“Phủ sóng” thương mại điện tử xuyên biên giới

T. Trang

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là xu hướng tất yếu và dự báo mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xu hướng tất yếu

Trên thế giới, cùng với sự bùng nổ của Internet và sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, các website bán hàng cũng như các hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế đã trở thành hướng đầu tư khôn ngoan để các doanh nghiệp mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới. thương mại điện tử xuyên biên giới quan trọng là phải cung cấp đủ thông tin tin cậy để người tiêu dùng có thể chọn lựa được nguồn hàng từ khắp nơi trên thế giới và đảm bảo quá trình giao dịch diễn ra đơn giản, xuyên suốt cho người tiêu dùng.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, thương mại điện tử tại Việt Nam đang trên đà phát triển. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin Việt Nam (Vecita) cho biết, trong số 40 triệu người sử dụng Internet (trên 92 triệu dân) thì có đến 58% người đã từng mua sắm trực tuyến. Dự báo trong năm 2015, doanh thu thị trường thương mại điện tử trong nước sẽ vào khoảng 4 tỉ đô la Mỹ.

Thương mại điện tử hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế và các khách hàng tiềm năng một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp dễ dàng hợp tác, kết nối mạng lưới sản xuất, tìm các nguồn đầu tư có lợi.

Đồng thời, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới làm giảm các chi phí vận hành, giảm thiểu các khâu trung gian, cung cấp các công cụ quảng bá thông tin, hình ảnh phong phú với chi phí thấp, mở rộng các kênh truyền thông và tiếp cận khách hàng mới với hiệu quả cho doanh nghiệp. Ngoài ra, sẽ giúp doanh nghiệp mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hoá thông qua hình thức mua bán trực tuyến. Đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới cũng như khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng chỉ ra rằng các doanh nghiệp có website hoặc các site vệ tinh thương mại thường có tốc độ phát triển nhanh gấp hai lần so với các doanh nghiệp không có website hoặc website đang ngừng hoạt động.

Còn nhiều rào cản

Hiện nay, thương mại điện tử không còn quá khó để ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, để có thể kinh doanh hiệu quả trên môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là một bài toán khó.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải những rào cản về ngôn ngữ, nền văn hóa khác nhau, khó khăn về phương thức thanh toán và kinh nghiệm tiếp cận thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, các website được triển khai không đúng tiêu chuẩn dẫn đến không tận dụng được các công cụ hữu ích, các tác vụ thanh toán không thuận tiện với người dùng… cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam. Ngoài ra, thói quen thanh toán bằng tiền mặt dẫn đến việc thanh toán điện tử qua tài khoản ATM hay thẻ tín dụng chưa phát triển mạnh tại Việt Nam đang là trở ngại lớn.

Bài toán khó hiện nay vần là hạ tầng hoàn chỉnh về thanh toán điện tử trong nước hiện còn thiếu, hệ thống giao nhận cũng như cam kết chất lượng từ các nhà cung cấp chưa được người tiêu dùng tin tưởng. Chi phí đầu tư lớn cho hạ tầng thương mại điện tử xuyên biên giới mà không đơn giản một vài công ty là có thể đứng ra xây dựng. Theo các chuyên gia, điều này còn đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: nhà cung cấp nước ngoài; nhà phân phối thương mại điện tử trong nước; nhà cung cấp giải pháp giao nhận; và giải pháp thanh toán điện tử.

Để giải quyết được các hạn chế trên, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ nên thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, từ đó đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn và để tối đa hóa lợi ích của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều vấn đề cần được giải quyết thông qua sự hợp tác chặt chẽ ở cấp nhà nước giữa các quốc gia.