi trường là cho các tính toán nội bộ của tổ chức và cho ra quyết định. Quá trình xử lý thông tin của KTQT môi trường phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các tính toán vật chất như nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ, dòng luân chuyển vật tư và lượng vật chất bị loại bỏ hoặc xả thải và các tính toán tài chính có tính tiền tệ đối với chi phí (cả phần bỏ thêm và tiết kiệm được) doanh thu và thu nhập có liên quan đến các hoạt động có khả năng ảnh hưởng và tác động tiềm tàng đến môi trường”.

KTQT môi trường mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp (DN), trong đó, phải kể đến những lợi ích cơ bản như sau:

- KTQT môi trường giúp DN nhận dạng đầy đủ, xác định chính xác và phân bổ đúng đắn các khoản chi phí môi trường, giúp cho việc định giá sản phẩm và xác định kết quả kinh doanh chính xác. Căn cứ vào đó, DN có thể đưa ra những quyết định phù hợp về chiến lược sản phẩm cũng như đầu tư thiết bị và công nghệ.

- Việc áp dụng KTQT môi trường sẽ giúp nâng cao uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. KTQT môi trường sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, giúp DN cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng…

- Áp dụng KTQT môi trường giúp giảm giá thành sản xuất. Nếu thực hiện tốt KTQT môi trường, DN sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản phẩm.

- Việc thực hiện tốt KTQT môi trường giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này sẽ giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.

- KTQT môi trường còn giúp cải tiến hệ thống hạch toán hiện có nhờ vào việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán khoa học và gắn kết được các luồng thông tin từ các bộ phận của DN.

- KTQT chi phí môi trường giúp kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải gắn với nguồn phát sinh.

Kinh nghiệm áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường ở một số nước

Tại Nhật Bản

KTQT môi trường được áp dụng trong các DN Nhật Bản từ năm 1999 và đã giúp cho các DN gặt hái được nhiều thành công trong quản lý chi phí, gia tăng lợi nhuận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hướng dẫn đo lường và báo cáo chi phí môi trường được thông qua bởi Ủy ban Môi trường vào tháng 3/1999 đã thu hút được sự chú ý của các DN Nhật Bản.

Tháng 9/1999, lễ ra mắt của Ủy ban Kế toán môi trường thuộc Bộ Công nghiệp và Thương nghiệp đã được thực hiện. Văn phòng của Ủy ban là Hiệp hội quản trị môi trường cho công nghiệp. Hiệp hội đã tiến hành dự án nghiên cứu trong 3 năm để phát triển công cụ KTQT môi trường cho phù hợp với các DN Nhật Bản. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, Chính phủ luôn quan tâm và ban hành nhiều văn bản về KTQT môi trường.

Việc nghiên cứu, triển khai áp dụng kế toán quản trị môi trường vào Việt Nam còn khá mới mẻ. Hầu hết DN chưa quan tâm nhiều đến kế toán quản trị môi trường, chưa bố trí cán bộ kế toán chuyên trách để tính toán các khoản chi phí, lợi ích môi trường và vẫn duy trì hệ thống kế toán truyền thống, chưa tích hợp các thông tin của kế toán quản trị môi trường vào hệ thống kế toán chung.

Năm 2000, Bộ Môi trường Nhật Bản công bố hướng dẫn kế toán môi trường nhằm mục đích khuyến khích các công ty Nhật Bản công bố thông tin kế toán môi trường cho công chúng một cách tự nguyện thông qua các báo cáo môi trường. Hướng dẫn này tuy đã chỉ ra chức năng quản trị của kế toán môi trường nhưng vẫn đặt trọng tâm hơn vào công bố các báo cáo môi trường ra bên ngoài. Bên cạnh hướng dẫn kế toán môi trường, năm 2001, Bộ Môi trường Nhật Bản còn công bố hướng dẫn Báo cáo môi trường tự nguyện áp dụng cho các DN.

Tại Nhật Bản, KTQT môi trường được áp dụng trong các DN không chỉ phục vụ cho mục đích kiểm soát chi phí, trợ giúp cho quyết định chiến lược về thiết kế và phát triển sản phẩm, lựa chọn dự án đầu tư dài hạn mà còn phục vụ cho việc lập báo cáo môi trường, bao gồm báo cáo môi trường thường niên bắt buộc theo quy định và báo cáo môi trường tự nguyện của DN.

Tại Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia quan tâm đến việc thực hiện KTQT môi trường ở cấp độ DN sớm nhất. Từ giữa những năm 1990, một số DN hàng đầu Hàn Quốc đã bắt đầu giới thiệu KTQT môi trường cũng như công bố các thông tin về môi trường trong các báo cáo thường niên. Trong những năm cuối thấp niên 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực phổ biến KTQT môi trường vào các ngành công nghiệp để thúc đẩy phát triển bền vững. KTQT môi trường ở Hàn Quốc được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở của hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có sự phối hợp của Bộ Môi trường, Ngân hàng quốc gia, Văn phòng Thống kê quốc gia, Viện Kế toán Hàn Quốc và các công ty hàng đầu Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể như: Ngân hàng quốc gia, Văn phòng Thống kê quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTQT môi trường ở phạm vi quốc gia. Bộ Môi trường, Viện Kế toán Hàn Quốc, các công ty hàng đầu Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới đóng vai trò quan trọng trong phát triển kế toán môi trường ở phạm vi DN, bao gồm cả kế toán tài chính môi trường và KTQT môi trường. Theo kinh nghiệm của các công ty Hàn Quốc, áp dụng KTQT môi trường tập trung vào đo lường chi phí hoạt động môi trường, cụ thể là những chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, phân bổ chi phí môi trường trên cơ sở hoạt động, đo lường và đánh giá lợi ích môi trường. Thông tin về môi trường của các công ty Hàn Quốc được trình bày trong Báo cáo môi trường hàng năm.

