Quản lý giá tại Việt Nam: Cuộc rượt đuổi vô vọng?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Các cơ quan quản lý đang nỗ lực điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nhưng hình như càng điều chỉnh, các loại giá này lại càng... loạn. Điều đáng nói, việc quản lý giá những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác đang thiếu tính hiệu quả như mong muốn vì chúng ta lựa chọn phương thức quản lý giá cả mang tính mệnh lệnh hành chính nhà nước.

Cần phải thay đổi phương thức quản lý giá. Nguồn: internet
Cần phải thay đổi phương thức quản lý giá. Nguồn: internet

Áp giá trần cho sữa, giá sàn cho viễn thông... hàng loạt mệnh lệnh hành chính được đưa ra để quản lý giá vẫn không thể lập lại trật tự cho thị trường.

Câu chuyện của người nông dân

Ở quê, nhằm mục đích kiếm thêm thu nhập người nông dân thường nuôi bò. Cách thức nuôi tập trung bằng chuồng trại không được áp dụng. Cách thức phổ biến vẫn là phải chăn dắt. Khi chăn bò, nói theo ngôn ngữ hàn lâm thì người nông dân chăn bò nhằm những mục đích nhất định. Về cơ bản, người nông dân phải làm sao để cho bò được no cỏ và không đi ăn lúa của người khác.

Để đạt được hai mục tiêu này, người nông dân lùa bò ra ngoài đồng và cứ để cho bò đi ăn thoải mái. Bản chất của bò bị nhốt cả một đêm dài, được thả ra đồng cỏ là nó thích thú vô cùng. Vấn đề là ở khu vực chăn bò, ngoài khu vực đồng cỏ còn có ruộng lúa của các nông dân khác. Trong cơn tiêu hứng của con bò, tất nảy sinh khả năng con bò không ăn cỏ mà lại đi phá ruộng lúa của người khác. Trong trường hợp con bò nào không ăn cỏ mà lại phá ruộng lúa của người khác thì người nông dân lấy roi mà đánh nhằm ngăn ngừa việc phá hoại của bò. Nguyên lí là thế, nhưng áp dụng nguyên lí này vào việc chăn bò thì tuỳ mỗi người nông dân khác nhau mà họ sẽ áp dụng một cách khác nhau. Tựu trung lại có hai cách:

Một là, chạy theo sau con bò. Khi con bò chạy phá ruộng lúa phía đông thì chạy theo phía đông mà đánh, bò chạy phía tây thì chạy theo phía tây.

Hai là, vạch ra một khu vực mà con bò có thể ăn cỏ. Sau đó người chăn bò chỉ việc đứng ở chỗ giáp ranh giữa khu vực đồng cỏ và ruộng lúa. Nếu có bò xâm phạm đến ranh giới này thì cũng dùng roi mà trừng phạt.

Và câu chuyện quản lý giá

Việc quản lí giá của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường cũng tựa như việc chăn bò của người nông dân vậy. Nhà nước là người chăn bò, mà doanh nghiệp (DN) là những con bò. Cũng tương tự như những con bò ham ăn sau một đêm dài bị nhốt trong chuồng chật chội, với sự thúc giục của lợi nhuận các DN luôn có khuynh hướng đạt đến lợi nhuận nhiều nhất có thể. Trong hành trình tối đa hoá lợi nhuận đó, tất sẽ nảy sinh khả năng làm tổn hại đến quyền lợi của khách hàng.

Trong bối cảnh đó, việc quản lý Nhà nước về giá suy cho cùng cũng chỉ nhằm hai mục đích là để cho DN được tự do kinh doanh và ngăn ngừa DN vượt quá giới hạn tự do đó, xâm hại quyền lợi của xã hội. Vấn đề là Nhà nước lựa chọn việc quản lý giá theo cách chạy sau đuôi con bò hay tạo ra giới hạn mà con bò có thể tự do kiếm ăn và quản lý từ xa?

Với khuynh hướng thứ nhất, người nông dân phải liên tục chạy theo con bò. Mặc dù vẫn đáp ứng được nhu cầu là không cho con bò ăn lúa, nhưng người nông dân không phải là người chủ động trong cuộc rượt đuổi. Vì bất cứ lúc nào, con bò cũng có thể chạy qua hướng khác. Kết quả là người nông dân muốn bò không ăn cỏ, phải cật lực mà chạy theo các hướng mà con bò đã đi.

