Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và những vấn đề đặt ra


Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tạo việc làm và thu nhập cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tạo việc làm và thu nhập cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Nhìn chung, việc thực thi hợp đồng lao động giữa người làm việc với người sử dụng lao động là khá tốt, tuy nhiên, thực tế còn không ít doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các cam kết trong hợp đồng, vi phạm quyền lợi người lao động, dẫn đến tranh chấp lao động xảy ra.

Đóng góp của doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Trong 30 năm qua, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với việc nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách; Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%; Đóng góp trên 20% vào GDP; Tỷ trọng xuất khẩu khu ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (71%).

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... Lũy kế đến ngày 20/5/2018, cả nước có 25.691 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các dự án FDI đã tham gia đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 198,13 tỷ USD, (chiếm 57,9% tổng vốn đầu tư); Tiếp đến là bất động sản với 51,84 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 21,71 tỷ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).

Có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, các DN FDI đã và đang thúc đẩy Việt Nam hội nhập với thế giới. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45,53 tỷ USD (chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư); Tiếp đến là Bình Dương với 30,8 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,85 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư)…

Cùng với đó, khu vực DN có vốn FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp, từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ người lao động. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, từng bước được hình thành và dần tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Một bộ phận lao động địa phương được tiếp nhận vào làm việc tạo các DN có vốn FDI; được bồi dưỡng, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước thay thế được các vị trí quan trọng, chủ chốt của DN…

Tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp FDI

Hành lang pháp lý về lao động và quan hệ lao động

Pháp luật về lao động và quan hệ lao động đã và đang được kiện toàn để phù hợp với tình hình thực tiễn. Năm 2012, Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung. Trên nền tảng đó, các luật chuyên ngành như: Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… tiếp tục được ban hành và sửa đổi, bổ sung. Từ đó, hệ thống các tiêu chuẩn về lao động đã được hình thành, từng bước phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế theo các tiêu chí: Mức lương tối thiểu, giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi; tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của người lao động; quyền được lựa chọn việc làm và nơi làm việc của người lao động được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận theo hợp đồng lao động; quyền gia nhập và thành lập tổ chức của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động, trên cơ sở đó làm căn cứ để tạo lập quan hệ lao động tại DN.

Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp  có vốn đầu tư nước ngoài và những vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Nhận thức và tuân thủ pháp luật tại các doanh nghiệp FDI

Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về quan hệ lao động tại các DN FDI đã được nâng lên rõ rệt và có nhiều chuyển biến quan trọng. Người lao động từ chỗ chủ yếu phụ thuộc vào người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động áp đặt các chính sách, chế độ đã chuyển sang thực hiện cơ chế thương lượng, thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến quyền lợi và lợi ích của cả hai bên. Người lao động đã chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để bảo vệ và đảm bảo các quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình. Việc tuân thủ pháp luật lao động của người sử dụng lao động cũng ngày càng được coi trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều DN có vốn FDI quan tâm đến cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập, hỗ trợ nhà ở và chăm lo các điều kiện văn hóa tinh thần cho người lao động.

Các cấp công đoàn cũng đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hiệu quả như: Chương trình phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; Chương trình phổ biến, tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động; Chương trình thúc đẩy thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể DN; Thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm DN; Chương trình triển khai các hoạt động đối thoại, tổ chức hội nghị người lao động… Hoạt động công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp đã có nhiều đổi mới, chuyển từ chức năng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các phong trào trong công nhân, lao động là chủ yếu sang thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động… Chức năng quản lý nhà nước về quan hệ lao động được xác định cụ thể hơn, ngoài chức năng thực thi pháp luật lao động, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, công đoàn các cấp còn có chức năng tham gia hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ lao động trong DN, giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động…

Thực thi chính sách tiền lương, các chế độ phụ cấp, phúc lợi và khen thưởng

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (quý II/2018) của Tổng cục Thống kê, việc thực thi hợp đồng lao động giữa người làm việc với người sử dụng lao động tại các DN FDI là khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN có vốn FDI thực hiện các cam kết trong hợp đồng chưa nghiêm túc, vi phạm quyền lợi người lao động, dẫn đến tranh chấp lao động hoặc ngừng việc tập thể. Các vi phạm chủ yếu tập trung vào các vấn đề: cách trả lương, thưởng, chuyên cần; thời gian làm thêm quá nhiều, điều kiện làm việc không đảm bảo, không đóng bảo hiểm xã hội, cách hành xử, quản lý người lao động…

