Phó Thủ tướng trả lời cử tri về hiệu quả đầu tư công

PV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây đã có văn bản trả lời Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) về những vấn đề liên quan đến hiệu quả đầu tư công thời gian qua và giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Không thể đánh giá hệ số ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả"

Tại Văn bản số 1856/TTg-KTTH ngày 24/12/2018, trả lời chất vấn của Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2015 hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện. Hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần trong từng giai đoạn. Nếu so sánh với giai đoạn trước, những năm đầu giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR có xu hướng cao hơn, cụ thể: ICOR bình quân (tính theo giá so sánh năm 2010) năm 2016 là 6,41, năm 2017 giảm nhẹ còn 6,21, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,05, giai đoạn 2006-2010 là 5,18.

Lý giải thêm về hệ số ICOR, Phó Thủ tướng cho rằng, thông thường chỉ số này tính theo khoảng thời gian hay theo từng giai đoạn, còn phụ thuộc vào các yếu tố như sự thay đổi công nghệ hay tỷ lệ kết hợp giữa vốn và lao động. Hiệu quả đầu tư thể hiện bằng hệ số ICOR được cơ quan thống kê Việt Nam tính toán cho toàn bộ nền kinh tế bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Hệ số ICOR không tính theo thành phần kinh tế, do vốn đầu tư công chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy, không thể đánh giá hệ số ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả. Tùy từng giai đoạn mà hệ số ICOR có sự tăng giảm theo đặc trưng của nền kinh tế hay các ảnh hưởng trong phạm vi quốc gia và ảnh hưởng của thương mại quốc tế.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư công thấp

Lý giải về những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công, Phó Thủ tướng cho rằng, bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo đó, đối với nguyên nhân khách quan: Là do tác động ảnh hưởng từ những biến động xấu của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước suy giảm, tổng cầu yếu, dẫn đến việc huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn; Các tồn tại, bất cập về đầu tư công trong giai đoạn trước chưa thể xử lý dứt điểm ngay trong ngắn hạn; Các dự án, chương trình cũ, tồn đọng từ trước vẫn cần phải tiếp tục xử lý, sắp xếp; Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước giảm mạnh, không đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội...

Đối với nguyên nhân chủ quan: Là do thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, và hoàn thiện; chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công; vẫn còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, ngành và địa phương còn khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian để thống nhất cách tiếp cận, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư công.

Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt còn một số bộ, ngành trung ương và địa phương phê duyệt dự án chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành, đặc biệt các quy định chỉ được phép lập và phê duyệt dự án khi đã xác định được khả năng cân đối nguồn vốn. Trong công tác chuẩn bị đầu tư, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầu tư, nên chưa thể tiến hành thi công và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao.

Chất lượng của các loại quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đối với một số dự án hạ tầng.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, mất nhiều thời gian nên làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong việc cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.

Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức...

Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công như ban hành Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công... Những nỗ lực này đã góp phần hạn chế đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Không chỉ có khu vực đầu tư công mà các khu vực khác như FDI, tư nhân...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất từ đó giảm hệ số ICOR. Do vậy, trong những năm gần đây, tỷ lệ vốn đầu tư công chiếm trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng thấp đi, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư công sẽ đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian tới phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án không đúng quy định. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Mở rộng các hình thức đầu tư, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư.

Đồng thời, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn; huy động nguồn lực đất đai và tài nguyên cho đầu tư phát triển...