Phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở tỉnh Hải Dương


Hải Dương là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Nguồn: Internet
Thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Nguồn: Internet

Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ cùng với Kế hoạch hành động của UBND Tỉnh, sản xuất nông nghiệp của Hải Dương đạt được kết quả đáng khích lệ, trên địa bàn Tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.

Phản ánh thực trạng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở Hải Dương hiện nay, bài viết kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trong thời gian tới.

Thực trạng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở tỉnh Hải Dương

Hải Dương là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Trên địa bàn Tỉnh đã quy hoạch thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như sau:

Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây lương thực:

Hiện nay ở Hải Dương đang tập trung vào quy hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên cây lúa, đặc biệt là vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tập trung ở huyện Kinh Môn, với diện tích gieo trồng khoảng 600 ha. Tại mô hình vùng sản xuất lúa thuần hàng hóa tập trung, Hải Dương xây dựng “các mô hình từ 30 ha/vùng trở lên với quy trình “một vùng, một giống, một thời gian” với tổng diện tích khoảng 3.000 ha; trong đó, vụ Xuân là 1.500 ha, vụ Mùa là 1.500 ha”… Nhờ sự liên kết của các hộ gia đình mà các cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương được hình thành. Hải Dương đã hình thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa, tập trung tại các huyện Thanh Miện, Kinh Môn, Ninh Giang…

Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây rau màu:

Trên địa bàn Tỉnh đã có các vùng sản xuất rau màu tập trung quy mô lớn như: Vùng chuyên canh hành, tỏi, cà rốt tập trung tại huyện Nam Sách, Kinh Môn, Cẩm Giàng; Vùng chuyên canh rau bắp cải, súp lơ, su hào, cải dưa, bí... được trồng chủ yếu tại Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ.

Trong năm 2017, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương” thuộc Chương trình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020”.

Mô hình được thực hiện với quy mô 900 ha, thực hiện tại các xã có điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác các chủng loại rau màu, có cơ sở vật chất khá, hệ thống giao thông, thủy lợi thuận lợi cho phát triển cây rau màu, diện tích tập trung từ 3-5 ha trở lên, có đủ điều kiện vật chất, nhân lực, vật lực, vốn đối ứng và tự nguyện tham gia vào mô hình, chấp hành chỉ đạo về kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái:

Tận dụng những điều kiện về đất đai, khí hậu thời gian qua nhiều địa phương ở tỉnh Hải Dương đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả như vải, ổi, na, cam... theo hướng hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người dân. Năm 2016, tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện 11 mô hình ở vùng vải được cấp mã số xuất khẩu đi Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU) với tổng diện tích 112 ha ở các huyện Thanh Hà 92,7 ha, Thị xã Chí Linh 20 ha. Năm 2017, Hải Dương tiếp tục duy trì “diện tích 8.000 ha vải được sản xuất an toàn theo hướng VietGAP”, diện tích sản xuất hàng hóa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm 200ha.

Ngoài ra, diện tích sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP của cây na là 30ha, cam 15ha, ổi 100ha và cam 20ha. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất tập trung theo đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Vùng chăn nuôi tập trung:

Thực hiện chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, Hải Dương đã cơ giới hóa hơn 90% khâu làm đất, 100% khâu xay sát, 98% khâu tuốt lúa, 75% khâu vận tải, 95% khâu tưới tiêu; việc áp dụng máy trong khâu thu hoạch, gieo cấy đã và đang được triển khai. Lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cũng được quan tâm đầu tư, năm 2015 có 15.000 cơ sở chế biến (tăng 3.000 cơ sở so với năm 2005)...

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã hình thành 8 khu chăn nuôi tập trung với quy mô từ 3ha/khu trở lên và 15 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô 10ha/khu trở lên. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp của Hải Dương cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Thực hiện chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, Hải Dương đã cơ giới hóa hơn 90% khâu làm đất, 100% khâu xay sát, 98% khâu tuốt lúa, 75% khâu vận tải, 95% khâu tưới tiêu; việc áp dụng máy trong khâu thu hoạch, gieo cấy đã và đang được triển khai.

Lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cũng được quan tâm đầu tư, năm 2015 có 15.000 cơ sở chế biến (tăng 3.000 cơ sở so với năm 2005)... Việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng nhu cầu sản xuất một cách nhanh chóng, kịp thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, thâm canh, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra.

