Phát triển mô hình khu đô thị - công nghiệp - cảng tại TP. Hồ Chí Minh và đề xuất chính sách

ThS. Tề Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận

Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương cũng như phục vụ cho dịch vụ hậu cần cảng biển và ngành dịch vụ logistics. Bài viết trao đổi về xu hướng phát triển mô hình khu công nghiệp - cảng biển hiện nay, thực tiễn từ Khu đô thị cảng Hiệp Phước và đưa ra một số đề xuất về cơ chế chính sách cho việc phát triển hoàn thiện Khu đô thị cảng Hiệp Phước theo đúng định hướng của Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển không gian đô thị, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Thành phố phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Nguồn: Internet
Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Nguồn: Internet

Xu hướng phát triển khu công nghiệp - cảng biển hiện nay

Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, mà còn là một trong những yếu tố phục vụ rất tốt cho dịch vụ hậu cần cảng biển và ngành Dịch vụ logistics. Đây là 2 yếu tố hỗ trợ nhau và tạo nên thế mạnh cho những vùng, địa phương có thế mạnh về cảng biển. Ở Việt Nam, xu hướng KCN gắn với cảng biển phát triển ngày càng nở rộ và phát huy hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, KCN là một loại hình kinh tế đặc biệt, có tính đặc thù là sử dụng nhiều đất đai, thời gian tồn tại lâu dài, có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội và đặc biệt là môi trường. Quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng, phát triển các KCN phải đảm bảo nguyên tắc tối ưu là phải ở gần sân bay, bến cảng, các trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các dịch vụ phục vụ  trực tiếp cho sản xuất... Trong các yếu tố này, vị trí của cảng biển là quan trọng nhất nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, địa điểm xây dựng các KCN phải được hình thành trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội của các vùng, địa phương, lãnh thổ, gắn mục đích phát triển kinh tế của địa phương với chuỗi liên kết kinh tế trong nước và đặt trong mối quan hệ với thương mại thế giới. Việc quy hoạch phải đảm bảo quy hoạch vùng, ngành gắn với an ninh, quốc phòng, nhằm phát huy tốt lợi thế so sánh và phù hợp với cơ cấu nguồn lao động; Sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực, bảo vệ môi trường, đồng thời lấy các KCN làm hạt nhân để hình thành các khu đô thị mới...

Ngoài ra, xu hướng chung cũng cho thấy, cần hướng đến sự phát triển bền vững của mô hình đô thị - công nghiệp - cảng trên nền tảng hợp tác chặt chẽ. Sự lớn mạnh của nền kinh tế công nghiệp, cảng, lưu thông hàng hóa sẽ gắn liền với sự phát triển về cả quy mô cũng như tính chất, chức năng của đô thị. Hiện tại, các đại đô thị trên thế giới đều phát triển gắn với cảng biển như: Thành phố cảng Singapore (Singapore), Thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản), Thành phố cảng Busan (Hàn Quốc), Thành phố cảng Bacelona (Tây Ban Nha), Thành phố cảng Seattle (Mỹ), Thành phố cảng Amsterdam (Hà Lan), Thành phố cảng Hamburg (Đức), Thành phố cảng London (Anh Quốc)...

Mô hình khu Công nghiệp - Đô thị - Cảng Hiệp Phước được phát triển dựa trên nền tảng quy hoạch Nhóm cảng biển số 5, trong đó cảng Hiệp Phước là khu bến chính của hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu phục vụ hàng tổng hợp container cho tàu 50.000 DWT và một số bến chuyên dùng cho tàu 20.000-30.000 DWT phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp liền kề.
Các cảng từ trước đến nay đều hình thành như là một phần không thể tách rời của đô thị và cũng từng là trung tâm của đô thị trong những ngày đầu mới thành lập. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của đô thị và cảng, các chức năng cảng cũng như các chức năng đô thị được mở rộng, kéo theo hậu quả là đô thị và cảng bị chia cắt rõ rệt. Do đó, việc liên kết đô thị và KCN, khu cảng là vấn đề cần giải quyết của nhiều nước trên thế giới.

