Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc: Cuộc chơi sòng phẳng

Việt Nguyễn

(Tài chính) Khẳng định “làm ăn” với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế là xu hướng chung của cả thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Song, Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cải cách, nhất là cải cách thể chế, để vượt qua thách thức, nắm bắt lấy cơ hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc: Cuộc chơi sòng phẳng
Công trường xây dựng nhà máy alumina Nhân Cơ-Đắc Nông, một trong những dự án Trung Quốc thầu xây dựng. Ảnh: Vinacomin

Nhận định về mối quan hệ giữa kinh tế Việt Nam với Trung Quốc hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Vị chuyên gia này dẫn ra hàng loạt các ví dụ như Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo phương thức hợp đồng tổng thầu EPC cụ thể như nhà máy xi măng, dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng, cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới...; lĩnh vực vận tải đường sắt, hàng không, đường bộ; du lịch và cuối cùng, các mối quan hệ này bị lợi ích nhóm chi phối mạnh.

Mối quan hệ “trên cả hữu hảo”

“Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy? Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai? Trung Quoc là bậc thầy về mua chuộc, đút lót. Tình trạng kinh tế chúng ta phụ thuộc phải chăng là do lợi ích nhóm chi phối mạnh?”, ông Doanh đặt câu hỏi.

Báo cáo của Hải quan Việt Nam cho biết năm 2012, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 28,8 tỷ USD. Trong khi báo cáo của Trung Quốc cho biết cùng năm này, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam 34 tỷ USD. “Như vậy, có chênh lệch tới 5,2 tỷ USD qua đường tiểu ngạch”, ông Doanh nhận xét.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua lại Công ty CP của Thái Lan để trở thành nhà cung cấp thức ăn gia súc lớn nhất Việt Nam, hay trúng thầu hầu hết các dự án lớn của Đài Loan như Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Cũng giống như ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng “mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc rất không bình thường”. Một trong những nguyên nhân khiến cho cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt ngày càng lớn trong thời gian gần đây, là do Việt Nam “chọn việc dễ chứ không muốn làm việc khó trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác... bởi làm với Trung Quốc dễ hơn nhiều so với làm với các nước khác.”

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoảng sản, 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện và rất nhiều dự án giao thông. Tất cả các dự án này bị chậm tiến độ có khi đến 3 năm, chất lượng thiết bị kém.

Nhà thầu Trung Quốc đem toàn bộ vật tư, phụ tùng, phụ kiện sang thi công dự án, kể cả các thiết bị có thể chế tạo tại Việt Nam; họ đem cả lao động phổ thông sang làm tại các công trình mà họ làm tổng thầu.

Chẳng hạn, Nhà máy Alumin Lâm Đồng gói thầu là 466 triệu USD, song nhà thầu phụ Việt Nam chỉ nhận được 170 tỷ đồng (chưa đến 8 triệu USD); nhà máy Alumin Nhân Cơ có giá trị hợp đồng là 499 triệu USD, giao cho thầu phụ Việt Nam chỉ 53 tỷ đồng (2,5 triệu USD).
“Trung Quốc đã thắng thầu hầu hết các dự án ở Việt Nam. Khi đấu thầu quốc tế rộng rãi thì chỉ có các nhà thầu Trung Quốc tham gia, các nhà thầu nước khác không muốn tham gia nữa”, ông Thụ nói.

Trong “nguy” có “cơ”

Sau những căng thẳng đã và đang diễn ra trên biển Đông, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam tạo thế cân bằng với Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế của Việt Nam bị phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc,  nhưng theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, theo thông lệ quốc tế, một nước không nên phụ thuộc vào nền nhập khẩu của nước khác, hay xuất khẩu sang thị trường nước khác quá 8%. Nếu như một nước nào đó lại có tỷ trọng xuất khẩu sang nước kia trên 8% thị trường của nước ấy thì rất có thể sẽ bị nước này sẽ gây ức ép.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, nếu một nước chiếm quá 10 - 11% thị phần của nước khác thì còn có nguy cơ bị nước đó kiện về việc làm lũng đoạn thị trường hoặc chiếm lĩnh thị phần quá lớn.

Đối với trường hợp cụ thể của Việt Nam, hiện nay Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ bằng 12% tổng số nhập của Việt Nam từ nước này. Nhưng theo con số thống kê của Trung Quốc, xuất khẩu sang Việt Nam kể cả phần xuất khẩu lậu cao hơn con số của Việt Nam công bố khoảng 5,2 tỷ USD. Và về tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc thì khoảng 31 - 32% tổng số nhập của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc là khá lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay cũng nhập khẩu 45% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo thì Việt Nam có thể gặp khó khăn, nhưng ngừng nhập thì cũng đồng nghĩa với việc 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của nước này sẽ bị thiếu gạo ăn, vì vậy mà 3 tỉnh này luôn bày tỏ thẳng thắn với Việt Nam là rất thiện chí trong việc tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Do đó, Việt Nam có phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng có phần phụ thuộc vào Việt Nam. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Trung Quốc là quốc gia mới trỗi dậy, một nền kinh tế lớn, nên Việt Nam “không thể không chơi".

“Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện tại khá sâu, chỉ tính riêng thương mại, Trung Quốc đã là đối tác lớn nhất của Việt Nam, chưa kể đầu tư, đấu thầu, du lịch… Trung Quốc đang có hành động không đẹp trong thương mại, như: cấm cửa khẩu, cấm đấu thầu nhưng họ không thể ồ ạt rút lui do quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ của các tập đoàn lớn trên thế giới như: Sam Sung, Nokia… Bên cạnh đó, Trung Quốc lại đang hưởng thuận lợi nên không thể cắt bỏ quan hệ này. Và cuối cùng, là Trung Quốc không tuân theo luật chơi chung thì hình ảnh của nước này ngày càng xấu đi”, ông Võ Trí Thành nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ: “Chúng ta có quan hệ với Trung Quốc và sẽ tiếp tục mối quan hệ này bởi Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Thế giới biết đến Việt Nam một phần vì Việt Nam nằm ở phía Nam của Trung Quốc. Làm láng giềng với nước lớn, chúng ta phải tận dụng lợi thế vị trí địa lý của mình”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Nhập siêu rất lớn nên có sự lệ thuộc nhất định
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Vì nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc nên nền kinh tế Việt Nam có sự lệ thuộc nhất định vào thị trường này. Vì nhập khẩu nguyên liệu lớn nên phần giá trị gia tăng DN tạo ra rất ít. Ngoài ra, Việt Nam còn tiêu thụ công nghệ cho các DN Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, thương lái Trung Quốc còn vào nước ta mua đủ thứ (mầm cây thảo quả, lá khoai lang, móng trâu, rễ hồ tiêu...) và cũng không ít lần thương lái Trung Quốc thao túng thị trường tạo nên những cơn sốt giá nông, thủy, hải sản sau đó không mua khiến người dân khốn cùng vì hàng hóa bị rớt giá.

Việt Nam cần giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam cần xem xét điều chỉnh, giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô và hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám trong sản phẩm xuất khẩu.

Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR

Tôi đồng tình việc Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc. Sắp tới sẽ thấy ngay tác động từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đó là suy giảm về kinh tế. Do đó, Việt Nam nên kịp thời chuyển hướng, chuyển đổi thành nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn. Sự chuyển mình ban đầu luôn khó khăn, nhưng là cách buộc các DN Việt Nam phải làm, phải đối mặt. Đồng thời tránh được những rủi ro với sự bất nhất, không thể dự báo trước trong quan hệ với Trung Quốc.