Trong lĩnh vực trồng trọt, thực hiện lai tạo thành công tổ hợp lúa lai (HD1, HD2) cho năng suất cao và chất lượng gạo tốt; Tổ chức xây dựng thành công mô hình sản xuất giống lúa lai F1 có chất lượng gạo tốt với giá thành hạ (chỉ bằng 60- 65% giá lúa lai nhập) tại hộ nông dân ở một số địa phương với tổng diện tích thực hiện trên 3.100 ha; Thực hiện trên 200 mô hình quy mô từ 10 đến 50 ha, với phương châm “một vùng - một giống - một thời gian” để thuận tiện cho việc đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nghiên cứu thành công giống lạc mới LĐN-02 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và hiện đang triển khai tại một số địa phương với quy mô là 34,67ha. Đã đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ sản xuất; Áp dụng quy trình VIETGAP vào trồng rau quả an toàn, chất lượng cao tại Tứ Kỳ; Sản xuất hoa công nghệ cao tại Gia Lộc... Hiện nay, các vùng chuyên canh trồng bằng giống mới đạt tỷ lệ khoảng 65% diện tích; cây lương thực có 100% diện tích sử dụng giống mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới…

Một số giải pháp chủ yếu

Nhằm thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở Hải Dương thời gian tới cần tập trung một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường khảo sát, đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để quy hoạch phù hợp vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã và đang tích cực rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tương thích với thực tiễn địa phương và các yêu cầu đặt ra của nền kinh tế thị trường. Những năm tới, UBND Tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh và phù hợp nhu cầu thị trường. Theo đó, Tỉnh cần chú trọng làm tốt công tác quy hoạch tổng thể; cần rà soát lại các lợi thế về nông nghiệp để phát huy, nhất là các vùng chuyên canh rau màu, thủy sản, từ đó xây dựng chiến lược ngành hàng và vùng nguyên liệu phù hợp để thu hút DN đầu tư, liên kết với nông dân.

Phát huy sự chủ động tổ chức sản xuất của nông hộ, trang trại nhằm đạt quy mô hàng hóa lớn, trong đó ưu tiên loại cây trồng, vật nuôi cho sản phẩm hàng hóa chiếm tỷ trọng ưu thế; Xác định quỹ đất để quy hoạch và phát triển các vùng cây nguyên liệu, cây công nghiệp tập trung… Tập trung lập quy hoạch tổng thể từng ngành, từng lĩnh vực trọng yếu có vị trí then chốt với vai trò là “chìa khoá” và là động lực của nền kinh tế.

Phát huy lợi thế so sánh, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tạo ra sản phẩm mũi nhọn, gắn với thị trường và tạo sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển các tiểu vùng, trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển tiểu vùng phía Nam tỉnh. Để thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, Hải Dương cần coi trọng sự gắn kết chặt chẽ và hiệu quả giữa sản xuất nông sản nguyên liệu và công nghiệp chế biến, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô lớn và mở rộng dịch vụ nông thôn.

Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, cụ thể:

(i) Hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn: Hệ thống chính sách về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn phải bao quát từ chủ trương, chính sách đầu tư đến hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế, phương thức huy động và bố trí đầu tư.

Cần có sự tập trung thống nhất quản lý nhà nước mọi nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp, xoá bỏ nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc trung gian gây cản trở, méo mó, chệch hướng các dòng vốn đến với sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đồng thời, tuân thủ các định chế tài chính thích ứng với cơ chế thị trường để đẩy mạnh phát triển thị trường vốn nông thôn. Để thực hiện được mục tiêu nêu trên cần tập trung vào các giải pháp định hướng căn bản sau:

- Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy nội lực từ chính người nông dân và sự tham gia của các DN, tổ chức; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

- Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.

- Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho DN và người dân.

- Cải cách các thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng hơn phạm vi và các chương trình kinh tế, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư trong và ngoài nước để tranh thủ nguồn vốn và công nghệ tiên tiến.

- Cần kiện toàn chính sách tài chính - tiền tệ, với khâu then chốt là các ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn như: Thuế, lãi suất tín dụng và phân bổ vốn ngân sách, chính sách bảo trợ xuất khẩu, chính sách tiêu thụ hàng nông sản, chính sách đất đai, chính sách giá cả và thị trường... góp phần tháo gỡ ách tắc "đầu vào" và "đầu ra" trong lưu thông hàng nông sản, thiết lập môi trường tốt thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống tổ chức đầu tư vốn trong nông nghiệp, nông thôn thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó đầu tư từ vốn ngân sách, vốn tín dụng tập trung (Nhà nước thống nhất quản lý) đóng vai trò chủ đạo. Thống nhất các loại hình tổ chức tín dụng nông thôn theo một số định chế thích hợp với hoàn cảnh, địa bàn cụ thể. Tập trung quản lý các nguồn vốn đầu tư thông qua phát triển thị trường vốn nông thôn có sự tham gia cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng của mọi thành viên. Xây dựng cơ chế đầu tư thích hợp với tính chất nguồn vốn đầu tư…

(ii) Đẩy mạnh việc cải cách chính sách tài chính, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn cần làm rõ vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị của DN để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN và nông dân thông qua cho vay theo chuỗi ngành hàng, lấy DN thu mua, chế biến làm trung tâm. Ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các DN kinh doanh trong các ngành hàng có tiềm năng thị trường, có vùng nguyên liệu, có hợp đồng nông sản với nông dân. DN sử dụng khoản vay để ứng trước vốn, giống, vật tư, thiết bị cho nông dân có hợp đồng nông sản, đồng thời cần tính tới việc tăng tính linh hoạt về vốn cho nông dân.