Tại Đức

Đức là quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất trên thế giới, những đất nước này cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra. Chính những tác động tiêu cực về môi trường để thúc đẩy Chính phủ Đức ban hành các chính sách pháp luật. KTQT môi trường ở Đức được tiến hành dựa trên sự cân bằng sinh thái nên các số liệu vật chất được sử dụng nhiều. Các DN áp dụng kế toán môi trường giúp đưa ra quyết định thay đổi về kỹ thuật, hệ thống tổ chức quản lý, chiến lược sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường… Kinh nghiệm của các DN ở Đức cho thấy, việc áp dụng kế toán môi trường chủ yếu tập trung vào hạch toán dòng vật liệu, phân tích Bảng đầu vào - đầu ra, xác định lượng nguyên liệu, năng lượng, nước sử dụng hàng năm, xác định lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn hàng năm.

Thực trạng áp dụng kế toán quản trị môi trường ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Luật Môi trường được ban hành lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC… Tuy nhiên, theo khảo sát hiện nay Việt Nam chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc áp dụng KTQT môi trường trong DN. Các chế độ kế toán hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi chi phí sản xuất kinh doanh, chưa có các tài khoản cần thiết để hạch toán các khoản chi phí môi trường... Bên cạnh đó, chưa có nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước khuyến khích các DN, tổ chức nghiên cứu và áp dụng KTQT môi trường.

Việc nghiên cứu, triển khai áp dụng KTQT môi trường vào Việt Nam còn khá mới mẻ. Số lượng công trình nghiên cứu về vấn đề KTQT môi trường chưa nhiều. Hầu hết DN chưa quan tâm nhiều đến KTQT môi trường, chưa bố trí cán bộ kế toán chuyên trách để tính toán các khoản chi phí, lợi ích môi trường và vẫn duy trì hệ thống kế toán truyền thống, chưa tích hợp các thông tin của KTQT môi trường vào hệ thống kế toán chung.

Phần lớn DN hiện nay thường không tổ chức theo dõi riêng nội dung chi phí môi trường. Đa số các DN cho rằng, không nhất thiết phải tách chi phí môi trường ra khỏi chi phí sản xuất kinh doanh, vì những chi phí đó là để phục vụ cho chính hoạt động sản xuất và quản lý của DN. Vì vậy, các chi phí môi trường thực tế phát sinh thường được phân loại vào một trong các khoản mục chi phí như chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý DN...

Trong khi đó, một số DN dù đã quan tâm đến vấn đề KTQT môi trường nhưng còn gặp khó khăn trong việc áp dụng bởi những hạn chế về cách thức áp dụng, thiếu nhân lực và khoa học công nghệ… Một trong những hạn chế của các DN áp dụng KTQT môi trường hiện nay là chưa tiến hành xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường.

Giải pháp phát triển kế toán quản trị môi trường cho các doanh nghiệp Việt Nam

Để phát triển KTQT môi trường trong các DN Việt Nam, một số vấn đề cần được lưu ý trong quá trình thực hiện gồm:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn đến áp dụng KTQT môi trường trong các DN; Nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn cách thức áp dụng KTQT chi phí môi trường; Có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN nghiên cứu các vấn đề về KTQT môi trường và khuyến khích các DN áp dụng KTQT môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nên nghiên cứu, xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn về KTQT môi trường và nhấn mạnh đây là công cụ hữu hiệu quản lý hoạt động môi trường của DN.

Thứ hai, các DN cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KTQT môi trường, chú trọng nghiên cứu và áp dụng KTQT môi trường, coi KTQT môi trường là một bộ phận của hệ thống kế toán DN.
Thứ ba, phát huy sức mạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, vận dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào việc áp dụng KTQT môi trường để KTQT môi trường đạt được hiệu quả cao.

Thứ tư, hoàn thiện xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Hệ thống báo cáo quản trị môi trường sẽ cung cấp các thông tin về chi phí môi trường cho các nhà quản lý DN. Tuy nhiên, để phục vụ cho quá trình phân tích thông tin chi phí môi trường, các nhà quản lý phải căn cứ vào hệ thống các chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Vì vậy, các DN, các nhà nghiên cứu chính sách cần hoàn thiện xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường.

Thứ năm, nghiên cứu kinh nghiệm vận dụng KTQT môi trường của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc áp dụng KTQT môi trường cho các DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Huỳnh Thị Thanh Thúy (2018), Vận dụng kế toán môi trường tại các DN Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tài chính;
2. Hà Thị Thúy Vân (2017), KTQT môi trường tại các DN Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Công thương;
3. Nguyễn Thị Nga (2017), KTQT chi phí môi trường trong các DN sản xuất thép tại Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, Đại học Kinh tế quốc dân;
4. Đỗ Thị Lan Anh (2016), KTQT môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính.