Phát triển sản phẩm và thị trường: Nhìn từ trường hợp Công ty Tâm Châu


Công ty Tâm Châu, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, đóng trên địa bàn Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, được thành lập từ năm 1998, chủ yếu là sản xuất, chế biến trà và cà phê, với doanh thu hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, những năm gần đây, Công ty phải đối mặt với vấn đề sản xuất kinh doanh ngày càng sụt giảm. Để tồn tại, phát triển và cạnh tranh được với những công ty sản xuất chè trên thị trường khác, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm và thị trường của Công ty Tâm Châu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường, sản phẩm của Công ty này thời gian tới...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển sản phẩm và thị trường của Công ty Tâm Châu

Sản phẩm chính của Công ty Tâm Châu là trà. Vì vậy, trà là nguồn doanh thu chính. Năm 2014, doanh thu của Công ty từ trà chiếm 70% tổng doanh thu, năm 2015 doanh thu chiếm 60% và năm 2016 doanh thu chiếm 80%.

Điều kiện thuận lợi

- Nền kinh tế hiện nay đang dần phục hồi và phát triển, thu nhập bình quân trên đầu người cũng được tăng lên, do đó, nhu cầu con người ngày càng được nâng cao, đây là cơ hội để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trà.

- Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất và chế biến nông sản.

- Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu vào thế giới là điều kiện thuận lợi để cho thị trường xuất khẩu hàng hóa của Công ty ra nước ngoài.

Khó khăn

- Trình độ lao động của Công ty hiện nay chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

- Ngành chè cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

- Nguồn nguyên liệu đầu vào dần bị thu hẹp bởi nhiều cây nông sản khác.

- Sản phẩm phải chịu nhiều áp lực về các tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế như VietGAP, GlobleGAP, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật… làm cho Công ty khó đạt được mục tiêu.

Sản phẩm và chất lượng sản phẩm

Hiện nay, Công ty Tâm Châu sản xuất nhiều loại trà từ công đoạn trồng đến công đoạn thành phẩm và được chia thành các nhóm sản phẩm với chất lượng sản phẩm trà Tâm Châu được đánh giá dựa vào quy trình kiểm tra với các tiêu chí như: Mùi hương, màu pha nước, bã trà, ngoại hình, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hệ thống phân phối

Từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã tiến hành xây dựng và củng cố mạng lưới phân phối, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Hiện nay, Công ty Tâm Châu có 6 chi nhánh tại Việt Nam và một chi nhánh tại Hoa Kỳ, mạng lưới phân phối tại 6 vùng miền của đất nước: Miền Trung, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, miền Tây và Hà Nội.

Lượng sản phẩm bán ra của Công ty chiếm 80% qua kênh phân phối, 20% còn lại là Công ty bán trực tiếp qua các showroom và các nhà hàng khách sạn thuộc hệ thống kinh doanh của Tâm Châu.

Hoạt động xúc tiến

Công ty sử dụng hình thức quảng bá thương hiệu như: Tài trợ các phong trào thể thao, cấp học bổng cho học sinh - sinh viên, xây nhà tình nghĩa, tham gia các sự kiện trong nước... Đây là một trong những hình thức để người tiêu dùng biết đến thương hiệu Tâm Châu.

Ngoài ra, qua các lễ hội như lễ hội trà - cà phê, hội chợ Công ty đã giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng, qua việc sử dụng catalog, đây là các hình thức hiệu quả giúp Công ty không những giới thiệu được các loại sản phẩm của công ty kinh doanh mà còn tạo dựng uy tín cho Công ty.

Văn hóa Công ty

Các thành viên trong Công ty luôn nỗ lực hết mình cùng với sự phát triển của Công ty và xem văn hóa Công ty như là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững.

- Đội ngũ nhân viên giàu tri thức, kỷ luật cao, có tinh thần đoàn kết - nhất trí, năng động - sáng tạo trong tư duy và hành động.

Phát triển sản phẩm và thị trường: Nhìn từ trường hợp Công ty Tâm Châu - Ảnh 1

- Xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp với những nét đặc thù của văn hóa phương Đông kết hợp với phong cách chuyên nghiệp của một nước đang trong quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa, làm nền tảng để vận hành bộ máy Công ty đi đến thành công.

- Lãnh đạo Công ty, các cán bộ, nhân viên luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất về môi trường làm việc, các chế độ đãi ngộ xứng đáng với năng lực để có thể yên tâm công tác và cống hiến cho Công ty, cũng như thu hút được ngày càng nhiều nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển

Công ty luôn khuyến khích sự sáng tạo của toàn thể nhân viên trong Công ty phát huy khả năng sáng tạo, học hỏi, nghiên cứu trước sự phát triển của khoa học thế giới mà nhất là đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Trong những năm qua, đội ngũ kỹ thuật của Công ty không ngừng cải tiến, sáng tạo và nghiên cứu các sản phẩm mới được chuyển giao từ nước ngoài, dây chuyền sản xuất, kỹ thuật trồng chè…

Ma trận các yếu tố nội bộ

Dựa vào các thông tin yếu tố nội bộ nhóm tác giả tiến hành phương pháp chuyên gia, lập ma trận IEF với bảng câu hỏi, đồng thời dựa vào kết quả thu thập ý kiến chuyên gia, nhóm tác giả đã tổng hợp được kết quả của ma trận các yếu tố bên trong:

Qua việc phân tích các yếu tố môi trường nội bộ của Công ty Tâm Châu và từ kết quả khảo sát các chuyên gia, tác giả đã rút ra được các điểm mạnh và điểm yếu cơ bản của Công ty Tâm Châu. Chỉ số xác định các cơ hội và nguy cơ là 0.31 (3.39/11=0.31).

- Các điểm mạnh: Là các yếu tố có số điểm quan trọng > 0.31.

- Các điểm yếu: Là các yếu tố có số điểm quan trọng <0.31.

Phát triển sản phẩm và thị trường: Nhìn từ trường hợp Công ty Tâm Châu - Ảnh 2

Tuy nhiên, trong thị trường cạnh tranh nhóm tác giả lựa chọn các điểm mạnh có số điểm quan trọng cao nhất, các điểm còn lại là các điểm không mạnh của Công ty để xây dựng chiến lược. Vì vậy, các điểm mạnh, điểm yếu được xác định là:

Điểm mạnh:

- Chất lượng sản phẩm;

- Khả năng tài chính;

- Uy tín công ty;

- Văn hóa doanh nghiệp;

- Marketing;

- Cơ sở vật chất và công nghệ sản xuất.

Điểm yếu:

- Công tác nghiên cứu và phát triển;

- Trình độ nhân viên;

- Mạng lưới phân phối;

- Hệ thống thông tin quản lý.

Giải pháp phát triển sản phẩm và thị trường của Công ty Tâm Châu

Về thị trường xuất khẩu:

Triết lý kinh doanh của Công ty là lấy “Chữ tín” và sự hài lòng của khách hàng làm hàng đầu.

Việc tuyển chọn và nhân giống là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chè và là biện pháp quan trọng để cung cấp nguyên liệu cho các mặt hàng chè đặc sản và xuất khẩu của Công ty. Trong những năm tới, Công ty nhân các giống có năng suất và chất lượng tốt như: 777, LDP1, LDP2, TR1777, Shan… Ngoài ra, tiếp tục nhập khẩu các giống chè của các nước có điều kiện sinh thái gần giống với Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản...

Xây dựng và mở rộng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (ISO), về phân tích rủi ro bằng phân tích tới hạn (HACCP), về ISO 22000 cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm và về quản lý môi trường (ISO 14001) để xuất khẩu chè có xuất xứ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Về công nghệ sản xuất:

Cần chú ý đến đặc điểm sinh thái của từng loại giống để bố trí trồng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chè, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thu hoạch, xử lý, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế; Thực hiện các quy trình trồng, chế biến sạch theo các tiêu chuẩn như Global Gap, VietGap…

Hiện tại, tất cả máy móc thiết bị chế biến sản phẩm trà Ô long của Công ty được nhập và được chuyển giao công nghệ  tiên tiến từ Đài Loan, đáp ứng được yêu cầu cao về ngoại hình của sản phẩm, tính cạnh tranh cao về chất lượng sản phẩm và vệ sinh công nghiệp. Đa dạng hoá các sản phẩm chè với mẫu mã, bao bì hiện đại, an toàn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Về nhân sự:

Đối với các hộ gia đình mà Công ty liên kết: Hình thức đào tạo là tổ chức mô hình lớp học theo công tác khuyến nông. Cán bộ công ty xuống tận các vùng chè, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng cây và thu hái chè.

Đối với công nhân kỹ thuật: Tiến hành mở các lớp học tại chỗ, trong đó vừa học lý thuyết, vừa học thực hành trên dây truyền thiết bị, tạo điều kiện cho người lao động nắm được những kỹ thuật cơ bản của kỹ thuật sản xuất chè.

Đối với cán bộ quản lý: Tập trung bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường, về quan hệ kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế; kỹ năng chuyên môn về nghiệp vụ ngoại thương, nghiên cứu thị trường và marketing quốc tế, tổ chức thu thập và xử lý thông tin; về trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và đàm phán tốt…

Về chiến lược marketing tới năm 2022:

- Đối với hoạt động phân phối: Tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống phân phối hiện nay, nhất là đẩy mạnh hơn nữa hệ thống phân phối tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Thành lập các cửa hàng trưng bày sản phẩm, mở rộng thị trường phân phối đến các vùng nông thôn bằng các hình thức như: Hỗ trợ vốn, tăng chiết khấu cho các đại lý… mở rộng thêm mạng lưới phân phối tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ để thúc đẩy việc xuất khẩu ra nước ngoài thuận tiên hơn.

- Đối với chính sách giá:

+ Từng bước kiểm soát quy trình, chuyên nghiệp hóa việc trồng và thu hoạch chè làm cho chi phí đầu vào giảm, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại nhằm giảm nhân công trong việc vận hành sản xuất từ đó giá thành sẽ dần được cạnh tranh hơn.

+ Tăng cường theo dõi thị trường, giám sát các nhà phân phối hạn chế vấn đề tăng giá đối với khách hàng.

+ Áp dụng các cải tiến làm giảm hao hụt nguyên liệu, tiết chiệm chi phí.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Trung Đông (2011), Hoạch định chiến lược thâm nhập thị trường thế cho sản phẩm chè của Việt Nam đến năm 2020, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  2. JICA (2015), Dự án hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng;
  3. Tô Linh Hương (2017), Chuỗi giá trị toàn cầu ngành hàng chè và sự tham gia của Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Kinh tế Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
  4. Nguyễn Thị Liên Diệp và Phạm Văn Nam (2010), Chiến Lược và chính sách kinh doanh, NXB Lao động – Xã hội.