Thực tiễn từ Mô hình khu Công nghiệp - Đô thị - Cảng Hiệp Phước

Từ những năm 1989, với định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh về hướng Nam theo chủ trương của Trung ương và Thành phố, Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) được thành lập trong bối cảnh đổi mới của đất nước. Là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện chủ trương thu hút các nguồn lực kinh tế, đặc biệt từ đầu tư nước ngoài, IPC đã nỗ lực triển khai hàng loạt dự án đầu tư mang tính động lực nhằm biến đổi vùng đất hiệu quả kinh tế thấp của Nhà Bè ngày trước thành khu vực có giá trị sử dụng gia tăng cao, cụ thể như: Dự án Khu Chế xuất Tân Thuận (1991), Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng (1993), KCN Hiệp Phước (2007)…

Trong thời gian tới, IPC xác định nhiệm vụ chiến lược là tiếp tục tạo đòn bẩy đầu tư và triển khai hoạt động tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, bao gồm cả phát triển hạ tầng KCN, khu chế xuất, khu cảng và khu đô thị. Không chỉ dừng ở đó, IPC còn đặt ra những mục tiêu phát triển về chiều sâu, tạo ra giá trị mới, thông qua việc cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, có giá trị gia tăng cao cho KCN, khu chế xuất và khu đô thị nhằm hướng đến hình thành một khu vực phát triển mạnh, đồng bộ và bền vững tích hợp các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là tiền đề để IPC tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đầu tư phát triển mô hình Khu Đô thị - Công nghiệp – Cảng Hiệp Phước.

Phát triển mô hình khu đô thị - công nghiệp - cảng tại TP. Hồ Chí Minh và đề xuất chính sách - Ảnh 1

Mô hình KCN - Đô thị - Cảng Hiệp Phước được phát triển dựa trên nền tảng quy hoạch Nhóm cảng biển số 5, trong đó cảng Hiệp Phước là khu bến chính của hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu phục vụ hàng tổng hợp container cho tàu 50.000 DWT và một số bến chuyên dùng cho tàu 20.000-30.000 DWT phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp liền kề. Cảng Hiệp Phước có quy mô 384,71 ha, là 1 trong 2 khu cảng giữ vai trò quan trọng, thay thế cho hệ thống cảng trên sông Sài Gòn hiện nay, mở rộng quy mô, nâng cao khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh.

Đây cũng là đầu mối trung chuyển vùng, kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với đường biển quốc tế. Khu cảng được kết nối thẳng ra biển bằng tuyến luồng Soài Rạp có chiều dài khoảng 60km, đảm bảo độ sâu đến -9,5m cho tàu tải trọng 50.000 DWT có thể lưu thông và trong tương lai sẽ được nạo vét đến -11m cho tàu 70.000 DWT lưu thông.

Đóng vai trò là khu vực cung cấp, tiếp nhận hàng hóa và hậu cần cho khu cảng Hiệp Phước, KCN Hiệp Phước có quy mô khoảng 1.300 ha là cấu phần không thể tách rời với hệ thống cảng, hiện đang được triển khai xây dựng với 3 giai đoạn chính:

- KCN Hiệp Phước giai đoạn 1 (311,4 ha): Là khu vực phát triển đầu tiên phục vụ chính sách bố trí di dời các DN sản xuất ra khỏi khu dân cư theo nhiệm vụ được UBND Thành phố giao, hoạt động trong các ngành công nghiệp gắn liền với vận tải thủy (kho, cảng), công nghiệp dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp và công nghiệp phụ trợ; Các loại hình công nghiệp đòi hỏi quy trình xử lý phức tạp và không được bố trí trong các khu đô thị.

- KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 (597 ha): Là KCN có nhu cầu sử dụng diện tích lớn, thu hút các ngành nghề sản xuất sạch, công nghệ cao theo định hướng của thành phố nhằm chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp - dịch vụ.

- KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (392,99 ha): Được quy hoạch với vai trò hình thành một khu Logistic hiện đại nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ Cảng và các ngành công nghiệp sử dụng kỹ thuật tiên tiến có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường có liên quan đến hàng hải, gắn liền với cảng, vận tải thủy.

