Quản lý kinh tế vĩ mô và vai trò tổng tham mưu trưởng

Theo Đại biểu Nhân dân

Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Dưới góc độ nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về vai trò của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là trong giai đoạn kinh tế phức tạp như hiện nay.

Quản lý kinh tế vĩ mô và vai trò tổng tham mưu trưởng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nước ta đã trải qua hơn 25 năm chuyển từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế  thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dó đó, phương thức quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng có nhiều thay đổi để thích nghi với cơ chế mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, Chính phủ đã đạt được rất nhiều thành tựu trong điều hành quản lý kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ kiên quyết đã phát huy được hiệu quả, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011. 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Trưởng ban thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lê Viết Thái, bên cạnh rất nhiều mặt được, công tác điều hành kinh tế vĩ mô, xây dựng thể chế cũng có những nhược điểm nhất định. Trước hết về mặt luật pháp kinh tế, rất ít Luật, Nghị định về kinh tế được đánh giá thường xuyên về hiệu quả và tính thực tiễn của văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật dù được xây dựng và lấy ý kiến theo đúng quy trình nhưng thời gian vật chất cho công việc lấy ý kiến này còn ít. Đặc biệt là điều phối giữa các chính sách còn yếu nên xuất hiện tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các chính sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Điểm yếu quan trọng nhất theo ông Lê Viết Thái là từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì phân cấp rất mạnh, nguồn lực đã được phân bổ về cho các ngành, các địa phương nhưng lại thiếu đi một cơ quan có chức năng cũng như có năng lực để bao quát toàn bộ những nguồn lực ấy, cho nên nguồn lực bị phân tán, thiếu sự phối hợp nên có thể có những chính sách triệt tiêu ảnh hưởng của những chính sách khác. Do đó cần có những nghiên cứu một cách khoa học để từ đó đề xuất những cơ chế, đề xuất những chức năng những tổ chức điều hành kinh tế mang tính tổng tham mưu

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Anh Tuấn - Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề thiếu tổng tham mưu trưởng là đúng nhưng chưa đủ. TS. Vũ Anh Tuấn cho rằng những bất cập của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc chưa phát huy đầy đủ vai trò của Văn phòng Chính phủ với tư cách là một cơ quan tổng tham mưu trong điều hành các bộ và cơ quan ngang bộ, dẫn tới tình trạng còn chồng chéo trong điều hành kinh tế, do hiện tại không có một cơ quan nào đóng vai trò phân bổ các nguồn lực. Cần phát huy vai trò của Văn phòng Chính phủ chứ không thể lập thêm một cơ quan siêu bộ rồi lại có Văn phòng Chính phủ đứng bên trên siêu bộ này

Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế thì điểm yếu lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam là căn bệnh đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả. Một ví dụ điển hình cho tình trạng phân tán đã được nhắc đến nhiều là quy hoạch đầu tư cảng biển miền Trung.

Hiện nay, 600km bờ biển miền Trung đang dày đặc cảng, cứ 30 - 40km lại có 1 cảng. Cảng nào cũng được xác định là cảng nước sâu, nhưng chỉ đón được tàu khoảng 30.000 tấn, thua xa các cảng quốc tế đón tàu hàng trăm nghìn tấn. Cộng tất cả số lượng bốc xếp của các cảng biển miền Trung đó vẫn chưa bằng cảng Hải Phòng hay Quân cảng Sài Gòn với công suất 14 triệu tấn/cảng. Ngân sách trung hạn và các kế hoạch 5 năm cũng đặt ra những thách thức kinh tế không nhỏ. Bởi vậy, câu chuyện chống đầu tư dàn trải luôn nóng. Ở đó, vai trò tổng tham mưu trưởng của Chính phủ cần được thể hiện rõ nét. 

Cũng theo các chuyên gia này thì Việt Nam có thể làm hiện nay là tiếp tục cải thiện các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa. Cụ thể là cải thiện quy trình ngân sách hàng năm, tập trung trách nhiệm của Bộ Tài chính và tách bạch phân cấp quản lý kinh tế cho 4 cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.