Khảo sát cho thấy, trong tổng số hợp đồng lao động được thực thi tại các DN có vốn FDI, số hợp đồng lao động không xác định thời hạn chỉ chiếm 33,4%; Số hợp đồng lao động từ 1 năm đến dưới 3 năm, chiếm 55%; số hợp đồng từ 3 tháng đến dưới 1 năm chiếm 8,7% và dưới 3 tháng chiếm 1,4%; 1,5% còn lại là số lao động đang làm việc trong các DN có vốn FDI không có hợp đồng lao động. Theo phản ánh của người lao động, để tránh nộp bảo hiểm xã hội, một số chủ sử dụng lao động đã chuyển từ ký kết hợp đồng lao động sang ký kết hợp đồng dịch vụ, tư vấn, cộng tác viên đối với một số công việc thường xuyên…

Về tiền lương, bình quân hàng tháng của người lao động tại các DN có vốn FDI mặc dù cao hơn so với khu vực DN ngoài nhà nước nhưng chưa bằng các DN nhà nước. Tiền lương của người lao động không thể trang trải cho cuộc sống hàng ngày của họ, thậm chí người lao động chấp nhận tăng ca liên tục mà vẫn không đủ sống.

Theo thống kê, tiền lương bình quân tháng/người tính đến cuối năm 2017 tại các DN có vốn FDI đạt 6,204 triệu đồng/người/tháng (khu vực ngoài nhà nước là 4,992 triệu đồng/người/tháng; khu vực nhà nước là 6,224 triệu đồng/người/tháng). Trong đó, mức lương của lao động nam đạt 6,875 triệu đồng/người/tháng; lao động nữ đạt 5,882 triệu đồng/người/tháng (Tổng cục Thống kê, năm 2017).

Về tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tại các DN có vốn FDI tuy cao hơn so với các DN ngoài nhà nước (đạt khoảng 88% năm 2017), nhưng mức tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương thực tế của người lao động còn có sự chênh lệch khá lớn (khoảng 75%).

Mặc dù, các DN FDI đều áp dụng thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần, tuy nhiên, số giờ làm thêm lại tương đối lớn, bình quân mỗi người lao động làm thêm 275,8 giờ/năm. Số giờ làm thêm đặc biệt cao tại các DN dệt may, da giầy, điện tử. Nhiều DN có số giờ làm thêm lên tới 500-600 giờ/năm/lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh thống kê: Thời gian làm thêm bình quân của người lao động là 0,89 giờ/ngày, 22 giờ/tháng, 260 giờ/năm đối với 90% lao động. Như vậy, người lao động phải làm thêm giờ là rất đông. Tổng số giờ làm thêm bình quân trong năm vượt trội hơn khoảng 30% so với quy định của Bộ luật Lao động.

Về ký kết thương lượng tập thể, theo điều tra lao động – việc làm hàng quý của Tổng cục Thống kê, hoạt động này được các DN có vốn FDI thực hiện khá tốt. Tính đến tháng 5/2018, có 64,28% DN có vốn FDI ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, mang lại lợi ích cho hơn 2,5 triệu lao động, đoàn viên công đoàn. Mặc dù, hoạt động này đã được nâng lên nhưng trong thực tế, một số bản thỏa ước sau khi được ký kết đã không được chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc cho người lao động.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, công tác thoả ước trong đối thoại công đoàn tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng thoả ước được ký kết có lợi cho người lao động còn chưa cao. Đến nay chỉ mới có 11,5% thoả ước đạt loại A. Tình trạng chủ DN có vốn FDI tìm mọi cách hoặc gây áp lực về công việc để "sa thải" người lao động trên 35 tuổi diễn ra ngày càng tăng tại các DN có vốn FDI cũng đã gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội như: gia tăng bệnh tật, tạo thêm gánh nặng cho gia đình, địa phương, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội…

Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp  có vốn đầu tư nước ngoài và những vấn đề đặt ra - Ảnh 2

Nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến chấm dứt quan hệ việc làm tại các DN FDI cho kết quả như sau: Có tới 39% người lao động nghỉ việc là do áp lực công việc (tăng ca, định mức cao); 13,4% lao động nghỉ việc là do công việc nặng nhọc, nguy hiểm; 8,4% lao động nghỉ việc là do bị quấy rối tình dục; 16,4% lao động nghỉ việc là do bị chửi mắng, phân biệt đối xử; 15,1% nghỉ việc là do sức khỏe không đảm bảo, mất sức lao động; 12,6% bị thôi việc không lý do…

