Phó Thủ tướng lý giải việc nợ nước ngoài của quốc gia tăng cao
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh không phải vấn đề đáng ngại vì trong đó bao gồm cả các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân, không phải nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước.
Tính lại dự toán thu, kiên quyết chống thất thu
Tại phiên thảo luận tại tổ sáng 24/10 về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh những thành quả thì các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế được các báo cáo thẩm tra của Quốc hội, các Uỷ ban chỉ ra sát với thực tiễn của đất nước, tạo ra nhận thức và hành động chung của bộ máy nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong thời gian tiếp theo.
Liên quan quản lý về thu ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết dự kiến cả năm nay thu ngân sách sẽ vượt 5% dự toán, thay vì là vượt 3% như chỉ tiêu ban đầu. Tuy nhiên, thu ngân sách ở 3 khu vực không đạt như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội do việc đặt ra dự toán quá cao.
Đề cập đến dự toán thu năm nay, Phó Thủ tướng cho biết có 16 tỉnh, thành phố có ngân sách điều tiết về trung ương đều được giao tăng thu 18% so với năm trước. Riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được Trung ương giao thu cao hơn 24%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế.
“Tuy nhiên, năm nay, Chính phủ sẽ không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh thì chỉ giao tăng thu ngân sách tăng trung bình 12% thôi. Chính phủ cũng sẽ trình tiếp với Quốc hội bố trí 5.600 tỷ đồng để bù hụt thu ngân sách trung ương và cấp 2.800 tỷ đồng để bù thiếu hụt cân đối ngân sách cho địa phương”, Phó Thủ tướng thông tin.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu thu ngân sách đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm nhanh vì các DNNN đã cổ phần hoá thì được xác định là thành phần kinh tế ngoài nhà nước, mặc dù vốn Nhà nước vẫn chi phối nhưng không được xác định là DNNN. Sang năm 2019, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa khái niệm DNNN (doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước là DNNN) thì số thu ngân sách từ DNNN sẽ tăng lên.
Chốt lại các vấn đề liên quan tới ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết: “Một mặt Chính phủ sẽ tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh”.
Vì sao nợ nước ngoài của quốc gia tăng?
Cho rằng ý kiến đánh giá rằng nợ công tăng cao hơn GDP là chính xác, song theo Phó Thủ tướng, nhìn lại 3 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực để giảm mức tăng của nợ công. Từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng 6% nhưng nợ công tăng gấp 3 lần ở mức 18%. Hiện nay, nợ công vẫn tăng nhưng chỉ còn tăng khoảng 8% so với tăng GDP là 6,7%.
Ngoài ra, lý giải nguyên nhân nợ nước ngoài của quốc gia tăng, Phó Thủ tướng cho biết cơ cấu nợ này gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
“Vừa qua có việc doanh nghiệp của Thái Lan - ThaiBev - mua lại cổ phần Nhà nước ở Sabeco có giá trị khoảng 5 tỷ USD, nhưng pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nên ngoài vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp này phải đi vay để huy động số tiền lớn để được chi phối ở Sabeco. Nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Tương tự, Vingroup vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế để xây dựng hãng ô tô VinFast. Các doanh nghiệp tư nhân phải trả khoản này. Khi bán được ô tô, họ sẽ có dòng tiền để trả nợ và nợ này sẽ giảm. Việc này có rủi ro là tỷ giá và lãi suất USD có tăng lên nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát việc này. Hiện nay, nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân thì tăng lên”, Phó Thủ tướng lý giải.
Hiện nợ nước ngoài của quốc gia đã gần chạm trần Quốc hội cho phép.
Đối với bảo lãnh Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết năm 2017, Chính phủ không bảo lãnh cho doanh nghiệp nào. Năm 2018 Chính phủ chỉ bảo lãnh cho 2 dự án quan trọng của ngành điện, còn năm 2019 thì hạn mức bảo lãnh cũng rất thấp nhằm bảo đảm an toàn nợ công.