Việc quản lý giá của hầu hết các lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam hiện nay như giá cước viễn thông, giá sữa… hầu như đều được quản lý theo khuynh hướng hành chính. Theo đó, các DN phải cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước các thông tin về cấu thành giá, phải đăng kí giá hoặc quản lý thông qua giá trần và giá sàn. Mặc dù được liệt kê theo nhiều cách, nhưng điểm mấu chốt nhất của các hành vi quản lý này luôn có một xuất phát điểm là cấu thành giá. Theo đó, thông thường cơ quan quản lý sẽ yêu cầu các DN kê khai các chi phí sản xuất của mình để:

(i) Nhà nước xây dựng mức giá sàn/ giá trần.

(ii) Yêu cầu DN phải đăng kí trước khi thay đổi giá.

(iii) Bù đắp bằng quĩ bình ổn để hàng hoá giảm giá.

Bản chất của hành vi quản lý này cũng tương tự như hành vi chạy sau đuôi con bò của người nông dân. Theo đó, cách thức này có tác dụng điều chỉnh một hoặc một vài hành vi cụ thể của DN. Nhưng khi DN thay đổi các yếu tố qua đó làm ảnh hưởng đến cấu thành giá mà cơ quan quản lý xây dựng, các công thức tính giá, lại không còn tác dụng. Có nhiều cách thức và lí do để DN đưa ra để biện minh cho việc thay đổi giá. Việc cơ quan quản lý phải chạy theo giá sữa trong thời gian vừa rồi là minh chứng điển hình.

Với khuynh hướng thứ hai, việc quản lý bò của người nông dân trở nên hiệu quả hơn. Để không phải “chạy theo” DN trong quá trình quản lý giá, nhà nước cần phải tạo lập một “khu vực đồng cỏ” mà DN có thể thoả sức thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình. Giới hạn của “khu vực đồng cỏ” chính là những điểm mà DN tiến hành định giá mang tính bóc lột khách hàng hoặc định giá để huỷ diệt các DN. Đó cũng chính là lúc mà Luật Cạnh tranh phát huy tác dụng.

Nhìn từ góc độ kinh tế, một DN chỉ tác động xấu đến đại bộ phận người tiêu dùng hoặc gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh, qua đó huỷ diệt các DN đối thủ chỉ khi DN này mang trong mình một quyền lực thị trường đủ mạnh. Nhìn từ góc độ đó, pháp luật cạnh tranh hiện hành có đủ các qui định để tạo ra các giới hạn cho “khu vực đồng cỏ” như trên đã đề cập.

Đơn cử, Điều 11 Luật Cạnh tranh quy định về DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường: “1. DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. 2. Nhóm DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Hai DN có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; b) Ba DN có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; c) Bốn DN có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan”. Rõ ràng, “khu vực đồng cỏ” đã có giới hạn.

Một điều quan trọng nữa trong quá trình quản lý đó là mục tiêu xuyên suốt của việc quản lý giá là gì. Nếu người nông dân không thực sự muốn bò của mình không ăn lúa của người khác, thì chả có lí do gì để chọn cách đứng gác ở khu vực ngoài rìa đồng cỏ. Vì khi đứng ngoài đồng cỏ với cây roi đang giơ cao, con bò sẽ không thể nào vượt khỏi tầm kiểm soát của người nông dân. Chưa kể cây roi của người nông dân sẽ vụt vào nó bất cứ lúc nào. Với khuynh hướng thứ nhất, người nông dân cứ để cho bò ăn lúa. Nếu có phản ứng từ chủ lúa, người nông dân sẽ biện minh rằng mình đã chạy theo con bò này rất nhiều trong cả ngày, việc nó đi ăn lúa là việc mà mình không hề mong muốn.

Kết lại cho câu chuyện này là chúng ta cần phải thay đổi phương thức quản lý giá. Kinh nghiệm trong suốt thời gian qua cho thấy, biện pháp quản lý mang tính hành chính chưa bao giờ là biện pháp mang tính tối ưu. Xây dựng một nền kinh tế thị trường, yêu cầu đầu tiên là cần hạn chế việc can thiệp mang tính hành chính. Và điều quan trọng nhất đó là cần đưa tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.

Mọi hành vi “vượt rào” đều phải xử lí như nhau, bất kể DN này có nguồn gốn vốn và sở hữu từ đâu. Xin mượn một câu nói của Hàn Phi Tử để kết lại bài viết “Trời không vì cái gì mà thay đổi bốn mùa, người quân tử không vì cái gì mà thay đổi pháp luật”.