Tìm cách đưa tín dụng trực tiếp đến tay nông dân thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm, lựa chọn ưu tiên với các mặt hàng có tiềm năng thị trường mà nông dân đang cần vốn đầu tư. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nông dân không mất nhiều thời gian làm thủ tục tín dụng. Điều chỉnh linh hoạt điều kiện cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, cải thiện điều kiện tiếp cận vốn (bao gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp). Mở rộng gói tín dụng cho vay theo vụ cây trồng, cho vay tiêu dùng đối với hộ nông dân. Có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông dân một cách đơn giản, rõ ràng thay vì phải cầm cố hay giao nộp sổ đỏ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển các chương trình nông nghiệp trọng điểm của Tỉnh.

Ba là, xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

(i) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt phục vụ cho phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất tại các nông hộ, trang trại, DN nông nghiệp. Nội dung đào tạo, huấn luyện phải sát với yêu cầu thực tế sản xuất của nông hộ, phải xuất phát từ nhu cầu của sản xuất.

Các trung tâm khuyến nông cần lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất hiệu quả nhất, nổi bật, có sức thuyết phục cao và có khả năng lan tỏa để chuyển giao đến cho bà con. Ngoài ra, chú trọng đào tạo cho người nông dân các kiến thức để tiếp cận với thông tin thị trường. UBND Tỉnh cũng cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, hay các cán bộ tại các trung tâm khuyến nông…

 (ii) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: Trong những năm tới, tỉnh Hải Dương cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho các DN chọn tạo giống. Hỗ trợ nông dân hay DN về vốn để họ có thể mạnh dạn đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản nông sản. Tỉnh cũng cần tăng kinh phí hỗ trợ cho việc chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Bốn là, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, cụ thể:

(i) Trong những năm tới, tỉnh Hải Dương cần có nhiều giải pháp về mặt chính sách giúp thu hút các nhà đầu tư phát triển các DN chế biến nông sản. Theo đó, Tỉnh cần có chính sách để khuyến khích đầu tư tư nhân có hiệu quả hơn, kể cả thông qua hình thức đối tác công - tư vào lĩnh vực chế biến và dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Tiếp tục áp dụng có hiệu quả các chính sách ưu đãi đặc biệt (hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục, miễn giảm thuế DN ở mức cao nhất...) để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển công nghiệp chế biến.

(ii) Tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, giúp ổn định đầu ra. Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh cần phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản, hỗ trợ nông dân và DN quảng bá sản phẩm hàng hóa là thế mạnh của Tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nông sản, thực phẩm đặc trưng. Tiếp tục hỗ trợ nông dân để họ thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các quy trình, quy chuẩn công nghệ sạch, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn, đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, hỗ trợ nông hộ và các hợp tác xã hay các DN quảng bá, tạo dựng được thương hiệu nông phẩm hàng hóa. Hỗ trợ để tạo ra liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN như: Hỗ trợ các tổ chức sản xuất nông nghiệp (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, DN) liên kết mở cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh và TP. Hà Nội, Hải Phòng... UBND các huyện, thị xã cần tiến hành thảo luận trực tiếp với các DN bán lẻ trên địa bàn (Ocean Mart, Metro, Big C, Intimex...) để các DN có thể mua được hàng nông sản ngay tại địa bàn cung ứng cho toàn chuỗi hệ thống.

Tỉnh có chính sách để xây dựng hệ thống thương mại - dịch vụ, phát triển đồng bộ các dịch vụ nông thôn. Hình thành các chợ đầu mối và phát triển hệ thống chợ, siêu thị bán buôn, bán lẻ nông sản, thực phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, tiến tới trực tiếp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Chú trọng khâu định hướng hỗ trợ thông tin về thị trường. Xây dựng kênh thông tin nông nghiệp để cung cấp các thông tin về thị trường các yếu tố đầu vào, đầu ra của sản xuất, công nghệ sản xuất, tình hình dịch bệnh, các rào cản kỹ thuật; thông tin về sản phẩm nông nghiệp.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/06/2017 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;
  2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, (2015), Báo cáo tổng kết sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương năm (2010-2015);
  3. Vũ Thanh Nguyên, (2017), Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại ở Hải Dương, Luận án tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương;
  4. Hân Đạt, Hải Dương phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31962802-hai-duong-phat-trien-vung-chuyen-canh-cay-an-qua.html;
  5. Mạnh Tú, Hải Dương phát triển mô hình sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm, https://www.mard.gov.vn/Pages/hai-duong-phat-trien-mo-hinh-san-xuat-lua-hang-hoa-gan-voi-bao-tieu-san-pham-29595.aspx.