Phát triển thị trường mua bán nợ: Cần hành lang pháp lý và người tạo lập thị trường

Theo Dương Công Chiến/thoibaonganhang.vn

Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là nghị định về thị trường mua bán nợ, theo đó cần bổ sung các chủ thể tham gia thị trường bao gồm các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Muốn phát triển thị trường mua bán nợ trước tiên cần có sự xuất hiện của người tạo lập thị trường là cơ quan Chính phủ và hành lang pháp lý đủ mạnh. Tuy nhiên, dù đã có những quy định nhưng chưa đủ để kích hoạt thị trường này phát triển. PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận tại Hội thảo “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của DN và các TCTD - Kinh nghiệm và hàm ý cho Việt Nam”.

Thiếu lực đẩy

Thị trường nợ là một bộ phận của thị trường tài chính, bên cạnh thị trường vốn cổ phần. Hàng hóa của thị trường nợ là các chứng khoán nợ như trái phiếu DN (TPDN), trái phiếu Chính phủ (TPCP), trái phiếu đô thị, giấy chứng nhận tiền gửi và các khoản vay có giá trị khác… Thị trường mua bán nợ còn gọi là ngành mua nợ, trong thị trường này, bên thứ ba hay bên mua không có trong hợp đồng vay nợ, còn bên bán là bên đã cho vay nợ mà chưa đến hạn đòi nợ hoặc chưa đòi được nợ khi đã đến hạn hoặc quá hạn.

Có ba cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng, theo đó người cho vay tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng; người cho vay thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay; người cho vay bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường…

Khái quát thị trường mua bán nợ ở Mỹ, ông cho biết có 4 nhóm tham gia thị trường này, gồm Chính phủ, DN, nhà đầu tư (NĐT), các cơ quan điều tiết giám sát và các tổ chức định mức tín nhiệm. Còn ở Nhật Bản, TTCK rất hiệu quả với TPDN nhưng thị trường này chủ yếu tập trung vào một số ngành ngân hàng, điện lực, viễn thông. Song vấn đề quan trọng nhất là họ xây dựng được hệ thống khuôn khổ pháp lý hướng tới NĐT chuyên nghiệp chứ không giống Việt Nam là mọi người đều có thể tham gia.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ mới chỉ giành cho TPCP và các khoản nợ của các TCTD. TPCP chiếm 90% tổng giá trị thị trường, trong khi đó TPDN được kỳ vọng giải tỏa vốn cho DN trung dài hạn phát triển rất kém. Việt Nam khó có thể giúp DN thu hút vốn nếu không phát triển được thị trường TPDN.

Một trong những hạn chế khác là theo quy định hiện hành người bán nợ bao gồm ngân hàng, DN và một số cơ quan nhà nước, tuy nhiên người mua nợ phải được cấp phép mới có thể bán lại khoản nợ trên thị trường… “Điểm yếu rất lớn là khung pháp lý chưa đủ mạnh, đặc biệt tính minh bạch trong cung cấp thông tin chưa đủ thuyết phục NĐT”, ông Hùng cho biết.

Riêng về xử lý nợ xấu của các TCTD, ông Vi Tuấn Hiệp (Chánh văn phòng VAMC) cho biết, Chính phủ và NHNN đang phải nỗ lực can thiệp, quá trình xử lý nợ xấu phải gắn chặt với tái cơ cấu ngân hàng, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các TCTD hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, VAMC đã mua khoảng 300 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đây là con số khá lớn và được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Con số này, ngay lập tức giải tỏa được sức ép về vốn, giải quyết nợ xấu.

Thị trường tiềm năng

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng, tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ xấu là rất lớn. Nguồn cung cho thị trường khá dồi dào với dư nợ khoảng 6 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 125% GDP, cộng với đó là các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu theo NHNN khoảng 8,6% tổng dư nợ, khoảng 516 nghìn tỷ đồng.

Chủ thể tham gia thị trường hiện nay chủ yếu là VAMC, DATC, AMC của các TCTD. Mới đây nhất, Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD còn cho phép NĐT tư nhân tham gia và TCTD có quyền năng khá lớn là được quyền thu giữ tài sản bảo đảm… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang lấy ý kiến về chức năng nhiệm vụ công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính, có chức năng giống VAMC để thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

Thế nhưng thực tế đến nay việc vận hành chưa được như mong muốn, vì còn vướng mắc quá nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý… “Thông tin các khoản nợ thực hiện giao dịch trên thị trường hiện đang rất thiếu minh bạch. Các TCTD thường che giấu các thông tin bất lợi để thúc đẩy giao dịch trên thị trường nên việc thẩm định khoản nợ rất phức tạp. Khi chào bán thì khoản nợ rất đẹp, nhưng đi vào kiểm tra thì mới thấy có nhiều vấn đề phức tạp”, một chuyên gia nói.

Một bất cập khác là Việt Nam chưa có tổ chức định giá tài sản độc lập có uy tín khiến cho việc mua bán nợ còn khó khăn. Đặc biệt là các quy định về định giá khoản nợ. Hầu hết TCTD đều mong muốn việc bán tài sản bảo đảm ngoài thu hồi hết nợ gốc, phải thu về được 30% lãi vay nhưng thực tế rất khó. Cho dù Nhà nước cho phép bán tài sản thế chấp theo giá thị trường nhưng nếu tài sản không đủ thu hồi vốn, cán bộ sẽ chịu trách nhiệm hình sự, người mua cũng gây khó khăn vì không muốn vẫn còn khoản nợ treo trên đầu.

PGS -TS. Đào Văn Hùng cho rằng, nếu phát triển được thị trường mua bán nợ, người vay sẽ giảm được áp lực trả nợ, có cơ hội cân đối lại khả năng trả nợ do chủ nợ mới thường tính toán lại khoản nợ và tạo điều kiện cho người vay có khả năng trả nợ tốt hơn; người cho vay thì gia tăng tính thanh khoản; thị trường mua bán nợ sẽ làm tăng nguồn vốn khả dụng cho người tiêu dùng, đặc biệt những người thường khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn này, tuy nhiên lý thuyết này so với thực tế còn rất khó khăn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là nghị định về thị trường mua bán nợ, theo đó cần bổ sung các chủ thể tham gia thị trường bao gồm các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng… Bên cạnh đó là mở rộng phương thức mua bán nợ thông qua hình thức chứng khoán hóa các khoản nợ xấu… Đặc biệt là sớm nghiên cứu thành lập sàn giao dịch mua bán nợ tập trung, phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản của thị trường này…

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có hành lang pháp lý đồng bộ, đa dạng hóa các chủ thể tham gia, đa dạng hóa hàng hóa (nguồn cung) trên thị trường, đa dạng hóa phương thức mua bán nợ; đảm bảo minh bạch và hoạt động theo cơ chế thị trường, thị trường mua bán nợ mới có thể thành công”, ông Lực phân tích.