Quản lý kê khai giá cước vận tải: Mạnh tay, hiệu quả

Trang Trần

(Tài chính) Thời gian qua, giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải. Để thực hiện bình ổn giá cước vận tải kịp thời, phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính đã lập nhiều đoàn thanh kiểm tra sát sao tình hình thực hiện kê khai giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chủ trì buổi họp. Nguồn: financeplus.vn
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chủ trì buổi họp. Nguồn: financeplus.vn

Quyết liệt trong quản lý giá cước

Từ ngày 18/07/2014 đến thời điểm ngày 21/01/2015, giá xăng đã giảm 38,9%, giá dầu giảm 33,1%. Bám sát diễn biến giá nhiên liệu, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải kịp thời có các văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Trong đó, đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và yêu cầu các đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu và các yếu tố chi phí đầu vào; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công thư gửi Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị quan tâm phối hợp với Liên Bộ, chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện ngay việc quản lý giá cước vận tải bằng ô tô, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với mặt bằng giá xăng dầu.

Không  chỉ chỉ đạo bằng văn bản, tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện quản lý giá cước, đánh giá tác động giá xăng dầu đến giá cước vận tải tại một số địa phương. Kết quả đến hết tháng 12/2014, giá cước vận tải băng ô tô đã điều chỉnh giảm 1 đợt (Giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%- 26,32%, phổ biến giảm từ 3-10%; Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7%, phổ biến giảm từ 5-10%). Tiếp sau đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội, Cần Thơ). 

Để giám sát và bình ổn giá vận tải dịp tết, ngay từ đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 Đoàn kiểm tra bình ổn giá dịp tết trong đó có kiểm tra về kê khai giá cước, giảm giá cước vận tải tại 15 tỉnh thành phố. Mặt khác, để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc thực hiện kê khai giảm giá cước, Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập bổ sung 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại 3 khu vực Miền Bắc (TP. Hà Nội); miền Trung (TP. Đà Nẵng); miền Nam (gồm: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Trong đó tập trung vào kiểm tra vận tải hành khách bằng taxi (26 đơn vị) và vận tải hành khách tuyến cố định (14 đơn vị).

Tiếp tục công khai tình hình kê khai giá

Sau các đợt kiểm tra, rà soát sát sao, tại buổi Họp báo Công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ngày 11/2, Bộ Tài chính cho biết, các đơn vị được kiểm tra đã chấp hành đầy đủ quy định về niêm yết giá vé tại nơi bán vé và trên phương tiện theo đúng quy định. Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải.

Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá như Hợp tác xã Vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một (tại Bình Dương) đã bị Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 109/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị thực hiện tốt, thực hiện chưa đầy đủ và các đơn vị chưa thực hiện kê khai giá trên các tuyến kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng khuyến khích các địa phương tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý kê khai giá cước trên các tuyến đối lưu (2 chiều) giữa hai địa phương.

Danh sách các đơn vị được kiểm tra kê khai giảm giá cước vận tải: danh sach kiem tra ke khai gia van tai.xls