Hệ lụy trên đã gây nên nhiều xung đột căng thẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động trong thời gian qua. Thống kê trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018 tại 39/63 tỉnh, thành phố cho thấy đã xảy ra 454 cuộc ngừng việc tập thể và đình công. Trong đó, 343 cuộc là tại các DN có vốn FDI (DN có vốn FDI từ Hàn Quốc chiếm 44,02% (151 cuộc); từ Đài Loan chiếm 23,91% (82 cuộc); Trung Quốc chiếm 10,2% (35 cuộc); Nhật Bản chiếm 4,96% (17 cuộc); số còn lại là của DN ở các nước khác).

Nguyên nhân dẫn đến các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể hoặc đan xen tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích mà nổi bật là nguyên nhân liên quan đến tiên lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động như: Nợ lương, không điều chỉnh lương tối thiểu, trả lương không đúng quy định, không theo hợp đông lao động hoặc trừ thu nhập trái pháp luật; tăng định mức lao động để giảm tiền lương của người lao động; vi phạm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, nợ bảo hiểm xã hội, không đóng bảo hiểm xã hội, ban hành nhiều quy định trái pháp luật, đối xử thô bạo…

Đề xuất, kiến nghị

Nhằm cải thiện quan hệ lao động giữa các DN có vốn FDI và người lao động, thời gian tới cần triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm. Cụ thể, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và các vấn đề liên quan đến tiền lương, tranh chấp lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể...; Bổ sung các quy định về ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành, các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các quy chế nhằm bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở; Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp để đảm bảo những quyền cơ bản của người lao động, nhất là những quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế cũng như các cam kết tại các hiệp định tự do thương mại.

Thứ hai, hoàn thiện và phát triển thị trường lao động trong nước theo hướng: Kết nối cung cầu lao động hiệu quả; Tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và kết nối việc làm ở thị trường trong nước với thị trường lao động ngoài nước; Nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhà tuyển dụng trong cung ứng và tuyển dụng lao động. Đặc biệt, cần tăng cường và nâng cao công tác dự báo nhu cầu lao động, nhất là dự báo về xu hướng sa thải lao động, xu hướng việc làm của lao động sau khi kết thúc quan hệ việc làm.

Thứ ba, cần có chính sách tổng thể cho người lao động mất việc làm. Chính sách tổng thể về người lao động mất việc làm trong DN, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được hợp nhất, lồng ghép vào trong các chính sách phát triển như một bộ phận cấu thành. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành các quy định pháp luật để thắt chặt, hạn chế tình trạng DN sa thải người lao động trên 35 tuổi.

Theo đó, Nhà nước cần quy định và mở rộng quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị sa thải, ràng buộc DN có vốn FDI phải đóng đủ bảo hiểm xã hội 20 đến 30 năm cho người lao động, nếu muốn sa thải, hay đền bù một lần cho người lao động bị sa thải để họ tự tham gia bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, phát triển chính sách hỗ trợ lao động để ứng phó với những vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ của các DN có vốn FDI. Đồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp cho người lao động và trách nhiệm và vai trò của công đoàn cơ sở.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lao động, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các hình thức, các kênh truyền thông để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người lao động tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển quan hệ lao động, tiến tới thành lập một số chi nhánh khu vực của trung tâm, nhằm đáp ứng kịp thời việc tư vấn, hỗ trợ các bên trong đối thoại, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ở doanh nghiệp; Hạn chế sự can thiệp hành chính trực tiếp của Nhà nước vào quan hệ lao động tại DN.

Thứ bảy, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc các điều ước, công ước quốc tế, thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực về quan hệ lao động để hình thành mô hình quan hệ lao động phù hợp với điều kiện nước ta, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2012), Bộ Luật Lao động (Luật số 10/2012/QH13);

2. Quốc hội (2014), Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số 58/2014/QH13);

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2018), Kỷ yếu Hội thảo chuyên đề “Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – thực trạng và giải pháp”;

4. Phạm Minh Huân, Quan hệ lao động ở Việt Nam- Những vấn đề đặt ra và định hướng hoàn thiện, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=5704;

5. Các website: molisa.gov.vn, congdoanvienchucvn.org.vn, congdoan.vn.