Quản lý bán hàng qua mạng: Siết trốn thuế!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việc chống thất thu thuế qua hoạt động bán hàng trên mạng xã hội tiếp tục được hâm nóng khi cơ quan quản lý ở TP. Hồ Chí Minh đề xuất làm việc với Facebook để quản lý nguồn thu thuế. Sự bùng phát của thương mại điện tử rõ ràng là một thách thức lớn đối với quản lý thuế, khi hiện nay chưa có những giải pháp kiểm soát hữu hiệu.

 Sự bùng phát của thương mại điện tử là một thách thức lớn đối với quản lý thuế. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sự bùng phát của thương mại điện tử là một thách thức lớn đối với quản lý thuế. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhận định gần đây từ Bộ Công Thương về sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) rất đáng lưu tâm khi lĩnh vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại bán lẻ.

Thống kê năm 2016 cho thấy, doanh số TMĐT bán lẻ B2C (các giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng là đối tượng cá nhân mua hàng) của Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỷ USD năm 2013, chiếm hơn 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Chưa kiểm soát tốt

Để TMĐT phát triển tốt hơn, Bộ Công Thương đề xuất cần thiết lập và vận hành những hạ tầng thiết yếu cho TMĐT; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT nói riêng và công nghệ số nói chung để hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Hơn nữa, cần đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng thừa nhận là TMĐT vẫn chưa được kiểm soát tốt cả về tư cách pháp nhân và chất lượng hàng hóa mua bán qua mạng. Mới đây, đề xuất từ phía lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM về vấn đề làm việc với Facebook để quản lý nguồn thu thuế đã cho thấy cơ quan quản lý ở các trung tâm “nóng” trong hoạt động bán hàng qua Facebook thực sự sốt ruột như thế nào.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, khẳng định sẵn sàng phối hợp cùng Cục Thuế Tp.HCM để phòng chống thất thu thuế đối với mô hình bán hàng qua mạng Internet đang bùng phát dữ dội ở thành phố hiện nay.

Điển hình, phổ biến từ những thương hiệu TMĐT lớn trên thế giới thâm nhập vào Việt Nam như Facebook, Instagram, YouTube, Google, Ebay, Alibaba,… cho đến hoạt động TMĐT của các tên tuổi nội địa như: VCCorp, Vatgia, Rongbay, Enbac, Muare, Muachung, 5giây, Zalo… với các mặt hàng được bày bán thuộc đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ may mặc, ăn uống, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cho tới kinh doanh đồ công nghệ…

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, dù là TMĐT, các chủ thể kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải kê khai thuế trước khi bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thì tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước là người mua sẽ phải kê khai thuế theo từng hợp đồng và khấu trừ nộp thay thuế cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, việc đăng ký thuế khi doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay chưa được quy định cụ thể do điều này chỉ xảy ra trong TMĐT theo nghĩa hẹp.

Dễ dàng trốn thuế

Bà Nguyễn Thị Hánh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế, cho rằng TMĐT đang đặt ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý thuế. Hoạt động này đang phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhiều loại hình TMĐT xuất hiện, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành thói quen của người dân.

Theo bà Hánh, thách thức lớn trong quản lý thuế đối với TMĐT hiện nay còn ở vấn đề giao dịch mang tính nặc danh, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi, giấu tên và khó xác định giá trị cũng như giá bán, khó tìm kiếm giao dịch tương đồng về sản phẩm cùng điều kiện giao dịch.

Ngoài ra, TMĐT cũng đặt ra thách thức trong việc xác định bản chất giao dịch và giá trị, giá bán sản phẩm vô hình. Hơn nữa, nó còn thách thức trong việc tìm kiếm các giao dịch độc lập hoặc những bên độc lập để so sánh trong quá trình xác định giá tính thuế.

Bà Nguyễn Thị Hánh cho biết, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải có sự hỗ trợ vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng có liên quan mới có thể xác định được luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch,… Từ đó, làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán dịch vụ trên hệ thống máy tính của doanh nghiệp…

Vấn đề đặt ra là cả nước hiện có 130 triệu thuê bao di động, trong đó phần lớn sử dụng điện thoại di động thông minh để tham gia vào giao dịch TMĐT. Về mặt quản lý, hiện nay, theo bà Hánh, Nhà nước mới chỉ quản lý được các doanh nghiệp tham gia TMĐT nên nhiều cá nhân đã cố tình trốn thuế, chuyển giá.

Bên cạnh đó, cán bộ quản lý thuế chưa có nhiều kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, nhiều sản phẩm số hóa trên TMĐT rất khó xác định giá trị thực và giá bán hoặc nhiều sản phẩm là các tài sản vô hình.

Đồng thời, hoạt động TMĐT có nhiều khác biệt so với giao dịch thương mại truyền thống như không có kho chứa hàng, không cần dự trữ nhiều hàng hóa…

Hiện nay, nếu xét về tăng trưởng, Việt Nam là một trong số những thị trường TMĐT có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới. Nhưng rõ ràng, như những gì cơ quan quản lý nhìn ra từ các kẽ hở dẫn đến thất thu thuế, việc thiết lập các công cụ để “siết” trốn thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng là điều cấp thiết trong lúc này.