Khu Đô thị Hiệp Phước với quy mô 1.354 ha trong tổng thể Khu Đô thị Cảng Hiệp Phước là cấu phần hoàn chỉnh cho kế hoạch phát triển tổng thể khu đô thị - công nghiệp - cảng Hiệp Phước. Khu đô thị có quy mô dân số 180.000 người, và được chia làm 5 khu vực: Khu vực 1 - khu vực nhà ở tập trung cho công nhân và các khu làng đại học; Khu vực 2 - khu vực tập trung nhà trung tầng, bệnh viện; Khu vực 3 - khu vực trung tâm trung tâm mua sắm, tiện ích, cơ quan nhà nước; Khu vực 4 - khu vực nhà tập trung quy mô lớn; Khu vực 5 - khu vực cửa ngõ.

Việc quy hoạch và tổ chức đầu tư phát triển dự án Khu Đô thị Hiệp Phước không những tạo thêm quỹ nhà ở, các công trình dân sinh thiết yếu, tạo ra không gian sống tốt nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển lao động cho các KCN, dịch vụ Cảng tại khu vực Hiệp Phước và lân cận mà còn phục vụ cho nhu cầu giãn dân nội thành, chỉnh trang đô thị theo đúng Nghị quyết của Thành ủy và chỉ đạo của UBND Thành phố. Khu đô thị Hiệp Phước cũng sẽ sử dụng các công nghệ mới trong việc quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, năng lượng, nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu cần thiết để có thể phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp...

Bên cạnh đó, để hỗ trợ sự phát triển gắn kết của mô hình công nghiệp - đô thị - cảng, các dự án hạ tầng kết nối cũng được quy hoạch đồng bộ với những tuyến giao thông như sau:

- Đường bộ: Tuyến đường trục Bắc-Nam từ Cầu Ông Lãnh đến Khu đô thị Hiệp Phước với chiều dài toàn tuyến là 13,8 km có chức năng nối mạng vận tải giữa 3 đường vành đai đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đường cao tốc Long Thành Dầu Dây đi các tỉnh phía Đông, phía Bắc và sân bay quốc tế Long Thành nhằm thiết lập và đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn khu vực Hiệp Phước. Trong tương lai, tuyến đường sẽ được nâng cấp và mở rộng, hình thành nên mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh và thông suốt.

- Đường thủy: Tuyến luồng Soài Rạp dài 54 km đã được nghiên cứu lập dự án khả thi cải tạo và nâng cấp nạo vét đến -9.5m cho phép tàu có trọng tải lớn vào cụm cảng TP. Hồ Chí Minh và KCN Hiệp Phước. Hiện nay, tuyến đường thủy nội địa từ Khu Đô thị Cảng Hiệp Phước theo sông Soài Rạp có thể kết nối theo hai hướng: Đồng bằng sông Cửu Long thông qua sông Vàm Cỏ; Khu vực phía trung tâm TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai thông qua sông Sài Gòn - Đồng Nai. Việc nạo vét luồng Soài Rạp đạt độ sâu -11.5m trong tương lai sẽ cho phép các tàu trọng tải lớn ra vào các cảng tại Hiệp Phước cũng như đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua của cụm Cảng TP. Hồ Chí Minh, đồng thời mở ra các tiềm năng về phát triển các cụm Cảng biển lớn dọc hai bên bờ sông Soài Rạp.

- Đường sắt vận tải hàng hóa: Căn cứ Quy hoạch giao thông, tuyến đường sắt hàng hóa sẽ đi dọc theo tuyến vành đai 4 vào KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 phục vụ vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Khu Cảng Hiệp Phước trong tương lai.

Như vậy, mô hình phát triển đã được định hướng rõ ràng là khu cảng hiện đại, mang tầm vóc khu vực và quốc tế, gắn với trung tâm công nghiệp- logistic cung cấp hàng hóa dịch vụ, tài chính - thương mại, dịch vụ tiên tiến, hiện đại khu vực phía Nam TP. Hồ Chí Minh. Các phần thành của mô hình thể hiện rõ tính gắn kết, phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng, kết nối với toàn Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP. Hồ Chí Minh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, cho TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dù TP. Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù, nên có thể mang lại thuận lợi, giúp đẩy nhanh việc hình thành khu công nghiệp - đô thị - cảng Hiệp Phước, tuy nhiên nguồn vốn để thực hiện cụm dự án tại Hiệp Phước và các công trình giao thông kết nối liên quan là rất lớn. Các dự án này có tính chất đầu tư dài hạn, thu hồi vốn lâu so với các dự án thông thường. Do vậy, việc lựa chọn đối tác chiến lược là một thách thức không nhỏ đối với IPC. Đối tác phải đảm bảo về năng lực tài chính, chuyên môn và có sự đồng thuận với IPC trong việc phát triển dự án theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố.

