Phát triển kinh tế xã hội: mục tiêu tổng quát cho năm 2015

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 đang được Chính phủ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới, trong đó vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu là lựa chọn mục tiêu tổng quát cho năm 2015.

Phát triển kinh tế xã hội: mục tiêu tổng quát cho năm 2015
Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 đang được Chính phủ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới. Nguồn: internet
Hiện nay có hai sự lựa chọn, mà ở đó các mục tiêu cụ thể được thay đổi thứ  tự ưu tiên. Lựa chọn thứ nhất là của Chính phủ với mục tiêu tổng quát, coi việc ổn định kinh tế vĩ mô có tầm quan trọng hàng đầu; tiếp đến là kiềm chế lạm phát, sau đó mới đến việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014.
 
Theo quan điểm của Chính phủ, về cơ bản các chỉ tiêu dự kiến là đồng nhất với mục tiêu tổng quát đã đề ra. Theo đó, tăng trưởng kinh tế tính bình quân 5 năm chỉ đạt khoảng 5,78%/năm, thấp xa so với kế hoạch 5 năm (6,5-7%/năm); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP tiếp tục thấp hơn năm 2014; CPI tăng thấp hơn Nghị quyết 5 năm của Quốc hội (5-7%)/năm).

Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu của kinh tế vĩ mô lại mất cân đối hơn so với năm trước. Theo đó, xuất khẩu chỉ tăng 10%, thấp xa so với tốc độ tăng theo ước tính của năm 2014 (14%), nên kim ngạch tuyệt đối sẽ đạt trên 165 tỷ USD; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu lên đến 5%- tính ra mức nhập siêu tuyệt đối lên đến gần 8,3 tỷ USD, hay nhập khẩu lên đến trên 173 tỷ USD, tăng tới hơn 18% so với ước năm 2014; nợ công/GDP theo dự kiến lên đến 64% GDP, cao hơn tỷ lệ ước thực hiện năm 2014, gần bằng với mức khống chế của Quốc hội. Bội chi ngân sách/GDP năm 2011 là 4,9%, năm 2012 là 4,8%, năm 2013 là 5,3%, năm 2014 cố gắng cũng phải trên 5%- bình quân 2011-2014 khoảng 5%; nếu dự kiến chỉ tiêu 2015 cũng 5% thì tính chung vẫn cao hơn so với mục tiêu 5 năm 2011-2015 là dưới 4,5%.
 
Lựa chọn thứ hai của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội- cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo kinh tế- xã hội của Chính phủ- đề nghị trong thời gian tới không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, mà xem đây là công việc thường xuyên của Chính phủ. Thay vào đó, nên tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi. 
 
Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, một số chỉ tiêu dự kiến của Chính phủ cần được cân nhắc thêm để đảm bảo tính khả thi.
 
Với chỉ tiêu tăng trưởng GDP, một số ý kiến cho là khó thực hiện. Bởi trên thực tế, năm 2011 GDP tăng 5,89%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34,6% GDP; năm 2012 các con số tương ứng là 5,25% và 30,5%; năm 2013 là 31,2. Dự kiến 2015 tăng 6,2%, nhưng tổng đầu tư toàn xã hội/GDP chỉ dự kiến 27,7%- trong khi theo tính toán của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phải đạt khoảng 32%.
 
Với dự kiến chỉ tiêu nhập siêu/xuất khẩu là 5%, tính ra mức tuyệt đối khoảng 8 tỷ USD- cũng được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho là chưa thuyết phục. Vì theo báo cáo của Chính phủ, cán cân thương mại thặng dư 4 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 8 tỷ USD. Thực tế 3 năm qua Việt Nam đã xuất siêu, riêng năm 2014 là khá lớn, trong khi đó các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2015 chưa có xu hướng cải thiện nhiều so với năm 2014.
 
Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Uỷ ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị nên theo Nghị quyết 5 năm của Quốc hội (khoảng 5-7%).
 
Với chỉ tiêu bội chi NSNN, theo dự kiến của Chính phủ là 5% GDP nhưng theo tính toán của cơ quan thẩm tra, nếu cộng với 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ thì mức bội chi lên đến 7%, trong khi Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu chính phủ).

Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội còn tỏ ra lo ngại khi 9 tháng có 52525 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51244 và tạm dừng hoạt động là 18873 doanh nghiệp. Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai, số nợ thuế khó đòi tăng 7,3% so với cuối năm 2013. Một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, mặc dù đã cầm cự trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại. Dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra, nợ xấu có xu hướng gia tăng chủ yếu do tín dụng thấp và quá trình hạch toán lại các khoản nợ theo chuẩn mực mới tăng lên, trong khi tiến độ giải quyết nợ xấu của Công ty VAMC còn chậm.
 
Như vậy, việc lựa chọn mục tiêu tổng quát cho năm 2015 không hề dễ dàng, bởi đây là năm bản lề của chiến lược 10 năm, là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2016-2015, chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Năm 2015 không chỉ phải tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập còn lại của những năm qua (nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát), mà còn phải chuẩn bị các điều kiện để phục hồi tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020.

Hơn nữa, để phục hồi vững chắc thì phải ổn định, vì đây là cơ sở và tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn giúp cho tăng trưởng phục hồi là rất cần thiết để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn nhất là khi tăng trưởng kinh tế thực hiện 5 năm 2011-2015 thấp xa so với kế hoạch. Do vậy, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần quan tâm đến ý kiến của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội- cơ quan thẩm định trước khi trình Quốc hội.