Phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1317/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

5 nội dung phối hợp

Đề án nêu rõ 5 nội dung phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, đó là:

Thứ nhất, phối hợp trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững.

Thứ hai, phối hợp trong việc đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế; trong việc tạo dựng và phát triển các thị trường: vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học - công nghệ,...; trong việc đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường và trong các vấn đề về kinh tế đối ngoại.

Thứ ba, phối hợp trong toàn bộ chu trình xây dựng và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm: xác định các mục tiêu của chính sách; đánh giá tác động và đưa ra các giải pháp, công cụ thực hiện mục tiêu chính sách; triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và đánh giá, điều chỉnh chính sách.

Thứ tư, phối hợp trong việc xây dựng các phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực.

Thứ năm, phối hợp trong việc xây dựng hệ thống thông tin, bao gồm: tạo lập hành lang pháp lý cho việc xây dựng cơ sở thông tin thống nhất cho hoạt động dự báo và tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo; xác định rõ các nội dung dự báo vĩ mô chủ yếu của bộ, cơ quan liên quan gắn với yêu cầu thông tin dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các bộ, cơ quan, địa phương.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Để triển khai những nội dung trên, Đề án cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu thực hiện cải cách phối hợp.

Trong đó nhấn mạnh công tác đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng chú trọng tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, bảo đảm huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, phối hợp đồng bộ trong toàn bộ quá trình từ xây dựng, ban hành đến thực thi và kiểm tra, đánh giá các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; khắc phục tư duy và tình trạng hình thức trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phối hợp.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý quy định về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giữa các bộ, cơ quan, địa phương theo hướng khắc phục tình trạng chia nhỏ lĩnh vực quản lý cho nhiều bộ, cơ quan liên quan. Mỗi lĩnh vực quản lý chỉ giao cho một bộ, cơ quan chịu trách nhiệm chính; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, nhất là trong chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện công tác phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giữa các bộ, cơ quan liên quan; đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý liên quan và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Theo Đề án, các bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng xác định rõ quan điểm, mục tiêu của chính sách, các công cụ, giải pháp và lộ trình triển khai thực hiện; tăng cường phối hợp trong chỉ đạo triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh chính sách giữa các bộ, cơ quan liên quan; nâng cao vai trò của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân trong quá trình xây dựng và phản biện chính sách theo quy định.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề cập là việc xây dựng bộ công cụ và phương pháp giám sát, đánh giá tác động, các chế tài xử lý vi phạm trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; đảm bảo yêu cầu định lượng được các tác động, ảnh hưởng chính sách đến nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực chủ yếu và cảnh báo sớm để các bộ, cơ quan liên quan chủ động phối hợp, điều chỉnh kịp thời; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cập nhật, đầy đủ, chính xác, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các bộ, cơ quan, địa phương; nâng cao năng lực của công tác thống kê, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, năng lực cho các đơn vị làm công tác dự báo tại các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô cũng cần được kiện toàn song song với việc tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô tại các bộ, cơ quan liên quan.

Các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước và ưu tiên bố trí kinh phí nghiên cứu khoa học được giao cho từng bộ, cơ quan để  đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.