Phát triển mô hình khu đô thị - công nghiệp - cảng tại TP. Hồ Chí Minh và đề xuất chính sách - Ảnh 2

Đề xuất chính sách

Nhằm mục tiêu thúc đẩy việc hình thành và phát triển của KCN - Đô thị - Cảng Hiệp Phước mà IPC đóng vai trò chủ đầu tư, đồng thời góp phần phát triển của các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 tầm nhìn 2030, tác giả đề xuất một số vấn đề sau:

- Về công tác lập quy hoạch chuẩn bị đầu tư Khu đô thị Hiệp Phước: Để sớm có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất của dự án, tạo điều kiện mời gọi hợp tác đầu tư, các cơ quan quản lý cần chấp thuận chủ trương cho phép IPC nghiên cứu Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị Hiệp Phước với các chỉ tiêu sử dụng đất được làm rõ, đủ cơ sở để các cơ quan chức năng xác định giá trị quyền sử dụng đất của dự án. Tính toán tiền sử dụng đất dựa trên nguyên tắc tại thời điểm Tổ hợp Đầu tư bỏ tiền đầu tư các dự án BT và/hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tránh hiện tượng tăng giá trị sử dụng đất phải nộp do Tổ hợp Đầu tư đã đầu tư vào hạ tầng kết nối.

- Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: Khu Đô thị - Công nghiệp - Cảng Hiệp Phước có tổng diện tích 3.600 ha gồm toàn bộ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè hiện nay, do đó diện tích đất thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và đời sống của người dân, dễ dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề tranh chấp về cơ sở pháp lý lẫn chi phí bồi thường. Thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư trong kiểm soát dòng tiền, là yếu tố rủi ro lớn nhất của dự án. Do vậy, UBND huyện Nhà Bè, Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ IPC quản lý chặt hiện trạng không để phát sinh các công trình xây dựng trong phạm vi ranh giới quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước, hạn chế những thông tin không chính thống, để giảm thiểu hiện tượng đầu cơ đất tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Nhà Bè và TP. Hồ Chí Minh cần chuẩn bị bổ sung nguồn lực hỗ trợ để đảm bảo tiến độ bồi thường, đồng thuận cơ chế áp dụng nhiều phương thức bồi thường giải phóng mặt bằng (theo thỏa thuận, theo phương án, bồi thường bằng tỷ lệ quỹ đất thành phẩm…) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng của dự án.

- Về các dự án hạ tầng kết nối khác đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước: Các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần có kế hoạch triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng kết nối khác đến Khu đô thị cảng (tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, Nạo vét luồng Soài Rạp, nâng cấp các tuyến giao thông thủy nội địa...) với tiến độ đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng để hỗ trợ gia tăng giá trị dự án tạo nguồn thu hoàn vốn cho dự án BT, tuy nhiên tránh việc đầu tư quá sớm khi chưa có nhu cầu sử dụng làm gia tăng giá đất gây khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

- Về thời điểm xác định giá đất: Cần có các cơ chế sớm xác định giá đất tại thời điểm tương ứng nhà đầu tư bỏ chi phí đầu tư các dự án hạ tầng BT để có thể kiểm soát phương án dòng tiền và quản lý tốt rủi ro, đảm bảo tính khả thi của dự án. Tiền sử dụng đất các dự án thứ cấp phải nộp sẽ ưu tiên bù trừ chi phí bồi thương giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng giao thông kết nối.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Quyết định số 1780/QĐ/TTg ngày 12/10/2011 Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCX - KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

2. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

3. UBND. TP. Hồ Chí Minh, Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

4. Ban quản lý các KCX – công nghiệp Thành phố, Báo cáo tổng kết 25 thu hút đầu tu tại các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh, năm 2017.