Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Sơn

Đây là nội dung chính của Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức ngày 21/8/2015 tại TP. Cần Thơ.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Đề xuất nhiều giải pháp

Hội thảo lần này là hoạt động có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn nhằm tổng kết đánh giá những kết quả đã đạt được trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015 của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung; là cơ hội để tổng hợp những đề xuất, kiến nghị đóng góp vào các văn kiện chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11.

Với mục đích tập hợp các ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của các doanh nghiệp nhằm, Hội thảo sẽ tiến hành đánh giá, trao đổi, thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, của khu vực Đồng bằng Sông cửu long và cả nước. Hội thảo cũng hướng tới những giải pháp xây dựng định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của khu vực trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Vũ Văn Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - đến tham dự và chỉ đạo. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Sông cửu long (Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu) cùng với gần 170 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nêu rõ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của khu vực: “Xây dựng, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; là địa bàn, cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội là mục tiêu phát triển của khu vực trong thời gian tới”.

Tại Hội thảo, đã có các báo cáo tham luận, các ý kiến thảo luận trong đó tập trung vào các nội dung: (1) Định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (2) Thực trạng hoạt động sản xuất, thu mua, và xuất khẩu nông thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 và định hướng phát triển trong thời gian tới; và (3) Thực trạng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 và định hướng giải pháp trong thời gian tới.

Qua đó, một số giải pháp đã được nêu tại Hội thảo như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế về quản lý và điều hành (chính sách đất đai, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn). Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không; ưu tiên vốn đầu tư các công trình trọng điểm, huyết mạch liên vùng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm và giữa vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh, thành khác trong vùng và các vùng khác trong cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đầu tư phát triển các cơ sở khoa học trong vùng, đặc biệt ưu tiên cho cơ sở nghiên cứu về nông, lâm ngư nghiệp và công nghệ sinh học...

Trong những năm qua, bên cạnh vai trò là một định chế tài chính thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, BIDV còn là một nhà tư vấn, là đơn vị kết nối đầu tư, là ngân hàng cung cấp tín dụng cũng như cung cấp nhiều chương trình an sinh xã hội trên cả nước. BIDV luôn xác định là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển, là ngân hàng luôn quan tâm kiến tạo động lực mới, đối mới ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển nhanh, mạnh trong thời gian sắp tới.

Cam kết 160 nghìn tỷ đồng vào năm 2020

Tính đến tháng 7/2015, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, BIDV có 28 Chi nhánh, 89 Phòng giao dịch, 141 máy ATM, 457 máy POS với 245,8 nghìn thẻ được phát hành, qua đó đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu về các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong thời gian qua.

Chia sẻ tại Hội thảo, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, BIDV cam kết tăng tổng dư nợ tín dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30-35 nghìn tỷ đồng hiện nay lên 115 nghìn tỷ vào năm 2018 (tăng 3,2 lần so với năm 2015) và 160 nghìn tỷ vào năm 2020 (tăng 4,6 lần) chiếm 16,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với các dự án trọng điểm của vùng, BIDV cam kết dành 10-15 nghìn tỷ để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo; dành 12-15 nghìn tỷ cho triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển huyện đảo Phú Quốc.

Cũng tại Hội thảo, BIDV đưa ra các nhóm giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể:

Một là, tiếp tục cung cấp vốn tín dụng và các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, với các sản phẩm đa dạng cùng mức lãi suất phù hợp, đặt biệt ưu đãi đối với các lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, nhằm thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án quan trọng trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai là, tư vấn độc lập về định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương nói riêng và toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó BIDV đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp nói riêng; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; và tư vấn, triển khai các chương trình đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp, trong đó BIDV cam kết sẽ hỗ trợ tích cực cho các địa phương trong vùng triển khai công tác xúc tiến đầu tư cũng như kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bốn là, triển khai công tác an sinh xã hội, trong đó tập trung cho lĩnh vực y tế và giáo dục, nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc hoàn thành dứt điểm các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Chính phủ, tiến tới xóa bỏ hẳn tình trạng trắng điểm trường, trắng điểm y tế tại các địa phương đặc biệt khó khăn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội thảo, BIDV đã tiến hành ký Thoả thuận với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ giao thông nghiên cứu hình thức đầu tư công tư để triển khai dự án kênh quan Chánh bố; ký Thoả thuận nguyên tắc tài trợ dự án BOT quốc lộ 1 tại Sóc trăng, Bạc liêu; ký kết các Thoả thuận nguyên tắc về tài trợ vốn lưu động trong lĩnh vực thủy sản cho Nhóm Công ty TNHH Nam Hải - Thanh Thế - Cổ Chiên; tài trợ vốn lưu động kinh doanh lương thực và phương án cánh đồng lớn với quy mô 3.000ha cho Công ty TNHH Trung An; tài trợ vốn trong lĩnh vực y tế cho Công ty TNHH Bệnh viên Đa khoa Thanh Vũ Medic... Tổng giá trị các Thoả thuận hợp tác được ký kết với trị giá là 2.509 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của khu vực, BIDV đã cam kết dành 10 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại cho chương trình hỗ trợ kỹ thuật khai thác các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thuỷ hải sản để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, môi trường khép kín từ nuôi trồng- chế biến- xuất khẩu, đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững cho người dân...