Phí BOT cần cân bằng lợi ích các bên

Theo chinhphu.vn

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, mức phí BOT hiện nay được tính trên cơ sở khoa học và dựa trên việc cân bằng lợi ích của người dân - doanh nghiệp và chủ đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các câu hỏi về cách tính phí BOT, thời gian tới phí BOT có tăng không, làm thế nào để minh bạch việc thu phí và việc khi nào Nhà nước sẽ tính đến việc mua lại các trạm thu phí BOT đều được lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện Bộ Tài chính trả lời trong buổi tọa đàm về Minh bạch thu phí các dự án BOT giao thông do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 20/5.

Liên quan đến câu hỏi về cơ sở đưa ra các mức phí BOT hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong phương án tài chính của các dự án BOT đều được hình thành từ 2 nguồn vốn gồm: nguồn vốn của nhà đầu tư (15 – 20%) còn lại là nguồn huy động từ nguồn vốn vay tín dụng, vay thương mại. Vì vậy toàn bộ phương án tài chính được xác định đều có thời gian hoàn vốn từ 15-25 năm.

“Các dự án thu phí hoàn vốn trước đây thường thu đồng loạt 10.000 đồng/lượt xe con, các loại xe khác nhân lên gấp 4-5 lần. Từ năm 2000 về trước, giá vé đó là cố định, sau đó chúng ta hội nhập kinh tế thị trường, toàn bộ chi phí được tính theo thị trường. Chúng tôi tính theo tốc độ tăng trưởng kinh tế để đưa ra giá tối thiểu là 20.000 – 25.000 đồng /xe cơ sở, tương đương với giá 10.000 đồng/xe như trước đây. Khi làm việc với Bộ Tài chính, chúng tôi cũng tính rất kỹ về mức thu nhập của người dân. Thứ hai là phải tính mức lãi suất ngân hàng để có được phương án hoàn vốn cho dự án”, Thứ trưởng Trường cho biết.

Về khả năng điều chỉnh mức phí các dựán BOT thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để rà soát, điều chỉnh các trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách (còn 11/ 71 trạm chưa bảo đảm khoảng cách).

Đối với các trạm đang thu, tạm thời chưa tăng phí theo hợp đồng 3 năm/1 lần. Đối với dự án chuẩn bị thu phí, sẽ xem xét kéo dài tối đa thời gian hoàn vốn để ít nhất bằng hoặc không cao hơn các trạm đã có.

“Tháng 6 tới sẽ có Hội nghị tổng kết 5 năm đầu tư dự án bằng BOT, Bộ GTVT sẽ mời DN và các chuyên gia đầu ngành đánh giá, góp ý cho việc đầu tư này, được mất cái gì, cơ chế chính sách ra sao. Sau đó, Bộ sẽ tiến hành kiến nghị Chính phủ để đưa ra phương án đầu tư BOT cụ thể giai đoạn 5 năm tới”, Thứ trưởng nói.

Cho biết về tính minh bạch trong công tác thu phí, Thứ trưởng Trường khẳng định, các trạm thu phí đang được áp dụng công nghệ thu phí một dừng, được kiểm soát chặt bằng thẻ điện tử và phần mềm. Công tác quản lý nhà nước giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nên không có chuyện bị thất thu phí. Thời gian tới, với việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng, chắc chắn sẽ bảo đảm tuyệt đối việc minh bạch trong thu phí.

Về câu hỏi, Bộ GTVT cóýđịnh mua lại các trạm thu phí hay không? Thứ trưởng Trường cho biết, việc huy động các nguồn lực để đầu tư dự án giao thông BOT xuất phát từ nguyên nhân ngân sách khó khăn. Vì vậy đến thời điểm này chưa tính đến việc mua lại các trạm thu phí mà phải đợi khi nền kinh tế tốt lên hoặc có các giải pháp phù hợp hơn.

“Hầu hết các dự án BOT mới được đầu tư, đang trong giai đoạn ban đầu khai thác thu phí để hoàn vốn. Theo quy định (thông thường sau khoảng 20-25 năm), sau khi hoàn vốn theo Hợp đồng đã kí, các công trình này sẽ được bàn giao cho nhà nước.

Việc nhà nước mua lại các trạm thu phí (thực chất mua lại các dự án BOT trước thời điểm hoàn vốn của dự án) cần được cân nhắc hết sức kĩ lưỡng và chỉ có thể thực hiện khi ngân sách có khả năng đáp ứng.