Phát triển khối tư nhân để "đột phá" tái cơ cấu kinh tế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Các ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu đang diễn ra tại Ninh Bình mong mỏi sự đột phá trong tái cơ cấu nền kinh tế và hướng tới sự phát triển của khối kinh tế tư nhân.

 Phát triển khối tư nhân để "đột phá" tái cơ cấu kinh tế
Sự đột phá trong tái cơ cấu nền kinh tế được hướng tới sự phát triển của khối kinh tế tư nhân. Nguồn: internet

Tái cơ cấu nền kinh tế được Nhà nước đặt ra từ năm 2011, nhưng để tạo ra “chuyển biến mạnh mẽ” (cách dùng từ của Ủy ban Kinh tế) hay “đột phá” (theo cách của các chuyên gia kinh tế) cho nền kinh tế thì chưa có. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn.

Những giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế đang được thực hiện, đã giúp nền kinh tế đất nước dần đi lên, sau khi chạm “đáy” vào năm ngoái, theo cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn; lạm phát thấp, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và 6 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm trước (QI tăng 5,09%; QII: 5,25%; 6 tháng 2012: 4,93%, 6 tháng 2013:4,9%). Cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng, giá trị VND được bảo đảm. Thu ngân sách tốt hơn so với 2013.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm bày tỏ mừng là không khí thực hiện tái cơ cấu có chuyển biến tốt hơn, có kết quả bước đầu, các địa phương, các ngành tiếp tục bổ sung cụ thể hơn đề án tái cơ cấu của ngành, địa phương mình.

“Nhưng kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ chưa có, các giải pháp chỉ đang giải quyết những vấn đề bức xúc thôi”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định và cho rằng nền kinh tế chưa thể tiếp cận, hội nhập với thế giới. Còn ông Trương Đình Tuyển nói mức tăng GDP vẫn thấp hơn 6 tháng đầu năm các năm 2010, 2011 và thấp hơn tiềm năng và tiến trình này vẫn đang rất vất vả.

Ông Cao Sỹ Kiêm chỉ ra trong tái cơ cấu đầu tư công thì 3 năm qua Chính phủ mới đề ra chính sách, giải pháp chặn nợ công (giãn, hoãn, dừng, rà soát lại) còn tạo nền tảng cho đầu tư công có bài bản, hệ thống hơn thì chưa rõ. Hệ thống ngân hàng vừa qua cứu được đổ vỡ nhưng các ngân hàng cổ phần quốc doanh chưa được nâng cấp về giá trị pháp lý, môi trường tổ chức và công nghệ quản trị. Sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa mang lại kết quả cao như mong đợi.

Trong nhận định chung trên về nền kinh tế và các biện pháp tái cơ cấu thì ông Trương Đình Tuyển bày tỏ quan ngại khu vực doanh nghiệp trong nước đang yếu đi hay với ông Cao Sỹ Kiêm là khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có được hỗ trợ để tham gia vào tiến trình tái cơ cấu kinh tế.

Ông Trương Đình Tuyển đưa ra những con số: Đến tháng 8/2014, khu vực FDI hiện chiếm 67,3% kim ngạch xuất khẩu, khu vực trong nước chỉ còn 32,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp của FDI đã đạt xấp xỉ 70%. FDI cũng đang xâm lấn hệ thống phân phối của Việt Nam. “Tình hình này là tốt hay xấu? Cần trả lời nghiêm túc vì gắn liền với quan điểm tăng trưởng kinh tế, phải gắn liền với tích lũy nội lực, tăng cường sức mạnh quốc gia và gia tăng sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước”, ông Tuyển đặt vấn đề.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước đang có sự lệch lạc, số lượng doanh nghiệp thành lập tăng nhưng lao động lại không tăng và tài sản ngày càng nhỏ đi.

Bà Hằng đề nghị: “Tái cấu trúc ngân hàng phải có định hướng phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, trong khi điều này chưa thực hiện được. Ví dụ các sản phẩm của ngân hàng không phù hợp với đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Để tạo nhiều cơ hội hơn cho khối tư nhân, ông Đinh Tuấn Minh (Viện Kinh tế Việt Nam) đề nghị phải đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu.

Đối với từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; đẩy nhanh thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn Nhà nước đã đầu tư vào các ngành không phải kinh doanh chính.