Phòng vệ thương mại: Chiến lược kinh doanh thời hội nhập

Ánh Ngọc

Tận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là hướng đi tất yếu để doanh nghiệp Việt khẳng định được chỗ đứng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đầy cạnh tranh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiểu biết của doanh nghiệp chưa sâu

Trong thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp trụ cột là biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Các biện pháp này được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp tự vệ thường được nói đến như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu.

Công cụ phòng vệ thương mại không chỉ được biết đến như là một rào cản ở nước ngoài, mà còn được xem như công cụ có thể sử dụng ở trong nước để bảo vệ chính doanh nghiệp nội địa. Ở Việt Nam, thống kê của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại Trung tâm WTO và Hội nhập với hơn 1.000 doanh nghiệp được thực hiện từ cuối năm 2014 cho thấy, có 60 - 70% doanh nghiệp được hỏi đã biết về công cụ phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa hầu hết đều chưa có kiến thức chuyên sâu cũng như chưa sử dụng hiệu quả công cụ này.

Số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại ở Việt Nam quá ít và dường như phòng vệ thương mại là công cụ bị bỏ quên tại Việt Nam. Tính tới tháng 10/2015, tổng số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài là 70, trong đó, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 36. Trong khi đó, ở Việt Nam thì mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá.

Báo cáo do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14/10 vừa qua cho biết, có đến 56,07% doanh nghiệp được khảo sát không biết hoặc không có thông tin về tình hình hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh về giá tại Việt Nam và có tới 45,71% doanh nghiệp không biết và không có thông tin về tình hình hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Sử dụng sức mạnh tập thể

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu với việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 đồng nghĩa với việc mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là tất yếu. Bởi vậy, việc tận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại như những công cụ hợp pháp, phù hợp cam kết và thông lệ quốc tế sẽ góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp trong nước cần hiểu rõ và nắm vững các quy trình, thủ tục điều tra cũng như các thông tin liên quan đến vấn đề phòng vệ thương mại quốc tế. Doanh nghiệp Việt cần đưa phòng vệ thương mại thành chiến lược kinh doanh, từ đó trang bị kiến thức và đào tạo cán bộ chuẩn bị nguồn lực cho việc áp dụng công cụ này thì doanh nghiệp trong nước mới có thể đứng vững trên thương trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phòng vệ thương mại không phải là mỗi doanh nghiệp riêng lẻ có thể thực hiện được mà nó là hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Do đó, các doanh nghiệp cần tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan để có thể thực hiện được các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động hơn để bảo vệ sản xuất nội địa, đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một thị trường.